Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với trà, cà phê: Nhiều ý kiến trái chiều

12/01/2018

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế cà phê hòa tan, trà đóng gói vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, Bộ này đề xuất hai phương án: áp dụng mức thuế suất 10% hoặc 20% từ năm 2019. Trước đề xuất này, nhiều bộ ngành yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ những cơ sở tăng thuế và rất cần lưu ý đến việc nâng cao giá trị gia tăng đối với hai ngành hàng này.

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo này

Bộ Tài chính trình dự thảo luật lần 2

Bộ Tài chính vừa hoàn thành Dự thảo lần 2 Luật sửa đổi các Luật thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, xuất khẩu và nhập khẩu. Dự thảo trước đó, Bộ Tài chính đề nghị áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm nước giải khát có đường là 10%, còn thuế VAT là 12%.

Còn trong Dự thảo mới nhất, nội dung sửa đổi được rút gọn là: “Bổ sung thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế trừ các sản phẩm sữa”. Như vậy, các mặt hàng là nước ngọt có đường (trừ sữa) sẽ phải chịu thuế, không quy định cụ thể nước ngọt có ga, không ga, hay nước tăng lực, thể thao, trà, cà phê...”.

Căn cứ để đánh thuế, Bộ Tài chính lý giải, hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2.000 lên 5,3% năm 2015; tại TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ này lên tới 10,8% (đặc biệt tại khu vực trung tâm, lên đến 12%), cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%).

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường,  hiện trên thế giới đã có trên 40 nước thu thuế TTĐB đối với loại đồ uống này.

Những ý kiến trái chiều

Sau thời gian đưa ra lấy ý kiến dư luận về đề xuất sửa đổi 5 luật thuế, trong đó có Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh thuế vào nước ngọt, cà phê và nước sạch, nhiều bộ ngành, hiệp hội đã yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ và phản đối việc tăng thuế đối với nước ngọt vì thiếu cơ sở.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đề xuất bổ sung mặt hàng nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê vào đối tượng chịu thuế TTĐB mục đích nhằm để hướng dẫn, định hướng tiêu dùng vì loại đồ uống có đường gây tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tuy nhiên, để có căn cứ thuyết phục, đề nghị cần nghiên cứu và đưa ra đánh giá cụ thể về tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng ở nước ta với sản lượng, mức tiêu thụ nước ngọt bình quân/người hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính cần có nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu, nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường...

Cũng góp ý vào đề xuất đánh thuế TTĐB với nước ngọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng: “Chưa có nghiên cứu nào đề cập đến sự lạm dụng trà, cà phê uống liền dẫn đến thừa cân, béo phí đưa đến tăng rủi ro bị các bệnh về tim mạch và tiểu đường ở Việt Nam, nhất là ở trẻ em – đối tượng vốn ít tiêu thụ sản phẩm này”.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị: Cần xác định rõ khái niệm “đồ uống có đường” nhằm xác định rõ ở mức độ hàm lượng đường nào thì xếp vào nhóm này để áp thuế TTĐB cho phù hợp. Bộ Tài chính không nên đưa trà và cà phê uống liền vào danh mục nhóm đồ uống có đường chịu thuế TTĐB.

Trong khi đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh, theo phân tích tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật, lý do cần bổ sung nước ngọt vào danh sách hàng hóa chịu thuế TTĐB là do mặt hàng này chứa đường và do vậy gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Với quan điểm như trên, không chỉ nước ngọt mà còn nhiều sản phẩm chứa đường cũng cần phải quản lý. Tuy nhiên, khi liệt kê nước ngọt tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính đã liệt kê các sản phẩm được coi là nước ngọt mà không thống nhất với lý do Bộ Tài chính đưa ra.

“Cụ thể, coi trà, cà phê (loại không đường) là nước ngọt và loại trừ nước trái cây, nước rau quả (loại chứa đường), sữa ra khỏi nước ngọt. Do vậy, đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ hơn sự cần thiết đưa nước ngọt vào hàng hóa tính thuế TTĐB cũng như lý do cần thiết để hạn chế mặt hàng này”, Bộ Công Thương khẳng định.

Các quan điểm về tăng thuế TTĐB đối với cà phê và nước ngọt có ga cũng bị các Hiệp hội lên tiếng yêu cầu làm rõ: Hiệp hội cà phê đề nghị cân nhắc không đưa nước ngọt cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp thuộc diện danh mục mặt hàng chịu thuế TTĐB vì nếu đưa vào áp dụng sẽ đánh trực tiếp vào nhà sản xuất, chế biến và người tiêu dùng trong nước.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, giải trình của Bộ Tài chính chưa thực sự thuyết phục bởi chưa phân tách được tác hại đồ uống có ga (dự kiến áp thuế TTĐB) với đồ uống không có ga (không thuộc diện dự kiến áp thuế TTĐB).

