Phát triển nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện của nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có được một lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn (DN NNNT) vững mạnh. Để có được lực lượng DN NNT vững mạnh thì một trong những điều kiện đặt ra là phải thu hút được và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư xã hội cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.| Song ngược lại, những chính sách về phát triển DN NNNT của nhà nước và bản thân tiềm năng của các DN NNNT cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc khu vực nông nghiệp, nông thôn có thu hút được vốn đầu tư hay không.
Từ 1/7/2006, Luật doanh nghiệp (được thông qua ngày 29/11/2005) và Luật đầu tư (được thông qua ngày 29/5/2005) bắt đầu có hiệu lực. Nhân sự kiện này, bài viết này muốn mô tả những nét cơ bản về tình hình doanh nghiệp và hoạt động đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho tới thời điểm trước khi hai văn bản luật này ra đời. Những số liệu và phân tích dưới đây có thể được sử dụng để đánh giá tác động của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, nông thôn trong những giai đoạn tiếp sau.
Doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn
Thuật ngữ DN NNNT nên được hiểu một cách mềm dẻo: Nông thôn không chỉ có nông nghiệp, nông dân mà còn rất nhiều hoạt động kinh tế-xã hội và các nhóm xã hội khác. Mặt khác, không phải mọi doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì đều ở địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, do ở đây chúng tôi sử dụng chủ yếu số liệu của Tổng cục thống kê nên thuật ngữ DN NNNT được hiểu là các doanh nghiệp có hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. DN NNNT có thể là doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, liên doanh hoặc doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tại Việt Nam.
Tính đến hết năm 2004, cả nước có 91755 doanh nghiệp, trong số này có 2369 DN NNNT tương đương với tỉ lệ khoảng 2,6%. Kể từ khi Luật Doanh nghiệp lần đầu tiên được ban hành năm 1999 và có hiệu lực vào đầu năm 2000, tốc độ phát triển doanh nghiệp nói chung trong giai đoạn 2000-2004 là khoảng 217%, trong khi đó tốc độ phát triển DN NNNT gần như không thay đổi trong giai đoạn 2000-2002, thậm chí còn giảm xuống trong giai đoạn 2003-2004 (biểu 1).
Căn cứ vào chỉ báo quy mô vốn của doanh nghiệp, số liệu thống kê cho thấy rằng các DN NNNT chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là rất nhỏ: Chẳng hạn năm 2004, số DN NNNT có số vốn dưới 500 triệu chiếm tới trên 22% tổng số DN NNNT (có thể coi đây là các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ). Tính chung, các DN NNNT có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm tới trên 80% (2004). Xu hướng biến đổi của các DN NNNT tính theo quy mô vốn cũng không rõ rệt qua các năm: số lượng các DN NNNT có quy mô thuộc loại nhỏ và rất nhỏ có giảm xuống nhưng số lượng các doanh nghiệp ở những quy mô lớn hơn nói chung không tăng, thậm chí còn giảm xuống làm cho tổng số DN NNNT giảm xuống trong tổng số doanh nghiệp của các khu vực kinh tế (biểu 2).
(Theo Nghị định 90/2001/NĐ-CP định nghĩa thì doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. Đặc thù hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung ở Việt Nam hiện nay nói chung còn ở trình độ thấp, mức độ cơ khí hóa và tự động hóa chưa cao nên việc sử dụng lao động chắc chắn ở mức cao. Bởi vậy, việc sử dụng chỉ báo về quy mô vốn của doanh nghiệp có lẽ sẽ đem lại nhiều ý nghĩa hơn)
Số liệu thống kê cho biết tỉ lệ DN NNNT hoạt động bị lỗ vào khoảng 12-15% (biểu 3). Song có nhiều khả năng trên thực tế con số này có thể cao hơn rất nhiều (con số này theo thông tin trên báo chí hiện nay là khoảng 30%).
Theo một nghiên cứu của Bộ NN&PTNN thì vào năm 2001, 73,3% DN NNNT là doanh nghiệp tư nhân, còn lại là doanh nghiệp nhà nước. Tổng diện tích đất nông nghiệp các doanh nghiệp tư nhân sử dụng là 23,6 ngàn ha, thu hút 51,5 ngàn lao động. 90% DN NNNT tư nhân có qui mô nhỏ và vừa, bình quân doanh thu đạt 55 đến 60 triệu đồng/lao động, cao gấp rưỡi so với doanh nghiệp nhà nước, nhưng mức đóng góp ngân sách hầu như không đáng kể, chỉ khoảng 70 tỷ đồng năm 2000. Về phía các DN NNNT thuộc khu vực quốc doanh, 66% có dưới 5 tỷ đồng vốn, 27% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, số nợ phải trả chiếm đến 57% tổng doanh thu. Các DN NNNT khu vực quốc doanh được giao quản lý 476 ngàn ha đất đai nhưng chỉ đưa vào hoạt động 78% diện tích đất được giao, mức đóng góp cho ngân sách chỉ đạt bình quân hơn 1 tỷ đồng/doanh nghiệp năm 2000.
Như vậy, nhìn chung DN NNNT chưa thực sự phát triển mạnh và vững chắc (thể hiện ở các chỉ báo về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế), chưa tương xứng với tiềm năng cũng như vai trò của khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cả trên phương diện xã hội (tỉ lệ dân số sống ở nông thôn) và kinh tế (tỉ lệ dân số lấy nông nghiệp làm hoạt động kinh tế chính).
Ngô Vi Dũng