Các doanh nghiệp cũng những trang trại chăn nuôi lại canh cánh lo sẽ bị sản phẩm chăn nuôi các nước tràn vào VN sau khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ...
Trong khi doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng trong nước hân hoan trước thông tin VN gia nhập TPP, các doanh nghiệp và cả những trang trại chăn nuôi lại canh cánh nỗi lo sẽ bị sản phẩm chăn nuôi các nước tràn vào VN sau khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.
|
Đa số trại nuôi bò sữa của VN đều ở quy mô nhỏ lẻ, rất khó cạnh tranh được với sữa nhập khẩu từ các nước TPP (ảnh chụp tại trại bò sữa ở Củ Chi, TP.HCM) |
Dù Bộ Công thương khẳng định việc thực thi các cam kết TPP sẽ có lộ trình nhất định đối với ngành chăn nuôi VN, với thời gian chuẩn bị khoảng 10 năm trước khi các quy định của TPP áp dụng, nhưng thời gian và cơ hội để ngành chăn nuôi VN củng cố nhằm đối phó với sản phẩm nhập khẩu từ những “người khổng lồ” trong TPP không còn nhiều.
Ngay cả khi mức thuế nhập khẩu tương đối cao hiện nay, sản phẩm chăn nuôi của nhiều nước cũng được ồ ạt nhập về, làm mưa làm gió trên thị trường nội địa những năm qua.
Tí hon đấu với
những người khổng lồ
Sau khi giải quyết được bốn container hàng tồn từ các tháng trước, ông L., giám đốc một công ty chăn nuôi có trụ sở tại TP.HCM, thở phào cho biết giá gà công nghiệp trong nước đã tăng trở lại gần một tháng qua, hiện được bán ở các trang trại với giá 29.000 - 30.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lời 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nhiều trang trại cũng như các công ty không dám đầu tư như trước nữa do vẫn còn bị ám ảnh bởi đợt giảm giá kéo dài liên tục 11 tháng trước đó, chưa kể nhiều trang trại không đủ sức gượng dậy sau đợt thua lỗ kéo dài.
“Thời gian qua, dù còn hàng rào thuế quan nhưng gà Mỹ giá rẻ vẫn được nhập về nhiều, khiến ngành chăn nuôi gà trong nước điêu đứng. Chẳng biết khi TPP được triển khai, thuế nhập khẩu thịt từ các nước trong khối sẽ dần về 0%, ngành chăn nuôi có cầm cự nổi không chứ chưa nói đến cạnh tranh nên chẳng ai dám đầu tư thêm” - ông L. cho biết.
Theo ông L., dù ngành chăn nuôi sẽ có lộ trình nhất định việc thực thi các cam kết trong TPP như Bộ Công thương công bố, nhưng khó kỳ vọng sẽ có các giải pháp tích cực để ngành chăn nuôi VN có thể tồn tại khi hiệp định này triển khai.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng bày tỏ lo ngại những bất lợi đối với ngành chăn nuôi, trong đó ngành nuôi gà thịt, bò và bò sữa sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất sau khi TPP được thực thi, hàng rào thuế quan được dở bỏ, giảm từ mức 10-20% hiện nay còn 0%. Hơn nữa, một số quốc gia thành viên TPP được xem là “người khổng lồ” trong nông nghiệp ở các lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi bò và bò sữa như Mỹ, Úc, New Zealand, Mexico...
Chẳng hạn, chỉ tính riêng sáu nước thành viên TPP (gồm Mỹ, Úc, Mexico, Canada, New Zealand và Nhật Bản) đã chiếm 30% tổng lượng thịt bò của thế giới và đều nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu bò thịt của thế giới.
Trong đó, bò Úc sống nhập khẩu về VN ngày một nhiều, riêng năm 2014 đã lên đến 200.000 con, chưa kể hàng chục ngàn tấn thịt bò đông lạnh được nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Úc, Nhật... Với thu nhập của người dân VN ngày càng tăng trong khi mức tiêu thụ tính trên đầu người của loại thịt này vẫn đang ở mức rất thấp so với các nước, chỉ 7 kg/người/năm, VN sẽ là thị trường hấp dẫn đối với ngành bò thịt các nước.
Nhưng không riêng gì thịt bò, với ngành chăn nuôi chưa phát triển, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình vẫn chiếm ưu thế và tỉ lệ tiêu dùng thịt trong bữa ăn hằng ngày còn ở mức thấp, VN đang là điểm đến tiềm năng cho ngành sản xuất thịt của nhiều quốc gia.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện mỗi người VN tiêu thụ khoảng 11,5 kg thịt gia cầm/năm trong khi Thái Lan là 14,8 kg/người/năm, Nhật Bản 20,5 kg/người/năm, Úc 38,3 kg/người/năm, Mỹ 47,5 kg/người/năm và Malaysia 49,5 kg/người/năm.
Trong khi đó, theo Hội đồng xuất khẩu sữa Hoa Kỳ, tổng đàn bò của nước này tính đến cuối năm 2014 đạt trên 9,3 triệu con và sản xuất ra 93,4 triệu tấn sữa. Sản lượng sữa bò hằng năm của Mỹ gấp ba lần sản lượng sữa của New Zealand và Úc cộng lại. Năng suất đàn bò sữa của Mỹ vượt trội so với phần còn lại của thế giới.
