Thương mại điện tử ở Việt Nam

20/11/2006

Luật giao dịch điện tử đã được Quốc hội phê duyệt ngày 29/11/2005. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về Thương mại điện tử (số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006). Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt từ 15/9/2005 (Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg).

Khung thể chế

Theo Luật giao dịch điện tử của Việt Nam thì giao dịch điện tử được định nghĩa ngắn gọn là “giao dịch được thực hiện bằng những phương tiện điện tử” (Khoản 6, Điều 4, Chương I). Trong Luật này, lần đầu tiên những khía cạnh chủ yếu của giao dịch thương mại điện tử đã được công nhận tính pháp lý và có cơ chế bảo vệ: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, v...

Theo đánh giá chung, Luật Thương mại mới nhất (2005) chưa dành một sự quan tâm tương xứng đến TMĐT. Mới chỉ có một khoản (Khoản 4, Điều 20 nói về “Các hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ” trong đó coi “Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ trên internet” là một hình thức trưng bày, giói thiệu hàng hóa, dịch vụ.

Bộ Luật Dân sự tại Khoản 1, Điều 124 “Hình thức giao dịch dân sự” quy định: “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản”. Như vậy, TMĐT trong Boộ Luật Dân sự cũng chưa được phản ánh một cách rõ nét.

Nghị định về TMĐT (số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006) cụ thể các điều, khoản của Luật giao dịch điện tử, đồng thời cũng nêu rõ những chế tài, công cụ, tổ chức quản lý của nhà nước đối với giao dịch TMĐT. Bộ Thương mại là cơ quan nhà nước có chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Định hướng phát triển

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg), thì mục tiêu của Việt Nam trong việc phát triển TMĐT đến năm 2010 như sau:

(i) Khoảng 60% doanh nghiệp có quy mô lớn tiến hành giao dịch TMĐT loại hình B2B.

(ii) Khoảng 80% có quy mô vừa và nhỏ tiến hành giao dịch TMĐT loại hình B2C hoặc B2B.

(iii) Khoảng 10% hộ gia đình tiến hành giao dịch TMĐT loại hình C2B hoặc C2C.

(iv) Các chào thầu mua sắm Chính phủ được công bố trên các trang tin của các cơ quan Chính phủ và ứng dụng giao dịch TMĐT trong mua sắm Chính phủ.

Tình hình phát triển

Gần đây, Bộ Thương mại đã xuất bản lần thứ ba liên tiếp Báo cáo về tình hình phát triển thương mại điện tử Việt Nam (2003, 2004, 2005). Theo báo cáo điều tra tại hơn 500 doanh nghiệp ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng năm 2005 thì mặc dù TMĐT mới xuất hiện tại Việt Nam song đã đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận, thể hiện qua một số tiêu chí cơ bản sau:

Doanh nghiệp và TMĐT

(i) Khoảng 46,2% các doanh nghiệp được khảo sát đã có website, trong số này phần lớn (68,7%) là các doanh nghiệp kinh doanh thương mại-dịch vụ, phần còn lại là các doanh nghiệp sản xuất.

(ii) Khoảng 87,6% số doanh nghiệp có website cho biết đối tượng chính mà doanh nghiệp muốn hướng tới thông qua website là các doanh nghiệp khác, hướng tới người tiêu dùng là 65,7%. Như vậy, có khả năng hình thức giao dịch B2B sẽ chiếm ưu thế hơn hình thức B2C.

(iii) Khoảng 32,8% số website có các tính năng hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử (như cho phép khách hàng gửi yêu cầu, đặt hàng trực tuyến, v.v..).

Các loại hình giao dịch TMĐT

Giao dịch B2C: Theo Báo cáo TMĐT Việt Nam 2004, ước tính có khoảng 17.500 website doanh nghiệp vào thời điểm cuối tháng 12-2004, trong số này phần lớn là các website hoạt động theo mô hình B2C.

Giao dịch C2C: Hiện nay chưa có thống kê đầy đủ cũng như dự đoán về loại hình giao dịch này. Phần lớn còn mang tính sơ khai

Giao dịch B2B: Loại hình giao dịch này được thực hiện chủ yếu thông qua các sàn thương mại điện tử B2B tổ chức theo mô hình “cổng thông tin về cơ hội giao thương” hoặc “trung tâm thương mại”. Số lượng ổn định trên dưới 20 sàn giao dịch.

Bên cạnh đó, Báo cáo TMĐT Việt Nam 2005 cũng đưa vào nội dung TMĐT một số hoạt động mới: thương mại di động, giải trí trực tuyến.


Phạm Quang Diệu, Ngô Vi Dũng (tổng hợp)

Tin khác