Vướng mắc… cơ chế
Là một doanh nghiệp đã đầu tư đến hàng chục nghìn tỷ đồng vào dự án nuôi bò sữa tại tỉnh Nghệ An, bài phát biểu của bà Thái Hương đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà quản lý tại cuộc họp ngày hôm qua.
Theo bà Hương, để làm được nông nghiệp không thể chỉ nghĩ ngay đến lợi nhuận trước mắt, mà doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp phải có đủ tâm, trí, lực. “Như chúng tôi, sau 5 năm đã bắt tay được với nông dân, muốn làm được điều đó trong 6 tháng đầu tiên, tôi đã bỏ tiền mời nông dân Israel vào cầm tay chỉ việc cho người nông dân mình, mới thành công từng bước một”- bà Hương nói.
|
Thu hoạch ngô bằng hệ thống máy cắt hiện đại ở trang trại TH. Ảnh: Internet |
Bà Hương cũng chia sẻ, về công nghệ bà tiếp thu của Israel 50%, còn lại của New Zealand, quản trị thì theo của Đức. Bà Hương cho rằng: “Khi đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp phải chủ động, còn mọi cơ chế chính sách chỉ là hỗ trợ, còn cứ ngồi nhìn cơ chế chính sách thì sẽ không thành công”.
Theo bà Hương, câu chuyện hiện nay quay đi quay lại vẫn là cơ chế chính sách. Như sản phẩm của TH true MILK, tại sao đủ quy chuẩn, là sản phẩm sữa tươi rồi, nhưng không ai công nhận cho dù mỗi năm doanh nghiệp của bà đã phải bỏ ra từ 10-15% chi phí để quảng cáo cho sản phẩm của mình.
Do đó, nếu không xây dựng ra một bộ quy chuẩn thì sản phẩm của doanh nghiệp làm ra dù tốt đến đâu vẫn bị o ép, ngay cả sản phẩm sữa học đường cũng vậy. “Chúng tôi là doanh nhân rất muốn được cống hiến, chia sẻ nhưng phải bằng cơ chế chính sách gì, vấn đề này đều liên quan đến cơ chế, thể chế chính sách của Nhà nước”- bà Hương nói.
Sau phần chia sẻ của bà Hương, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đúng là hiện nay chúng ta phải minh bạch hóa sản phẩm thương hiệu, sữa tươi thì phải nói rõ là sữa tươi, sữa hoàn nguyên thì nói là hoàn nguyên. Riêng về chương trình sữa học đường, ông Phát đã “hẹn” 3 Bộ Y tế- Giáo dục- Công Thương ngay trong chiều thứ 3 (23.2) đến làm việc với Bộ NNPTNT và Tập đoàn TH về vấn đề này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Nafoods thì cho rằng, trong cơ cấu đầu tư vào nông nghiệp hiện nay nên có chiến lược phát triển cây củ quả Việt Nam, chẳng hạn như cây chanh leo. Chanh leo trước đây chưa có trên thị trường thế giới, giờ đã được xuất khẩu sang Trung Quốc khá nhiều, sản phẩm chanh leo cô đặc chiếm khoảng 80% sản lượng chanh leo thế giới. Nếu có chiến lược rõ, mỗi năm có thể xuất khẩu được tới 1 tỷ USD”.
Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị, Bộ NNPTNT nên quy hoạch cây ngành hàng có lợi thế cạnh tranh để tập trung đầu tư cho một số doanh nghiệp dẫn đầu. “Doanh nghiệp gặp khó ở đâu thì tập trung vào giải quyết dứt điểm ở đó, như chúng tôi hiện đang gặp khó khăn về tiêu chuẩn công nhận của bộ giống mới nhập khẩu về Việt Nam”.
Phần lớn các kiến nghị của doanh nghiệp tại cuộc họp ngày hôm qua cũng chỉ xoay quanh câu chuyện “biết rồi, nói mãi nhưng vẫn phải nói”, điển hình như: Đất đai, vốn, cơ chế chính sách, quy hoạch, chủ trương… Nói như TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, thời kỳ hội nhập như hiện nay, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đi trong những cơn “gió mùa đông bắc” và trên “cầu khỉ”. Và những khó khăn của doanh nghiệp dù lớn, vừa hay nhỏ đều do… những vướng mắc về thể chế, chính sách và hoàng loạt những bất cập.
Làm sao “cởi trói” cho doanh nghiệp?
Theo một điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), có đến 40% doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn trả lời là đối với họ việc “loại bỏ hoặc hạn chế thủ tục quan liêu” trong đối xử với doanh nghiệp là quan trọng nhất để giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Ipsard cho rằng, những rào cản về thủ tục và quy định; khó khăn về đất đai và hạ tầng phục vụ kinh doanh; hệ thống tín dụng chưa phù hợp; bất ổn giá cả đầu vào, đầu ra… đã dẫn đến việc các doanh nghiệp nông nghiệp chưa có những đột phá.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thẳng thắn nhìn nhận, đến bây giờ, chỉ riêng vấn đề quy hoạch phát triển nông nghiệp chúng ta vẫn loay hoay giải bài toán nuôi con gì, trồng cây gì. “Có đến 66,7% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa hài lòng về cơ chế chính sách. Dù có nhiều thế mạnh nhưng sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn yếu về năng suất, chất lượng”- TS Lực nhấn mạnh.
|
Chuyên gia kinh tế TS.Cấn Văn Lực - Ngân hàng BIDV |
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chịu thách thức gấp nhiều lần so với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực khác. “Rủi ro lớn do biến đổi khí hậu, hàng rào bảo hộ (phi thuế quan) của các nước… đang là những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp nông nghiệp”- bà Lan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, đã đến lúc ngành nông nghiệp, trong đó đầu tư vào doanh nghiệp nông nghiệp phải có những “cải cách” trong cơ chế thị trường, hội nhập sâu và những biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Theo ông Phát, trước hết phải tiếp tục cởi trói về thể chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất. Nhưng muốn vậy rất cần vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp. “Doanh nghiệp có vai trò then chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hỗ trợ những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là hỗ trợ nông dân”- ông Phát nhấn mạnh.
Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới cho thấy, môi trường kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước. Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng của Việt Nam chỉ trên Lào, Campuchia và Myanmar. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có cuộc “cách mạng” và đổi mới thực sự về cơ chế, thể chế chính sách cho các doanh nghiệp nông nghiệp thì tất yếu dẫn đến việc doanh nghiệp quay lưng với nông nghiệp. |
Theo Dân Việt