Nông sản tiếp tục lâm nguy

23/03/2020

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) bùng phát mạnh ở trong nước đã tạo nên tâm lí e ngại của các nhà kho chuyên thu mua trái cây. Điều này, có thể đẩy ngành hàng cây ăn trái tiếp tục rơi vào thế cần 'giải cứu' như vừa xảy ra.

Tâm lý e ngại dịch Covid-19 có thể khiến ngành cây ăn trái tiếp tục rơi vào thế cần giải cứu. Trong ảnh là một nhà kho tiêu thụ thanh long ở Long An. Ảnh: Trung Chánh

Hồi tháng 2-2020 vừa qua, khi Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, quốc gia này đã áp dụng các biện pháp tạm thời để kiểm soát dịch như ra lệnh đóng các cửa khẩu. Điều này, khiến ngành cây ăn trái Việt Nam rơi vào bế tắc, hàng loạt cuộc kêu gọi giải cứu đã diễn ra.

Tuy nhiên, tình hình sau đó cũng đã được giải quyết khi các cửa khẩu tiếp giáp với Việt Nam mở trở lại và hàng hóa đã được phép thông quan, dù vẫn phải chịu sự kiểm soát dịch bệnh rất nghiêm ngặt.

Khi câu chuyện thông quan hàng hóa sang Trung Quốc đã được giải quyết, hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường này dần trở lại bình thường thì số bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lại gia tăng từng ngày. 

Điều này đã tạo nên tâm lý lo lắng nơi người tiêu dùng trong nước nói chung. Bên cạnh đó là các thông tin về việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại tại châu Âu và Mỹ. 

Từ đó, khiến các nhà thu mua trái cây xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng e ngại với hoạt động mua gom hàng.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Đại diện nhà kho thu mua thanh long Thuận Phát thừa nhận, nếu như trước đây, các kho thu mua sẵn sàng chi tiền đặt cọc mua thanh long khi vừa có trái non, thậm chí khi mới ra hoa, thì hiện đặt cọc thu mua tối đa chỉ khoảng 3 ngày. 

“Các nhà kho bây giờ cũng rụt rè lắm, không dám mua xa để giảm thiểu rủi ro”, ông giải thích.

Lý do chính khiến các nhà kho thu mua thanh long e ngại, ông Hùng cho biết, do dịch Covid-19 ở trong nước đang có xu hướng bùng phát mạnh, trong khi nếu Nhà nước có chính sách mới để ứng phó, thì rất có thể sẽ tạo ra những khó khăn mới cho doanh nghiệp. 

“Ví dụ, như trường hợp chính quyền cách ly, không cho công nhân làm”, ông dẫn chứng, nhưng nói rằng đó chỉ là sự lo sợ của nhà kho.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, đến thời điểm này, việc tiêu thụ thanh long sang thị trường Trung Quốc tuy ổn định, nhưng đã có xu hướng chậm lại. 

“Việc bán sang đây (Trung Quốc) chậm hơn, cho nên, một số nhà kho đòi không thu mua nữa, nhưng mới họp đêm hôm (tối 20-3) với một số anh em, tôi có vận động họ cố gắng thu mua”, ông cho biết và nói rằng giá thanh long mua tại vườn (mua xô) hiện chỉ còn 15.000-16.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000-15.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 3-2020.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở trong nước, trong khi phải mất khoảng 7-10 ngày, một đơn hàng thanh long (từ khi thu mua về đến kho) mới đưa được sang Trung Quốc tiêu thụ, cho nên, tâm lý của nhà kho rất sợ rủi ro. 

“Dịch cứ tăng lên mỗi ngày nên ai cũng sợ, nhất là khi Trung Quốc tiêu thụ hơi chậm lại”, ông nói.

Với các thị trường khác ngoài Trung Quốc, ông Hùng của Thuận Phát cho biết, khi các hãng hàng không dừng khai thác các đường bay quốc tế, thì việc tiêu thụ cũng “tê liệt”. 

“Ví dụ, đóng hàng đi Mỹ hay châu Âu, thì trước giờ cũng có tiêu thụ một số lượng nhất định, nhưng bây giờ do Covid-19 khiến tình hình di chuyển bằng đường hàng không cũng rất khó khăn, cho nên, tiêu thụ cũng gặp khó”, ông cho biết.

Trong khi đó, với mặt hàng mít Thái, trong hôm nay, 21-3, các kho thu mua ở huyện Cai Lậy, Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, một số nơi cũng đã tạm ngưng phát giá cho thương lái đến thu mua tại vườn của nông dân, dù cách đó khoảng một tuần, giá loại sản phẩm này dao động trong khoảng từ 30.000-35.000 đồng/kg (loại 1).

Việc các nhà kho tiêu thụ trái cây thu mua cầm chừng do tâm lý e ngại Covid-19, rất có thể khiến ngành cây ăn trái rơi tiếp vào thế cần phải "giải cứu" như vừa xảy ra.

Theo Thời Báo kinh tế Sài Gòn


Tin khác