Không chỉ mất cân đối về quy hoạch giữa nguồn lương thực xuất khẩu và nguồn nguyên liệu chăn nuôi trong nước, gây những xáo trộn mà những quan sát mới nhất từ các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, vị thế cây lúa đã qua “thời gái son”, không chỉ thị trường xuất khẩu co hẹp mà còn đang làm sụt giảm đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp...
Cây lúa mất dần lợi thế
Thị trường lúa gạo xuất khẩu đang dần thu hẹp và mất thị phần ở nhiều quốc gia, hiện đang phải phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc; cũng như kim ngạch xuất khẩu sụt giảm thời gian gần đây đã bộc lộ những bất cập và sức cạnh tranh yếu kém.
Theo TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (thuộc Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn), sản xuất lúa gạo Việt Nam hiện nay đang đối mặt với những thị trường mới nổi như Campuchia và Myanmar. Cùng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu gạo sang Trung Quốc nhưng gạo Campuchia lại đang được thị trường thế giới đánh giá có chất lượng cao nhất, còn sản lượng gạo của Myanmar xuất vào Trung Quốc theo chính ngạch đang tăng mạnh trong thời gian qua. Hiện Myanmar đang có những động thái tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp và sở dĩ trước đây nông nghiệp của Myanmar còn chậm chạp vì thủy lợi gặp nhiều khó khăn. “Trong tương lai, Campuchia và Myanmar sẽ là những đối thủ về xuất khẩu gạo của Việt Nam”- ông Đặng Kim Khôi dự báo.
|
Nông dân Việt Nam đang phải nuôi heo gà bằng ngoại tệ. |
Trong khi đó nhu cầu nhập khẩu gạo tại Trung Quốc, Singapore, Hồng Cng (Trung Quốc) và Philippines cũng như nhiều thị trường khác đều giảm đáng kể và có xu hướng giảm dần nhập khẩu. Nhiều chuyên gia về nông nghiệp cho rằng, từ nhiều năm qua chúng ta đã ngủ quên trên niềm tự hào Việt Nam là nước đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng các thị trường mới nổi đang thực sự là áp lực cạnh tranh về giá và sản lượng. Trong khi “đối thủ cạnh tranh truyền thống” của Việt Nam là Thái Lan cũng đang có động thái xả kho 17,8 triệu tấn gạo xuất khẩu và luôn có những ưu thế vượt trội về sản xuất.
Theo tính toán thì lợi nhuận về xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đang sụt giảm và tỏ ra kém cạnh tranh với các nước trong khu vực. Xuất khẩu nhiều, lợi nhuận thấp, nỗi lo dư thừa lúa gạo luôn thường trực trong tâm trạng mỗi nông dân sau mỗi mùa thu hoạch. Sở dĩ có hiện tượng này là do lâu nay chúng ta vẫn luôn “trung thành” và dành nhiều sự quan tâm cho cây lúa. Chính sự giữ nguyên diện tích hoặc khuyến khích tăng sản lượng trong nhiều năm qua đã dẫn đến sự dư thừa lương thực. Trước đây, do khoa học - kỹ thuật chưa phát triển, các loại giống có năng suất cao chưa ra đời, tổng sản lượng lúa của chúng ta dao động khoảng 37 - 38 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã đẩy tổng sản lượng lương thực của chúng ta luôn duy trì 45 - 47 triệu tấn. Cung vượt cầu và bài toán đầu ra cho lúa gạo trở thành nỗi lo là điều tất yếu.
Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng
Trước thực tế không thể phủ nhận, Bộ NN-PTNT đã triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Theo đó, xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là giải pháp quan trọng nhằm tăng thu nhập cho nông dân theo hướng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa và phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014 - 2020.
Lộ trình dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ chuyển 700.000 - 800.000ha gieo trồng lúa ở những vùng, vụ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Bộ NN-PTNT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 580/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi 112.000ha đất từ trồng lúa sang trồng cây màu tại vùng ĐBSCL, chủ yếu là trồng bắp (ngô) với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để mua giống.
Chuyển đổi từ cây lúa ở ngay chính vựa lúa ĐBSCL sang trồng bắp là một quyết định mạnh dạn và sáng suốt. Lâu nay, ĐBSCL vẫn đang được coi là cái nôi lúa gạo xuất khẩu của nước ta, diện tích và tổng sản lượng lúa chiếm tới hơn 50% so với cả nước. Do đó, chủ trương chuyển đổi để “giảm tải” cho sản lượng lương thực tăng lên, có nguy cơ dư thừa và nỗi lo đầu ra... đã được nông dân và các địa phương ở ĐBSCL hồ hởi đón nhận như một chính sách cởi trói và tạo điều kiện làm giàu, nâng cao giá trị thu nhập sau nhiều năm chúng ta bảo vệ quyết tâm phải giữ đất lúa. Trên thực tế như hiện nay, giá trị từ trồng bắp luôn cao gấp 2-3 lần trồng lúa.
Chỉ sau một thời gian ngắn, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện các tỉnh ở ĐBSCL đã chuyển đổi được hơn 78.375ha đất lúa sang trồng rau màu, bắp và cây ăn trái. Bộ NN-PTNT cho rằng, việc chuyển đổi từ lúa sang rau màu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi giá cả cây rau màu thường cao hơn lúa. Ngoài ra, việc luân canh cây trồng sẽ góp phần hạn chế sâu bệnh gây hại cho lúa trong các vụ tiếp theo. Trồng bắp, rau màu còn tăng nguồn nguyên liệu làm thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thay cho lượng hàng phải nhập khẩu, từ đó giúp giảm giá thành trong chăn nuôi. Tăng diện tích trồng màu còn góp phần giảm áp lực về lượng nước tưới cho cây trồng vào mùa hạn, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận... Theo kế hoạch năm 2015, toàn vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 87.14ha đất lúa sang trồng rau màu, bắp và các loại cây ăn trái khác.
Để tiếp sức cho đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi hỗ trợ chuyển đổi từ vụ hè thu 2015 đến hết năm 2020 tại vùng trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, ĐBSCL, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Cụ thể, hỗ trợ chi phí về giống để chuyển đổi, với giống bắp không vượt quá 3 triệu đồng/ha, giống cây trồng hàng năm khác không vượt quá 2 triệu đồng/ha và trên cùng diện tích chuyển đổi chỉ được hỗ trợ một lần.
Theo Sài Gòn giải phóng