Cụ thể một con bò Mỹ sản xuất trung bình 10.100kg sữa mỗi năm, trong khi một con bò châu Âu sản suất được 6.200kg sữa, ở Úc và New Zealand lần lượt là 5.700kg và 4.300kg. Với tương quan như vậy, ngành chăn nuôi VN chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng trong tương lai không xa.
Nâng chất con giống, chăn nuôi lớn để tồn tại
Tuy nhiên, không phải là không có cơ hội để ngành chăn nuôi của VN có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
|
Đa số các trại nuôi bò sữa của VN đều ở quy mô nhỏ lẻ, rất khó cạnh tranh được với sữa nhập khẩu từ các nước TPP (ảnh chụp tại một trại bò sữa ở Củ Chi, TP.HCM) |
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, nếu tính năng suất chung của cả nước thì chăn nuôi gà tại VN có giá thành rất cao, nhưng nếu chỉ tính khu vực chăn nuôi gà công nghiệp thì VN không thua kém nhiều so với các nước khác.
Bởi trong vài chục năm trở lại đây, ngành chăn nuôi gà công nghiệp trong nước đã đầu tư xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống chăn nuôi của các quốc gia tiên tiến và chất lượng con giống không ngừng được tăng lên.
Do đó, giá thành sản xuất gà công nghiệp của VN đã ở mức tốt nhất trong khu vực. Vì vậy với mức thuế đang áp dụng và tăng cường kiểm soát về chất lượng và chống gian lận thương mại, gà VN hoàn toàn có thể cạnh tranh được với gà của nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, VN hoàn toàn có thể xuất khẩu được thịt gà nếu các thủ tục về thú y và xuất khẩu được tháo gỡ. Bởi cùng trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan xuất khẩu mỗi năm trên 4 tỉ USD thịt gia cầm các loại.
Thực tế cũng cho thấy một số công ty tại VN đã đầu tư chuỗi sản xuất thịt gà chất lượng cao từ trang trại đến sản phẩm và được khách hàng tại Nhật Bản chấp nhận. Tuy nhiên, cái khó nhất chính là các điều kiện về thú y và xuất khẩu vẫn đang cản trở gà VN xuất ngoại.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã gặp gỡ các doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu của VN để tìm cách thúc đẩy sản xuất và tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi VN. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ lập một bộ phận chuyên trách để đưa sản phẩm gia cầm của VN xuất ngoại càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, nhiều công ty của VN cũng đang nhập khẩu đàn heo giống chất lượng cao từ châu Âu và Mỹ để phát triển đàn heo trong nước. Theo FAO và Bộ Nông nghiệp Mỹ, VN có tổng đàn heo nái lên đến trên 4 triệu con, xếp thứ ba thế giới và chỉ đứng sau Mỹ trong khối TPP.
Tuy nhiên, tổng đàn heo thịt của VN lại chỉ có khoảng 2,5 triệu tấn, xếp thứ 7 của thế giới. Điều đó cho thấy chất lượng con giống của VN đang ở mức rất thấp so với các quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển.
“Nếu cải thiện được chất lượng con giống, giá thành chăn nuôi của VN sẽ giảm mạnh trong thời gian tới” - giám đốc một công ty chăn nuôi heo thịt tại Đồng Nai khẳng định.
Trong buổi lễ ra mắt thương hiệu sữa tươi với Công ty Nutifood mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cho rằng quan niệm VN không có lợi thế chăn nuôi bò thịt và bò sữa là không hoàn toàn chính xác.
Bởi nếu doanh nghiệp có quỹ đất lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và sản xuất thì có thể cho ra sản phẩm chăn nuôi có giá thành thấp và hoàn toàn cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập.
“Với lợi thế về đất đai và các nguyên liệu đầu vào như bắp, mật rỉ đường, dầu cọ..., chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể sản xuất thịt bò và sữa bò có giá thành cạnh tranh với các nước khác” - ông Đức cho hay.
* TS NGUYỄN ĐỖ ANH TUẤN (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT:
Đừng để cái khó bó cái khôn
Sau khi gia nhập TPP, cơ hội tăng xuất khẩu nông sản VN sẽ không cao do hầu hết thị trường hiện đều áp mức thuế gần 0% với các nông sản của VN. Một số nông sản VN có thể được hưởng lợi nhiều nhất sau TPP là thủy sản, sản phẩm gỗ, gạo, rau quả...
Trong khi đó, ngành chăn nuôi VN sẽ đối diện với nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với sản phẩm từ các nước vốn là những ông lớn trong lĩnh vực này như Mỹ và Canada (heo, gà), Úc và New Zealand (bò thịt, sản phẩm sữa)...
Hơn nữa, ngành chăn nuôi lại không được hưởng lợi nhiều bởi các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được hưởng hiện đã chịu thuế nhập khẩu khá thấp khoảng 5%. Do đó nếu muốn tồn tại, ngành chăn nuôi cần phải tái cơ cấu dựa trên lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh và tiềm năng thị trường đối với một số sản phẩm chủ lực.
Trên cơ sở đó, tạo ra đột phá về các khâu giống, thức ăn chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn sinh học cho toàn chuỗi giá trị.
Đặc biệt, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập và sử dụng các giống tiên tiến nhất thế giới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để tăng năng suất và hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, đồng thời có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ngay từ bây giờ trước khi quá muộn...
|
Theo Tuổi trẻ