Xuất khẩu nông sản: Không nên 'găm hàng' khi tình hình bất lợi

18/09/2015

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động ảnh hưởng đến cung, cầu mặt hàng nông lâm thủy sản, một số mặt hàng sẽ chững lại, các DN của Việt Nam cần có điều chỉnh linh hoạt, tránh tâm lý “găm hàng” chờ đợi thời cơ, bởi biến động thị trường sẽ ngày càng bất ổn.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn PV TBTCVN về thương mại nông sản Việt Nam trong biến động kinh tế thế giới.

"Trong ngắn hạn, một số mặt hàng giá khó có thể cao thì chúng ta không nên găm hàng nhiều quá." - TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

PV: Nhìn lại bức tranh nông sản Việt Nam 8 tháng qua, ông đánh giá như thế nào về thương mại của những mặt hàng này?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Gần đây, tình hình  kinh tế thế giới biến động mạnh như khủng hoảng nợ công của Châu Âu, những dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc gây lo ngại cho các nước, cùng với cú huých nhẹ phá giá đồng tiền của Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… Những điều đó đều có ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông lâm thủy sản (NLTS) trong 8 tháng đầu năm.

Cùng với đó là “cầu” tiêu dùng một số sản phẩm nông sản trên thế giới như cà phê đang có xu hướng chững lại, trong khi tồn kho của các nước còn rất nhiều và có xu hướng tăng lên. Cụ thể, ở Việt Nam, mặt hàng này tồn kho rất nhiều với hi vọng “găm lại” chờ giá tăng. Tuy nhiên, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, giá cà phê trong năm tới không khả quan, nếu chúng ta tiếp tục “găm hàng” thì sẽ rất nguy hiểm cho lãi và lợi nhuận khi XK.

Ngoài ra, một số mặt hàng tiêu cũng đang có hiện tượng “găm hàng” chờ giá lên cao.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc phá giá đồng tiền của Trung Quốc vừa qua ảnh hưởng tới XK  toàn cầu. Vậy theo ông, Việt Nam cần quản lý tỷ giá như thế nào để XK NLTS vẫn đảm bảo ổn định?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Vừa qua, Trung Quốc phá giá đồng tiền ở mức rất nhẹ so với phá giá của các nước khác, bởi Trung Quốc muốn tỷ giá của họ hướng tới thị trường nhiều hơn.

Khi họ chuyển sang tỷ giá thả nổi có quản lý thì bất đồng về tỷ giá giữa các nước trên thị trường thế giới càng biến động mạnh hơn…, tác động mạnh đến giá cả hàng hóa toàn cầu.

Hiện nay, cách xây dựng tỷ giá của chúng ta là neo vào đồng đôla Mỹ. Việt Nam cũng phải tính toán phương án thay đổi cách quản lý tỷ giá, có thể thả nổi và có quản lý cho linh hoạt hơn.

Nếu Việt Nam chỉ tìm mọi cách giữ neo giá đồng tiền trung và dài hạn, mặc dù có thể sẽ giúp ổn định vĩ mô…, nhưng sẽ rất nguy hiểm cho các ngành có lợi thế cạnh tranh, có lợi thế XK tốt, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông lâm thủy sản. Đây là ngành mà Chính phủ đã xác định là có lợi thế cạnh tranh tốt nhất của quốc gia. Nếu chúng ta không thể cạnh tranh được bằng ngành hàng đó thì khó cạnh tranh bằng các ngành hàng khác.

PV: Thời gian tới, bức tranh XK NLTS vẫn còn ảm đạm, Viện CS&CLNNNT sẽ đề xuất những giải pháp gì để bài toán đầu ra cho XK NLTS không bị tắc nghẽn như hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Đối với bài toán đầu ra, chúng ta phải theo thị trường. Trong ngắn hạn, ví dụ đối với thị trường Mỹ khi đồng USD còn mạnh, chúng ta nên tính tới việc đẩy mạnh những mặt hàng XK có lợi thế vào thị trường Mỹ như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, gỗ… Còn đối với các thị trường khác đang phá giá thì rất khó có cơ hội cho các mặt hàng đó cạnh tranh. Trong ngắn hạn, một số mặt hàng giá khó có thể cao thì chúng ta không nên găm hàng nhiều quá.

Cùng với đó, Việt Nam cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Có những mặt hàng liên tục dư cung hoặc mất lợi thế cạnh tranh trong dài hạn, cần xem xét điều chỉnh hoặc thu hẹp cơ cấu sản xuất... Điển hình như mặt hàng gạo, cao su phải điều chỉnh để hạn chế bớt những rủi ro.

Song song đó, tập trung tăng về sản xuất hàng chế biến chất lượng để đẩy mạnh lợi thế ngành hàng. Ví dụ như cao su phải nâng về chế biến.

Ngoài ra, đối với những mặt hàng đang có lợi thế thị trường rất tốt như điều, rau quả…thì tìm cách đẩy mạnh lên, phải có vùng chuyên canh, kỹ thuật sản xuất tốt, giống tốt, quy trình giám sát đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và đảm bảo thương hiệu chứ không làm xô bồ như trước đây./.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Theo báo cáo kinh tế 8 tháng đầu năm của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm, thủy sản ước đạt 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014.         

Theo Thời báo Tài chính


Tin khác