Tăng tốc sản xuất, đợi thị trường bùng nổ sau dịch Covid-19

19/03/2020

Không thể phủ nhận, dịch Covid-19 đã và đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19) chắc chắn sẽ có những tác động lớn đến sản xuất, xuất khẩu nông sản, nhưng nông dân, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị sẵn cơ hội đợi thị trường bùng nổ sau dịch.

Dây chuyền chế biến thanh long của Công ty Lavifood. Ảnh: T.L

Sẵn sàng nắm bắt cơ hội

Dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về cuộc khủng hoảng do Covid-19 tác động đến thị trường nông sản?

- Trước hết phải khẳng định, không chỉ có dịch Covid-19 mà những tác động của biến đổi khí hậu, của dịch bệnh sẽ luôn là những rủi ro có nguy cơ xảy ra và đối mặt.

Dịch Covid-19 rõ ràng đã có những tác động đến tình hình xuất khẩu nông sản, một số mặt hàng, nhất là trái cây gặp khó khăn do khâu kiểm soát ngặt nghèo hơn để phòng ngừa dịch bệnh, việc đóng các cặp chợ biên giới khiến hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch tạm dừng.

Ngay khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu nông sản giảm đáng kể, nhiều mặt hàng sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu (cá tra đạt 226 triệu USD, giảm 27,4%; rau quả 513 triệu USD, giảm 11,9%...).

Trước những thách thức đó, Bộ NNPTNT đang tập trung cùng các doanh nghiệp kiên quyết khắc phục khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh để tổ chức sản xuất ở quy mô cao nhất, đợi đến khi dịch chấm dứt sẽ cung cấp đủ cho sự bùng nổ của thị trường.

Theo đó, có 2 nhóm hàng quan trọng nhất hiện nay cần quan tâm, một là nhóm hàng lương thực, hai là nhóm hàng thực phẩm. Đối với dịch Covid-19, không chỉ trong nước mà cả toàn cầu, nhu cầu lương thực thực phẩm luôn là thiết yếu, vì vậy phải đảm bảo trong mọi hoàn cảnh cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho người dân.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sản xuất ngay thời điểm này là để đến khi dịch Covid-19 lắng xuống sẽ tận dụng tốt nhất cơ hội từ các thị trường khi nhu cầu của người dân chắc chắn sẽ bùng nổ sau dịch.

Làm được điều này sẽ đảm bảo được mục tiêu kép, một là giữ vững ổn định an ninh lương thực, cung ứng đủ thực phẩm cho 100 triệu dân đồng thời chuẩn bị đủ điều kiện tốt nhất để khi có thời cơ là hoàn thành mục tiêu xuất khẩu ở mức cao nhất trong năm nay.

Mở rộng thị trường khác

Được biết, Bộ NNPTNT cũng đặt mục tiêu đa dạng hóa thị trường, tái cơ cấu 5 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam để làm sao đạt được mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD trong năm nay. Bộ NNPTNT đã có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu này?

- Phải khẳng định, nhiều năm qua, Bộ NNPTNT đã liên tục thực hiện tái cơ cấu để đổi mới thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Ví dụ như mặt hàng gạo, nếu như năm 2018, thị trường Trung Quốc chiếm tới 50% thị phần, tuy nhiên, khi nhu cầu từ thị trường này giảm, ngay lập tức chúng ta điều chỉnh đi tìm những thị trường mới. Hiện thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm 5% nhưng mục tiêu xuất khẩu gạo của chúng ta vẫn đạt, năm 2019, sản lượng xuất khẩu vẫn đạt 6,7 triệu tấn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng tích cực mở rộng các thị trường khác như Nga, Brazil… đồng thời khai thác hiệu quả các thị trường nền tảng như EU, Nhật Bản, Mỹ…

Tóm lại, thị trường luôn rộng mở, quan trọng là chúng ta phải đổi mới tổ chức sản xuất, đưa hàng hóa với chất lượng tốt nhất, giá thành cạnh tranh nhất. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp và người dân phải xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín, liên kết lại để sản xuất hiệu quả.

Có một xu hướng dễ nhận thấy là ngay trong dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp chế biến lại tăng trưởng khá mạnh, có doanh nghiệp tốc độ tăng trưởng tới 20-25%. Nhìn từ khía cạnh tích cực thì theo Bộ trưởng đây có phải là hướng đi mới ngay trong khó khăn của dịch Covid-19?

- Có thể thấy, trong bất cứ trường hợp nào, nguy với cơ cũng đi liền với nhau, nếu như nhìn nhận đúng những thách thức chúng ta có thể tìm thấy cơ hội.

Với dịch Covid-19 cũng vậy, đầu tháng 2/2020, khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên bị ảnh hưởng, hàng rau quả xuất khẩu bị tắc ngay.

Nhiều doanh nghiệp đã lập tức chuyển hướng sang phát triển các sản phẩm chế biến. Doanh nghiệp vào cuộc tích cực, người dân, các cơ sở sản xuất cũng có những sáng tạo, thúc đẩy liên kết với vùng sản xuất nên những khó khăn dần được tháo gỡ.

Bánh mì thanh long, bún dưa hấu… là những sản phẩm của sự sáng tạo, nó là đòi hỏi của thị trường chứ không phải là sản phẩm tức thời của giải cứu. Trong thách thức luôn có cơ hội, nhiều chuỗi sản xuất tập hợp lại sẽ tạo ra những con sóng lớn thúc đẩy thị trường.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Dân Việt


Tin khác