Nếu như trước đây Việt Nam nhập trái cây từ các nước xung quanh khu vực thì thời gian ngắn trở lại đây trái cây Việt đã bắt đầu xuất vào thị trường của các nước trong khối ASEAN thậm chí là Thái Lan, thủ phủ trái cây của vùng Đông Nam Á.
Điều này cho thấy, DN và cả các cơ quan quản lý của Việt Nam đã bắt đầu rà soát để “tái cơ cấu” và “bắt sóng” thị trường tìm đầu ra cho trái cây Việt.
Trước đây, mặt hàng trái thanh long xuất khẩu sang khoảng 40 nước và vùng lãnh thổ trong đó thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc (chiếm 80%). Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc hầu như rất khó khăn. Điều này khiến DN phải tìm đầu ra cho thanh long nói riêng và nông sản nói chung.
Các chuyên gia cho rằng DN nên chú ý đến các thị trường gần như Thái Lan, Indonesia, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Myanmar… cũng đang có nhu cầu tiêu thụ lớn với thanh long. Hay như ở EU có Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Anh…; còn ở châu Mỹ có Canada, Mỹ, Chile…; ở Trung Đông thì có UAE, Quatar...
Thực vậy, những tháng đầu năm 2020, số liệu thống kê cho thấy 4 thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, EU và ASEAN. Do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm việc chuyển hướng, tìm thêm thị trường mới có giá trị cao ngoài Trung Quốc cho nông sản Việt rất cần thiết.
Đơn cử như trái thanh long vốn chiếm đến 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Điều đáng mừng là gần đây thông tin từ một số DN ở “thủ phủ” thanh long, Bình Thuận, đã bắt đầu có những hợp đồng thanh long sang các thị trường mới như Myanmar, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Quatar...
Theo thông tin từ Bộ Công thương, Bình Thuận thủ phủ thanh long cả nước có gần 1.500 ha thanh long đã được xác nhận mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hoa Kỳ, 262 ha thanh long được cấp chứng nhận GlobalGap... Sản lượng thanh long Bình Thuận tập trung cho xuất khẩu đạt 80 - 85%.
Hiện nay, chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được đăng ký bảo hộ tại các nước trong khối liên minh châu Âu (EU); nhãn hiệu “Bình Thuận, Dragon Fruit và hình” được 12 nước và thị trường đồng ý bảo hộ: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Mỹ và thị trường Đài Loan…
Số liệu trong quý I/2020 cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Indonesia đạt 2,1 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái chỉ là 164,8 nghìn USD, sang Lào từ 2,6 triệu USD tăng lên 9,6 triệu USD, Campuchia từ 340 nghìn USD tăng lên 885,3 nghìn USD...
Không chỉ có DN khẩn trương, các tham tán và thương vụ Việt Nam tại các nước ASEAN cũng tích cực kết nối tìm đầu tra cho trái cây Việt. Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã chủ động kết nối với các hiệp hội ngành hàng của nước sở tại và của Việt Nam nhằm tranh thủ cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn.
Tính riêng trong tháng 3/2020, thương vụ đã kết nối được hơn 20 đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore, ước đạt khoảng 500 tấn hàng hóa, gồm đa dạng trong đó có khoai lang, bắp cải, bí, cà tím, dứa, dưa hấu, thanh long...
Tham tán thương mại Singapore nhận định đây là cơ hội để các DN Việt Nam gia tăng xuất khẩu và tạo dựng chỗ đứng vững chắc tại thị trường Singapore.
Cũng vậy, trong dịch bệnh Covid-19, Thái Lan được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn. Bà Trần Thị Thanh Mỹ - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, mặc dù năm 2019, xuất khẩu rau quả tươi và chế biến của Thái Lan khoảng 3,6 tỷ USD thế nhưng Thái Lan nhập cũng hơn 3 tỷ tấn rau quả với giá trị khoảng 1 tỷ USD.
Theo đó, Thái Lan có lợi thế nhất định dành cho các loại rau củ quả nhập khẩu vì Thái lan được coi là trung tâm chế biến thực phẩm của khu vực Đông Nam Á thậm chí với lượng khách du lịch đông thì cũng là hình thức quảng bá trái cây Việt thích hợp để trái cây Việt Nam thâm nhập thị trường...
Theo thống kê của Bộ Công thương, trong khối ASEAN, Thái Lan là thị trường nhiều tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, rau quả của Việt Nam. Mặt hàng này được Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong quý 1/2020 đạt kim ngạch 50,51 triệu USD, tăng tới 308,77% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại cuộc họp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, các chuyên gia nhận định tuy lượng trái cây xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ chưa lớn, nhưng đây là thị trường có giá trị cao và đang tăng đều qua từng năm (hiện dao động khoảng 10.000 tấn/năm).
Các điều kiện kỹ thuật mà phía Mỹ yêu cầu đối với trái cây nhập khẩu thì nhiều nhà vườn ở Việt Nam có thể đáp ứng tốt nên các DN chú ý tập trung vào thị trường này.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định với những tín hiệu tích cực đang diễn ra ở các thị trường, rau quả Việt đang “tái cơ cấu” đẻ xuất khẩu qua các thị trường mới và tiềm năng, như Mỹ, Thái Lan, châu Phi…
Theo Thời báo Ngân hàng