|
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm vùng nguyên liệu của Công ty CP Thực phẩm và xuất khẩu Đồng Giao |
Ngày 24/5, tại hội thảo về triển vọng thị trường ngành nông nghiệp năm 2017, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển triển NNNT- Ipsard (Bộ NN&PTNT) cho biết, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có xu hướng tăng.
Tính đến hết năm 2016, cả nước có trên 4.300 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 400 doanh nghiệp so với cuối năm 2015. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2017, có thêm 588 doanh nghiệp mới tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
“Số lượng doanh nghiệp tăng lên, chứng tỏ với những chính sách mới, các doanh nghiệp nhìn thấy động lực, cơ hội khi đầu tư vào nông nghiệp”- ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Ipsard, cùng với khoảng 6.000 doanh nghiệp liên quan đến cung cấp đầu vào, ra cho nông nghiệp, hiện số doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mới chỉ lên con số khoảng 10.000. “Con số này, so với khoảng 600.000 tổng số doanh nghiệp cả nước, chẳng khác gì muối bỏ bể”- ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng, nhằm thu hút nhiều hơn số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vốn nhiều rủi ro như nông nghiệp, các chính sách cần tiếp tạo ra các cú hích. Trong đó, ít nhất đảm bảo môi trường kinh doanh, tiếp cận đất đai, vốn, thông tin… ít nhất bằng các doanh nghiệp bên ngoài, cũng như các doanh nghiệp FDI.
Theo TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng của Ipsard, năm 2005, mức đầu tư chiếm hơn 7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, nhưng đến năm 2015 mức đầu tư cho lĩnh vực này chỉ còn chưa đến 6%.
Sự kém hấp dẫn của lĩnh vực nông nghiệp còn thể hiện ở chỗ, năm 2016, tỷ trọng FDI dành cho nông lâm thuỷ sản vẫn rất nhỏ bé, chỉ chiếm 0,41% trong cơ cấu các ngành kinh tế.
Về dự báo triển vọng thị trường năm 2017, các chuyên gia cho rằng , Việt Nam tiếp tục có các triển vọng tích cực. Trong quý I/2017, xuất khẩu cà phê đã tăng tới 27% về giá trị; thuỷ sản cũng tăng 3%; cao su tăng 6% về lượng và tăng tới 90% về giá trị; rau quả cũng tăng tới 23%....Nếu có lo ngại về thị trường xuất khẩu nông sản thì chủ yếu nằm ở lĩnh vực lúa gạo.
Theo các chuyên gia, hiện tồn kho gạo thế giới nói chung và các nước xuất nhập khẩu gạo lớn còn cao, điều này duy trì giá gạo đi ngang chứ rất khó tăng đột biến.
Trong khi đó, gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với gạo Ấn Độ, Thái Lan và chiến lược đa dạng hoá nguồn cung của Trung Quốc, Philippines.
Khuynh hướng suy giảm tiếp diễn cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu gạo trong quý I/2017 đang báo hiệu một năm khó khăn nữa với xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo Tiền phong