Bên cạnh đó, nhiều lập luận của Bộ Tài chính thực chất là về tác động nguy hại của nước ngọt nói chung (có ga hoặc không có ga), ví dụ về tác hại của đường, của chất tạo màu, của hương liệu, chất bảo quản, cafein… Do đó, không thích hợp để sử dụng trong giải trình về việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga mà không áp dụng thuế đối với nước ngọt không có ga.

Theo VCCI, việc áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt có ga chỉ hợp lý nếu ban soạn thảo có giải trình đầy đủ, chặt chẽ và thuyết phục hơn về các tác động nguy hại của riêng nước ngọt có ga đối với sức khỏe con người (chứ không phải là các tác động nguy hại nói chung của nước ngọt).

VCCI cũng cảnh báo, hiện nay trên thị trường nước ngọt có ga không cồn chiếm thị phần lớn chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nước ngọt không có ga không cồn lại chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước.

Vì vậy, Ban soạn thảo cần có giải trình cẩn trọng, đầy đủ, tránh trường hợp khi quy định được áp dụng, Việt Nam có thể phải đối mặt với các cáo buộc phân biệt đối xử từ các đối tác theo các quy định của WTO.

Trước đó, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội nêu rằng, việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích. Chỉ có bốn quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm khoảng hai phần trăm dân số trong khu vực, đánh thuế TTĐB lên nước ngọt.

“Có nhiều nghiên cứu cho rằng uống trà có lợi cho cơ thể. Hơn nữa, Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất được nhiều chè. Cho nên đánh thuế TTĐB với trà thì cần có những xem xét, cân nhắc hợp lý. Một số quốc gia đánh thuế TTĐB với trà chủ yếu là họ phải nhập khẩu mặt hàng này.

DN ngại đầu tư

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đánh thuế TTĐB sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành trà, cà phê đóng gói Việt Nam vốn còn đang non trẻ.

Công ty cổ phần Vina Cafe Biên Hòa cho rằng: Việc tính thuế TTĐB đối với mặt hàng cà phê sản xuất dây chuyền công nghiệp là không hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp đầu tư trí tuệ, năng lực để đưa ngành cà phê phát triển.

Tăng xuất khẩu cà phê chế biến lên 30%/năm nhằm mang lại giá trị kim ngạch cao hơn là mục tiêu mà ngành cà phê Việt Nam đang hướng tới. Song, với đề xuất của Bộ Tài chính nhằm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào cà phê hòa tan, liệu chiến lược xuất khẩu cà phê có đổ vỡ?

Phải thấy rằng, năm 2016, tuy xuất khẩu cà phê chế biến (cà phê rang xay, hòa tan…) chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng cà phê xuất khẩu nhưng về giá trị chiếm tới 10%, ước đạt kim ngạch khoảng 350 triệu USD.

Nhận thấy rõ tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào cà phê chế biến. Vậy mà giờ đây, cà phê chế biến nằm trong nhóm đề xuất áp thuế TTĐB.

Trên thực tế, cà phê vối của Việt Nam được xuất khẩu với giá thấp hơn một chút so với chỉ số LIFFE (giá quốc tế). Phần lớn cà phê của Việt Nam không được người tiêu dùng nước ngoài biết đến. Nguyên liệu cà phê giá rẻ từ Việt Nam được trộn lẫn với các sản phẩm từ nước khác. Cà phê vối Việt Nam được trộn lẫn với cà phê chè từ châu Phi hoặc Mỹ Latinh để tạo ra nhiều sản phẩm cà phê hòa tan khác nhau được tiêu dùng tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Giới chuyên gia nhận định, như hầu hết nông sản xuất khẩu của Việt Nam, cà phê đã không tận dụng được hết các cơ hội thị trường để gia tăng giá trị và trong một số trường hợp, không truyền tải được tác động chuyển đổi tới nông dân.

Thực chất, giá cà phê của hàng nông sản Việt xuất khẩu rất cạnh tranh. Nói cách khác, cà phê hay hàng xuất khẩu nông sản Việt được bán với giá rẻ nhờ một số yếu tố như: Chất lượng và mức độ an toàn sản phẩm thấp, không ổn định; Tâm lý lo ngại đối với các nhà cung cấp Việt Nam không hoàn thành hợp đồng; Rủi ro liên quan đến dấu chân môi trường của hàng hóa Việt Nam; Cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Những điều này đã tạo điều kiện cho khách hàng quốc tế dìm giá.

Cần lưu ý, mục tiêu của Việt Nam là trên 50% kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam, trong đó, có ngành chủ lực là cà phê, sẽ là sản phẩm chế biến và các sản phẩm giá trị gia tăng, giúp tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu so với hiện nay.

Hơn nữa, sẽ có trên 20 DN Việt Nam có thương hiệu và sản xuất các mặt hàng nông sản (dĩ nhiên là có ngành cà phê) được công nhận tại các thị trường lớn trên thế giới và khu vực.

Vì vậy, khi đưa ra đề xuất thuế TTĐB lên cà phê hòa tan, Bộ Tài chính nên tính tới lĩnh vực cà phê chế biến nói riêng và ảnh hưởng rủi ro đến chiến lược xuất khẩu nông sản Việt nói chung.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác