|
Chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật trồng rau sạch cho nông dân tại trang trại VinEco (thuộc tập đoàn Vingroup) |
Theo số liệu báo cáo của Bộ NN – PTNT, tỷ lệ DN đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 1% tổng số DN trên cả nước và hầu hết là DN nhỏ, siêu nhỏ.
Từ tham vọng của Vingroup
Thể hiện tham vọng là một tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm nông sạch cho thị trường, ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup khẳng định, với chương trình liên kết 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân, Vingroup không chỉ đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch cho hệ thống siêu thị Vinmart của tập đoàn mà còn nhân rộng phong trào trồng rau sạch, an toàn cho nông dân cả nước.
Thực tế đã chứng minh, trong mô hình liên kết, DN đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cả vai trò đảm bảo thị trường tiêu thụ. Trong mô hình liên kết đó, nông dân nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ. Mô hình sẽ thành công khi DN có vốn lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Dù mô hình liên kết không lớn như Vingroup nhưng Cty TNHH TM – DV Hiệp Nông Phát cũng đã và đang triển khai liên kết với 500 hộ nông dân trong mô hình “Nông dân nhỏ, cánh đồng lớn” giúp lợi nhuận tăng 150% so với người sản xuất nhỏ và không tập trung…
Có thể nói, những mô hình đã và đang liên kết với nông dân trong tiêu thụ sản phẩm sạch thể hiện phần nào quyết tâm của không ít cộng đồng DN khi muốn chinh phục ngành nông nghiệp bằng cái tâm và tầm nhìn dài hạn của mình. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những hoài nghi về tính hiệu quả của những mô hình liên kết này. Bởi lẽ, phía trước ngành nông nghiệp VN còn “bộn bề” những trở ngại yếu kém. Trong khi đó, bài toán hài hòa lợi tích giữa DN, nông dân và nhà nước vẫn còn là một câu hỏi chưa lời giải!
Đâu là trợ lực?
Một trong những “nút thắt” quan trọng nhất được hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý và DN đưa ra tại Diễn đàn Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới mới đây, đó là nhà nước cần phải có chính sách “trợ lực” trọng điểm, hiệu quả đặc biệt trong lĩnh vực đất đai.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNN – NT, hiện nay, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn “tắc” ở khâu đất, vốn, khoa học và công nghệ. Về đất đai, theo ông Tuấn, đang có hiện tượng nông dân nhỏ manh mún, không thiết tha với ruộng, nhưng lại không có cách nào có cơ chế để cho thuê đất hoặc chuyển nhượng ruộng đất. Trong khi đó, DN lại khó lấy đất bởi đi thuê của hàng ngàn nông dân để tích tụ thành diện tích rộng sẽ rất mệt mỏi.
“Do đó, nhà nước cần “kích hoạt” thị trường cho thuê ruộng đất đơn giản hơn về thủ tục giấy tờ, đo đạc địa chính và cần có 1 dịch vụ công hỗ trợ cho họ, hay có cơ chế để góp vốn bằng quyền cho thuê đất chứ không góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì người dân không quản lý được DN” – ông Tuấn đề xuất.
Ngoài ra, khi DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ kèm nhà kho chế biến (đất phi nông nghiệp), DN đi thuê đất của nông dân rồi lại nộp lại cơ quan địa phương xin chuyển đổi mục đích sử dụng…
Về vốn, theo ông Tuấn, trong thời gian qua, các DN lớn được ngân hàng quan tâm, nhưng các DNNVV vẫn khó tiếp cận nguồn vốn do đầu tư vào nông nghiệp có cả rủi ro về thiên tai, thị trường. Trong khi đó, việc vay theo gói hỗ trợ phải kèm theo điều kiện, DN nào được hỗ trợ, có đáp ứng chuẩn đưa ra hay không, phương án kinh doanh có rủi ro không…
Hiện tại, DN và nông dân liên kết hợp đồng nông sản chỉ chiếm khoảng 20 -30%. DN ứng trước vật tư hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, nông dân đưa lại sản phẩm cho DN theo giá sàn định trước hoặc giá thị trường cao hơn giá sàn thì sẽ mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, việc này còn ít và chủ yếu vẫn là mua bán trao tay, qua thương lái. Thậm chí, có trường hợp nông dân phá vỡ hợp đồng mà DN không đủ chi phí hầu kiện cả nghìn nông dân nếu như họ đồng lòng phá hợp đồng – ông Tuấn đặt vấn đề.
