Hợp tác phát triển chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam

17/01/2020

Sản xuất nông nghiệp là lợi thế, tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao hơn, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại ở sản xuất mà bao gồm cả gia công chế biến...

Ông Naomichi Murooka, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, gần đây sự quan tâm đến thực phẩm sạch tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đây là tiềm năng lớn của thị trường trong nước. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) đang mở ra triển vọng mới cho ngành thực phẩm ở Việt Nam.

Bất cập cần hoá giải

Song ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, mặc dù xuất khẩu nông nghiệp tăng trưởng khá nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Sản phẩm mới chỉ xuất khẩu thô; 80% sản phẩm nông nghiệp chưa có thương hiệu, logo và nhãn hiệu; công tác dự báo thị trường và thống kê còn yếu, giá cả không ổn định.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là quy mô hộ gia đình, còn ít doanh nghiệp tham gia, ít chuỗi giá trị; thiếu liên kết giữa doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương, tổ chức nông dân. Ngoài ra, việc áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất chế biến, bảo quản vẫn còn hạn chế, chưa tạo được bước đột phá.

Khảo sát thu thập số liệu về hợp tác theo chiến lược mở rộng kinh doanh tại nước ngoài của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp đã được JICA tiến hành từ tháng 6/2019, với khu vực khảo sát là toàn lãnh thổ Việt Nam cũng cho thấy điều này.

Bà Chisa Ogura, Chuyên gia chính sách và phát triển nông nghiệp Nhật Bản nhìn nhận, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng cho phát triển nông nghiệp, song vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đơn cử, với sản phẩm trái cây, rau có nguồn cung cấp dồi dào, quanh năm nhưng chi phí sản xuất cao hơn Trung Quốc.

Ngoài ra, tính an toàn của thuốc trừ sâu, phân bón chưa cao do hệ thống kiểm tra sản phẩm phân phối, phòng thí nghiệm chưa hoàn thiện. Với sản phẩm thủy sản, việc quản lý độ tươi sống chưa tốt. Việt Nam cần hoàn thiện hạ tầng, các vấn đề về truy xuất nguồn gốc, đánh bắt thủy sản. Với rau sạch, khó khăn trong quá trình vận chuyển. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho rau và thủy sản trong quá trình vận chuyển là vấn đề mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần quan tâm.

Qua khảo sát qua phiếu hỏi với 16 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, họ chỉ ra những vấn đề tồn tại khi làm ăn tại Việt Nam. Đó là nguồn nhân lực, hệ thống lưu thông – phân phối còn đang chưa hoàn thiện. Ngoài ra hệ thống pháp luật, hỗ trợ thủ tục hành chính của Trung ương và địa phương còn hạn chế, phức tạp, chưa thuận lợi. Với tiền lương, ở Việt Nam mức lương rẻ hơn Trung Quốc nhưng để đảm bảo được nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam thì thực sự khó khăn. Thực tế, để đảm bảo nguồn lực chất lượng cao, giữ các vị trí quản lý thì thực sự là khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Thực tế, doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư lớn cho hệ thống phân phối, do hạ tầng phân phối của Việt Nam chưa hoàn thiện. Vấn đề liên quan tới vốn và đảm bảo hạ tầng cần được đặt ra. Mặt khác, áp dụng máy móc nông nghiệp cũng là trở ngại của doanh nghiệp Nhật.

Khảo sát 37 doanh nghiệp và 19 Hợp tác xã của Việt Nam cũng cho thấy những khó khăn không kém doanh nghiệp Nhật. Có hơn 80% doanh nghiệp và Hợp tác xã Việt Nam mong muốn được ở rộng thị trường, quy mô, đồng thời có những cơ chế hỗ trợ tài chính; chuyển giao công nghệ, áp dụng nhiều công nghệ mới hơn trong sản xuất.

“Doanh nghiệp hai nước thiếu nguồn vốn, thiếu khả năng tiếp cận với các nguồn tài trợ của Chính phủ, khó khăn trong nâng cao chất lượng, sản phẩm, hay các thủ tục đảm bảo có giấy phép sử dụng đất… Chính vì vậy để hỗ trợ doanh nghiệp cần có cơ chế với lãi suất vay thấp hơn, hay hỗ trợ kinh phí để mở rộng sản xuất”, bà Chisa Ogura cho biết.

"Bắt tay" với doanh nghiệp nước ngoài

Vì vậy, theo ông Tuấn, nông nghiệp Việt Nam rất cần tăng cường hợp tác quốc tế trong thời gian tới và cần sự hợp tác chia sẻ từ Nhật Bản nhất là trong lĩnh vực tiếp cận thị trường, xây dựng sàn giao dịch thương mại, sàn giao dịch hàng hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, tỉnh luôn hoan nghênh và chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản đến hợp tác đầu tư trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh: cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến… Với hình thức hợp tác như liên kết với các doanh nghiệp, Hợp tác xã của Nghệ An để đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị; thuê đất để đầu tư hoặc liên kết trực tiếp với người dân.

Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An đi các nước trong khu vực, trên thế giới. Cũng như, tỉnh rất mong muốn được chuyển giao công nghệ mới, tiên tiền trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Ông Hiếu cam kết, ngân sách tỉnh dành tối thiểu 65% tổng mức vốn kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị định 57/2018 của Chính phủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn huyện, thị xã miền Tây. Ngoài ra, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết…

Cũng mong muốn thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở KH & ĐT Tỉnh Sơn La mong đợi các doanh nghiệp Nhật hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh như cây trồng, lâm nghiệp, công nghệ cao trong nông nghiệp…

Bởi theo ông, hiện nay doanh nghiệp, Hợp tác xã tỉnh đủ điều kiện xác nhận sản phẩm chuỗi còn ít, mối liên kết chưa bền vững, quy mô vùng nguyên liệu phát triển sản phẩm còn nhỏ, sản lượng thấp. Hơn nữa, diện tích áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP chiếm tỷ lệ chưa cao; nguồn tín dụng huy động cho xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm còn hạn hẹp.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


Tin khác