Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hiện có rất nhiều áp lực, trong đó phải đảm bảo hai mục tiêu: Thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường.
Bộ trưởng phân tích: Hai năm qua, diễn biến của biến đổi khí hậu cực đoan hơn, gay gắt hơn, có nhiều dị thường hơn đã gây tổn thất nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì thế, trong tái cơ cấu nông nghiệp phải coi đây là một nguyên tắc cơ bản để tiến hành tái cơ cấu kể cả quy mô ngành hàng quốc gia, quy mô ngành hàng vùng và quy mô ngành hàng địa phương.
Nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 180 nước, với giá trị xuất khẩu 30 tỷ USD, năm nay dự kiến đạt 35 tỷ USD. Cần phải xác định mặt hàng thế mạnh có chất lượng và giá phù hợp thì mới cạnh tranh được, nếu không thì thua ngay trên sân nhà.
Bộ trưởng khẳng định, nếu quyết tâm chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng các sản phẩm thế mạnh, ngành hàng chủ lực,... để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước... Ví dụ, tại ĐBSCL chúng ta phát triển 2 ngành hàng là tôm, cá; các tỉnh đều có thể phát triển các sản phẩm đặc sản chủ lực của địa phương như: Cam Cao Phong Hòa Bình, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Cao Lãnh, Đồng Tháp, vải thiều Lục Ngạn, nho Ninh Thuận, hoa Đà Lạt,...
“Chưa bao giờ chúng ta được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, nhân dân đối với nông nghiệp như giai đoạn này. Hiện, các ngành hàng lớn đều đã có các doanh nghiệp lớn, làm rường cột để phát triển thị trường nông sản (sữa, cà phê,...).
Ngành thủy sản vẫn có thể phát triển dù biến đổi khí hậu. Thế giới có 7 tỷ người, nếu mỗi người ăn 1kg tôm thì nhu cầu là 7 triệu tấn nhưng nguồn cung hiện chỉ đạt 5 triệu tấn, dư địa xuất khẩu rất nhiều”, Bộ trưởng cho biết.
“Do vậy, từ những tác động của biến đổi khí hậu, nếu chúng ta biết cách lựa chọn đúng đối tượng sản xuất thì chắc chắn chúng ta vẫn thành công trong tái cơ cấu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Kinh tế nông thôn