Ở một khía cạnh khác, mặc dù là một DN chuyên cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch, trong đó chủ yếu là trứng sạch các loại, tuy nhiên, trong cuộc chia sẻ với DĐDN, bà Tống Thị Hiền – Giám đốc Cty TNHH Sản xuất và thương mại Hiền Nhuần lại cho rằng, mặc dù bắt đầu kinh doanh thực phẩm sạch từ năm 2008, nhưng mãi tới năm 2011 Cty mới đăng ký được thương hiệu cung ứng sản phẩm nông sản sạch ra thị trường. Những thủ tục hành chính phiền hà trong việc đăng ký thương hiệu đang là điểm nghẽn khiến cho các DNNVV như chị Hiền “chùn chân” trong định hướng đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT TCty CP mía đường Lam Sơn, dù một DN đi tiên phong trong việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện chưa có nhiều mô hình ở VN. Từ việc chế biến, dịch vụ trước xuất khẩu, sau xuất khẩu… đều phải học hỏi ở các nước tiên tiến. “Câu chuyện đầu tư nói chung và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là phải giải quyết các vấn đề yếu tố đầu vào, kích được thị trường cho thuê đất mạnh lên, có đất ổn định, kích hoạt được thị trường vốn theo chuỗi”- ông Tam khẳng định.
Ông NGUYỄN VĂN BÌNH – Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương:
Ngành nông nghiệp trong suốt nhiều năm qua là “cứu cánh” cho nền nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2016 tỷ trọng tăng trưởng nông nghiệp âm là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, chúng ta cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng tăng trưởng nông nghiệp âm, chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân cần phải nhận diện đó là chúng ta còn thiếu những chính sách thông thoáng về đất đai, thuế, tín dụng… tạo động lực hút DN đầu tư lĩnh vực này.
Ông NGUYỄN XUÂN CƯỜNG – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT:
Ngành nông nghiệp sẽ xây dựng hình thành ba trục theo cấp độ sản phẩm để thực hiện tái cơ cấu: Cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương. Tuy nhiên, để đạt được điều đó thì cần phải thiết kế khung chính sách để đáp ứng yêu cầu của ba trục trên ở mọi cấp độ. Các đơn vị rà soát để kiến nghị, điều chỉnh sao cho thúc đẩy doanh nghiệp trở thành hạt nhân. Trong khung chính sách cũng phải có chế tài quản lý, có sự giám sát chặt chẽ trong các khâu để sản xuất phải nghiêm, đặc biệt là tránh gian lận thương mại.
Ông HOÀNG QUANG PHÒNG – Phó Chủ tịch VCCI:
Hiện tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khá hạn chế vì đây là một lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, trong khi đó, nhiều DN khi đầu tư vào lĩnh vực này còn vướng vào vấn đề về thủ tục đất đai. Bởi lẽ, phần lớn diện tích đất còn nhỏ lẻ và giao cho nông dân. Bên cạnh đó, trình độ khoa học và công nghệ, đặc biệt trong ngành này còn yếu kém so với khu vực và các nước trên thế giới. Điều đặc biệt quan trọng là những chính sách đầu tư cho lĩnh vực này của nhà nước hiện vẫn còn theo cảm tính, ví như một mớ “bòng bong” khiến DN đầu tư vào đây vẫn phải tự “bơi” là chính. Do vậy, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, tích cực chuyển đổi để nâng cao chất lượng và giá trị.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp