Liên tiếp trong thời gian gần đây, một số mặt hàng nông sản ở nhiều địa phương bị ế ẩm hoặc giá giảm sâu, khiến nông dân thua lỗ. Đáng nói là gần như năm nào cũng xảy ra tình trạng này, ông có thể cho biết nguyên nhân là do đâu?
- Việc một số loại nông sản được mùa mất giá xảy ra do sản xuất cung vượt cầu và vướng mắc về thị trường tiêu thụ. Chúng ta còn sản xuất nhỏ lẻ manh mún nên rất khó hình thành chuỗi để người sản xuất cung cấp sản phẩm đúng đơn đặt hàng. Điều này cũng thể hiện sự thiếu kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
|
Nông dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) thu hoạch hành tím. |
Lâu nay, nông dân thường sản xuất dựa vào giá cả trước đó để làm nhiều hay ít và kỳ vọng giá đợt tới dựa trên giá của đợt cũ, tuy nhiên những thông tin đó khó xác thực và rủi ro cao, ví dụ với Trung Quốc – một thị trường không có kế hoạch, không có đặt hàng trước với chúng ta, chỉ cần họ thay đổi nhu cầu là ngay lập tức ảnh hưởng đến giá nông sản.
Bên cạnh đó, khả năng theo dõi, dự báo thông tin thị trường, hệ thống xúc tiến thương mại, cơ sở hạ tầng và dịch vụ thương mại nông sản của chúng ta cũng còn nhiều yếu kém. Ở những nơi sản phẩm được hình thành chuỗi, chuyện hàng hóa sản xuất thụ động, tự phát dẫn đến ế ẩm ít xảy ra hơn, bởi ở đó có nhiều nhà máy có chế biến công nghiệp, có đơn đặt hàng từ trước.
So với trước đây, tình trạng hàng nông sản bị ế hoặc giá thấp đã giảm đi đáng kể. Tôi nhớ trước đây các mặt hàng dưa hấu, vải thiều, hành, khoai lang, su hào, cà chua thường xuyên gặp phải tình trạng ế ẩm. Đây là các mặt hàng tươi, không tích trữ được nên đến kỳ thu hoạch mà không bán được, bà con chỉ biết đổ đi. Giờ đây, Bộ NNPTNT, các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nên tình trạng này cũng được cải thiện.
Nhưng thưa ông, thịt lợn rõ ràng không phải là sản phẩm nhỏ lẻ song thời gian qua vẫn rơi vào tình cảnh khó tiêu thụ, giá xuống quá sâu so với giá thành?
-Mặt hàng lợn khá đặc biệt, Bộ NNPTNT đã có cảnh báo từ trước đó, nhưng do sức hút từ thị trường Trung Quốc quá lớn, bình thường giá lợn hơi 40.000 đồng/kg là chấp nhận được, nhưng có thời điểm giá lên tới 58.000 - 60.000 đồng/kg nên người dân ào ạt nuôi. Đến lúc Trung Quốc không mua nữa, hàng bị ứ đọng, giá giảm sâu là chuyện dễ hiểu. Trung Quốc là thị trường khó dự đoán vì họ không có cam kết thu mua, chúng ta không chủ động được.
Đối với thị trường Trung Quốc, đến thời điểm này hai nước đã có những cuộc họp bàn, đàm phán và đã có cam kết với nhau về quản lý dịch bệnh, quản lý chất lượng… Khi các giao dịch được thực hiện đúng luật thì các cơ quan chức năng không can thiệp vào quá trình giao thương nữa.
Có ý kiến cho rằng vai trò quản lý kiểm soát, hướng dẫn, thông tin của địa phương đối với người chăn nuôi là rất quan trọng, tuy nhiên các địa phương đã chưa làm tốt vai trò này?
-Thực tế có những địa phương làm tốt như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai… nhưng cũng có nhiều địa phương làm chưa bài bản, thất thường. Những địa phương làm tốt sẽ có quy hoạch vùng nguyên liệu bài bản, doanh nghiệp được tạo điều kiện tham gia vào các khâu sản xuất, lúc đó nông dân sẽ sản xuất theo đúng tiêu chuẩn của doanh nghiệp và được doanh nghiệp bao tiêu. Có địa phương còn cắt cử cán bộ vào để quản lý chất lượng sản phẩm nhằm tạo điều kiện mua bán thuận lợi hơn, tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp thường xuyên để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các bên.
Để làm tốt vai trò của mình, địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đăng ký kinh doanh, có cơ chế thông thoáng, giới thiệu kết nối với vùng nguyên liệu, phối hợp với nông dân và cơ quan địa phương để sản xuất kinh doanh hiệu quả, thậm chí có thể đầu tư trước cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào sản xuất nông nghiệp.
Vậy theo ông đâu là mảnh ghép còn thiếu để chấm dứt tình trạng hàng nông sản cung cầu lệch pha, giá cả trồi sụt như hiện nay?
- Chúng ta đã có nhiều nỗ lực để giải quyết câu chuyện này, tuy nhiên vẫn còn 2 vướng mắc. Thứ nhất phải có doanh nghiệp vào đầu tư bài bản. Đúng là hiện nay doanh nghiệp đã tham gia vào nông nghiệp nhiều hơn, tuy nhiên họ cần có thời gian để hình thành chuỗi. Cũng đã có một loạt chính sách ra đời nhằm khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, thúc đẩy ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân bằng các chính sách cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu, xúc tiến thương mại, trang thiết bị để kéo doanh nghiệp vào.
Đối với nông dân, cần có các giải pháp quyết liệt nhằm tiến đến sản xuất quy mô lớn hơn, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất. Tuy nhiên tôi thấy những hỗ trợ cho nông dân hiện nay vẫn chưa tạo được hiệu quả mang tính đòn bẩy.
Thứ hai là việc cung cấp thông tin giữa bên mua với bên bán còn hạn chế. Ngoài những doanh nghiệp có hệ thống thông tin riêng, nhà nước cũng cần làm vai trò “bà đỡ” cung cấp thông tin dịch vụ công, phân tích thị trường, kèm theo đó là cung cấp dịch vụ quản lý chất lượng để nông dân và doanh nghiệp yên tâm làm hợp đồng với nhau. Chúng ta phải xây dựng đội ngũ đàm phán quốc tế chuyên nghiệp, nắm bắt tốt nhu cầu từ thị trường nước ngoài cũng như chuỗi sản xuất nông sản trong nước để cung cấp thông tin cho khách hàng, đối tác.
Xin cảm ơn ông!
“Trong ngành trái cây có một số doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi rất tốt như Công ty CP Vinamit, Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao… Họ mua hết sản phẩm của nông dân và chấp nhận trả theo giá thị trường, thậm chí còn mua cao hơn một chút để hợp tác sản xuất ổn định, lâu dài với bà con, vì vậy nông dân yên tâm sản xuất, yên tâm tổ chức đội nhóm, làm việc tập trung”. - TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn |
Theo Dân Việt