|
Các doanh nghiệp trong ngành thủy sản có thể ứng phó dịch bệnh bằng cách tăng đơn hàng sang các thị trường khác như EU hay Mỹ để bù đắp sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ |
Phân loại mới của USTR
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết ngày 10-2-2020 Mỹ đã có thông báo chính thức về việc cập nhật lại danh sách các quốc gia đang phát triển và kém phát triển nhất trong luật về thuế chống trợ cấp.
Cụ thể, Mỹ quyết định xóa bỏ quy định cũ về phân loại quốc gia theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm áp dụng cho luật về thuế chống trợ cấp. Theo quy định mới, USTR sẽ tự phân loại quốc gia theo các tiêu chí riêng của mình.
Trong khi theo WTO, quốc gia nào có thu nhập bình quân đầu người (GNI per capita) dưới mức 12.375 đô la Mỹ sẽ được coi là quốc gia đang phát triển thì USTR lại quy định: nếu muốn nằm trong danh sách này thì ngoài tiêu chí thu nhập bình quân đầu người dưới 12.375 đô la Mỹ, quốc gia đó phải thỏa mãn thêm các điều kiện khác về thương mại, tư cách thành viên khác.
Bên cạnh đó, phân loại của WTO tính đến các chỉ số phát triển xã hội như tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, tỷ lệ mù chữ, tuổi thọ..., trong khi USTR sẽ không tính đến các chỉ số này. Chính sự thay đổi trong cách phân loại mới này đã khiến một số quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia không còn nằm trong danh sách các nước đang phát triển, theo USTR.
Một trong những điều kiện khác mà USTR thêm vào là tỷ trọng thương mại. Cụ thể, quốc gia nào có tỷ trọng trong thương mại thế giới trên 0,5% (quy định của WTO là 2%) sẽ được coi là quốc gia phát triển.
Theo đó, tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng thương mại thế giới là khoảng 2,5% trong năm 2018 (số liệu từ WTO), đã đáp ứng tiêu chí trên 0,5% của USTR.
Tuy vậy, theo BVSC, điểm đáng chú ý nhất là việc cập nhật danh sách mới của USTR sẽ chỉ có hiệu lực trong luật về thuế chống trợ cấp. Danh sách này sẽ không ảnh hưởng đến phân loại quốc gia trong các luật khác của Mỹ.
Vì vậy, tác động của việc cập nhật mới này sẽ giới hạn trong việc áp thuế chống trợ cấp của Mỹ mà không ảnh hưởng đến các ưu đãi khác mà Việt Nam hay các quốc gia đang phát triển khác được hưởng.
Đánh giá chung là Việt Nam sẽ mất đi những quyền lợi khi còn nằm trong danh sách các quốc gia đang phát triển và kém phát triển nhất, điển hình như các ngưỡng để được “miễn trừ” điều tra chống trợ cấp sẽ bị hạ thấp hơn.
Cụ thể, Việt Nam sẽ không được “miễn trừ” điều tra theo luật về thuế chống trợ cấp nếu biên độ trợ cấp trên 1% (nếu nằm trong danh sách các quốc gia đang phát triển thì ngưỡng này sẽ là 2%) hay kim ngạch nhập khẩu của một loại hàng hóa từ Việt Nam chiếm trên 3% (nếu nằm trong danh sách các quốc gia đang phát triển thì ngưỡng này sẽ là 4%) tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng đó vào Mỹ.
Do điều kiện hưởng ưu đãi “miễn trừ” ít đi nên Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá trong thời gian tới. Động thái này của Mỹ tiếp tục củng cố chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, có thể kể đến là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đưa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác vào danh sách thao túng và theo dõi thao túng tiền tệ, đưa ra lệnh cấm về công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đe dọa áp thuế với Mexico, Canada, cáo buộc EU trợ cấp trái phép chế tạo máy bay Airbus...
Các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thể sẽ tiếp tục nằm trong tầm ngắm trong thời gian tới.
Tác động đến một số ngành xuất khẩu
Một số ngành hàng có thể chịu tác động trực tiếp từ các quy định chống trợ cấp và chống bán phá giá của Mỹ là thủy sản và dệt may. Đối với mặt hàng thủy sản, Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam (tỷ trọng hơn 17%) với hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra.
Chưa cần đến quy định phân loại mới của USTR thì cả hai mặt hàng trên trong các năm qua đã luôn phải đối mặt với các vụ điều tra chống bán phá giá của Mỹ. Ngành thủy sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.
Tuy các doanh nghiệp trong ngành có thể ứng phó bằng cách tăng đơn hàng sang các thị trường khác như EU hay Mỹ để bù đắp sụt giảm của thị trường Trung Quốc nhưng sẽ không dễ do tâm lý chung tại các thị trường này vẫn có xu hướng dè dặt, đặt hàng cầm chừng để chờ giá giảm.
Đối với ngành dệt may, việc tăng cường cơ sở pháp lý để tiến hành điều tra chống trợ cấp và bán phá giá có thể sẽ khiến giá mặt hàng sợi tổng hợp trên thị trường thế giới bớt áp lực giảm giá.
Thời gian qua, các công ty sợi của Trung Quốc được cho là đã nhận trợ cấp từ chính phủ nước này dẫn đến động thái bán phá giá liên tục tại các thị trường nước ngoài.
Việc phục hồi của giá sợi tổng hợp (nếu có, do Trung Quốc không dám mạnh tay giảm giá nữa) có thể sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất sợi như Công ty cổ phần Sợi thế kỷ (mã STK) trong trung hạn.
Tuy vậy, cần lưu ý các vụ kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá thường cần rất nhiều thời gian điều tra và thỏa hiệp giữa các bên. Hơn nữa, hiện Việt Nam cũng không có nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi như STK.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn