Để VN bay lên: Góc nhìn từ một chuyên gia quốc tế

27/11/2006

"Về dài hạn, một đất nước sẽ không trở nên cường thịnh chỉ với việc may áo sơ-mi và vặn bu-lông đinh ốc. Việt Nam cần phải cạnh tranh trực diện với Trung Quốc và Ấn Độ trong các lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu, và phát minh" - Ý kiến của ông Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard.

 

Zoom Picture
Ông Thomas J. Vallely

 

Kinh tế VN đang tăng trưởng dưới mức tiềm năngÔng và các đồng nghiệp của mình ở Trường Harvard và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu nền kinh tế Việt Nam rất cẩn thận. Theo ông nền kinh tế Việt Nam hiện đang gặp phải những thách thức chủ yếu nào?

Trước tiên phải nói ngay rằng nền kinh tế của Việt Nam đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng mà lẽ ra nó phải có. Tôi cho rằng điều này đã rõ ràng. Mỗi năm, Việt Nam cần tạo ra ít nhất một triệu việc làm mới để đáp ứng nhu cầu về việc làm của thị trường lao động. Trong năm năm qua, khu vực nhà nước trung bình mỗi năm tạo được khoảng 12.000 việc làm, tức là xấp xỉ 1% nhu cầu về số việc làm mới của toàn bộ nền kinh tế.

Trong khi đó, khu vực nhà nước lại nhận được phần lớn đầu tư của quốc gia. Về mặt lý thuyết, yếu tố có tính quyết định là mức độ hiệu quả của doanh nghiệp chứ không phải là thành phần kinh tế của chúng. Đặng Tiểu Bình đã từng nói “mèo trắng hay đen không quan trọng miễn là bắt được chuột”.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả hoạt động thì dường như khu vực quốc doanh không bắt được nhiều chuột lắm. Có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng khu vực này rất kém hiệu quả, không đóng nổi vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế, không tạo được nhiều việc làm mới, khó thích ứng và sử dụng những công nghệ mới.

Việt Nam cần những DN lớn nhưng hiệu quả

Hai tuần trước, ngay sau khi có tin chính thức về việc Việt Nam gia nhập WTO, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một bài phân tích những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập WTO, mang tên “WTO: cơ hội, thách thức và hành động của chúng ta.” Thủ tướng đã liệt kê một số ưu tiên cho những cải cách tiếp theo, bao gồm việc tăng cường hệ thống tài chính và luật pháp, và tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Ông có biết về bài phân tích này không?

Tôi thực sự cảm thấy rất ấn tượng về bài phân tích gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bài phân tích của Thủ tướng đã trình bày một chương trình nghị sự cho cải cách với sự rõ ràng và mạnh mẽ hiếm thấy. Đặc biệt, Thủ tướng dường như hiểu rất rõ về tầm quan trọng của việc hoạch định chính sách đối với những thành công trong tương lai của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng việc tham dự vào quá trình toàn cầu hóa và nền thương mại toàn cầu là một yêu cầu thiết yếu chứ không phải là điều mà Việt Nam có thể lựa chọn tham gia hay không tham gia. Thủ tướng cũng bày tỏ niềm tin vào sự thành công của Việt Nam trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Tôi còn nhớ rằng, cách đây không lâu Việt Nam còn chưa có được một sự tự tin như thế.

Tôi đồng ý với quan sát của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó đa phần là các doanh nghiệp dân doanh, là động lực chính của phát triển. Một thách thức lớn của Việt Nam là tạo những điều kiện cần thiết để những doanh nghiệp vừa và nhỏ này trở thành những doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao.

Hiện nay, mặc dù nhìn chung các doanh nghiệp dân doanh hoạt động hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên quy mô nhỏ đã hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này trên thị trường thế giới.

Để có thể khai thác những thuận lợi do việc gia nhập WTO mang lại, Việt Nam cần có những doanh nghiệp lớn hiệu quả và có khả năng cạnh tranh thành công. Để tạo điều kiện cho sự xuất hiện các doanh nghiệp lớn đòi hỏi phải cải thiện hệ thống luật pháp và tài chính, và then chốt là phải nâng cao chất lượng giáo dục.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng một khu vực kinh tế tư nhân mạnh và năng động sẽ có khả năng khai thác triệt để những lợi ích do đầu tư nước ngoài mang lại. Dưới góc độ của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, lợi ích quan trọng nhất của đầu tư nước ngoài là sự chuyển giao kỹ năng và công nghệ.

Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này đòi hỏi phải thiết lập được một sự hợp tác có ý nghĩa giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Thực tế là hiện nay rất ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động lắp ráp và các khâu có giá trị gia tăng thấp.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thiết kế hiếm khi được các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện ở Việt Nam. Đầu tư trong các nghành thâm dụng lao động là cần thiết vì lực lượng lao động của Việt Nam dang không ngừng lớn lên.

Tuy nhiên về dài hạn, một đất nước sẽ không trở nên cường thịnh chỉ với việc may áo sơ-mi và vặn bu-lông đinh ốc. Việt Nam cần phải cạnh tranh trực diện với Trung Quốc và Ấn Độ trong các lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu, và phát minh. Rõ ràng là sự liên kết giữa nghiên cứu khoa học ứng dụng và cơ bản với các ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế.

Theo số liệu của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, trong năm 2002 người Việt Nam chỉ đăng ký vẻn vẹn có hai bằng phát minh sáng chế so với 40.346 của Trung Quốc và 1.117 của Thái Lan. Những số liệu thống kê này cho thấy con đường biến ước mơ của Việt Nam trở thành một tác nhân quan trọng trong các ngành công nghiệp dựa vào tri thức còn rất xa vời.

Nghiên cứu chính sách: Việt Nam đang tụt hậu

Trong bài phân tích về những cơ hội và thách thức trước thềm chính thức gia nhập WTO, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong một thế giới toàn cầu hóa, cạnh tranh không chỉ tồn tại giữa các doanh nghiệp mà còn giữa các quốc gia và giữa các chính sách được thực thi.

Trường Harvard đã và đang tiếp tục phân tích các chính sách kinh tế của Việt Nam và tham gia đối thoại với chỉnh phủ Việt Nam trong nhiều năm. Ông nghĩ gì về tình trạng hiện tại của các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam?

Thứ nhất, Việt Nam may mắn có được một số nhà hoạch định chính sách trẻ tuổi rất tài năng ở các cấp chính quyền địa phương và trung ương. Tôi tự hào là Harvard và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) đã góp phần đào tạo nên một số người như vậy.

Khi Việt Nam và Mỹ kết thúc đàm phán song phương trong khuôn khổ các cuộc đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO, đoàn đàm phán của Mỹ đã từng không dấu giếm sự thán phục đối với các đối tác trong đoàn đàm phán của Việt Nam.

Tôi nghe kể rằng một số thành viên trong đoàn đảm phán của Mỹ đã từng than phiền rằng đàm phán với Việt Nam quá khó vì trong đoàn đàm phán của Việt Nam có nhiều người được đào tạo ở các trường đại học tinh hoa của Mỹ, trong đó có Harvard!

Thế nhưng để đưa ra được những chính sách có khả năng khai thác tối đa cơ hội và tối thiểu hóa rủi ro không chỉ cần những cá nhân tài năng. Việt Nam đang tụt hậu trong việc kiến tạo những thể chế có khả năng thực hiện các phân tích tinh vi về các xu thế chính trị và kinh tế toàn cầu.

Thiếu nghiên cứu chính sách chất lượng cao, nền kinh tế Việt Nam như một con tầu lênh đênh giữa đại dương mà không có bản đồ hay la bàn. Về phương diện này, nhiều nước trong khu vực đang làm tốt hơn Việt Nam.

Những đồng nghiệp của tôi ở Harvard kể cho tôi nghe rằng những phân tích kinh tế và chính sách do các nhà nghiên cứu Trung Quốc thực hiện thậm chí còn chất lượng và có tính phê phán hơn cả những nghiên cứu do các chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Đáng tiếc là Việt Nam chưa như vậy, thậm chí nhiều chỉ số phát triển cơ bản của Việt Nam vẫn còn do các tổ chức quốc tế và nước ngoài thực hiện.

Tất nhiên, tôi cho rằng cần phải nhấn mạnh rằng không có một chính phủ nào cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của mình tất cả những dữ liệu cần thiết để họ ra quyết định.

Và đây cũng chính là lý do tại sao việc thiết lập những cơ chế để chính phủ có thể đối thoại với các doanh nghiệp quốc tế cũng như những đối tác quan trọng khác lại cần thiết đến như vậy.

Đó cũng là lý do tại sao các vị tổng thống, bộ trưởng bộ tài chính, tổng giám đốc v.v. lại quây quần ở một sự kiện như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum). Đó cũng là lý do tại sao hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên tham vấn riêng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia thông qua các sự kiện như hội nghị thị trưởng Thượng Hải do tập đoàn AIG tài trợ. Cơ hội tiếp cận với quan điểm khách quan từ những người đã đạt tới đỉnh cao nghề nghiệp trong lĩnh vực của mình có thể hết sức hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách.

Viện trợ tăng năng lực nghiên cứu:  Lợi bất cập hại

Cộng đồng tài trợ đã và đang tiếp tục giúp các viện nghiên cứu của Việt Nam trong việc xây dựng năng lực trong một thời gian dài. Ông có cho rằng những nỗ lực này đang đơm hoa kết trái?

Sau khi cân nhắc thiệt hơn, tôi cho rằng có lẽ viện trợ nước ngoài dùng để giúp Việt Nam tăng cường năng lực nghiên cứu chính sách là lợi bất cập hại. Các nhà tài trợ đã làm biến dạng thị trường, sử dụng nguồn lực rất dồi dào của họ để tự biến mình thành trung tâm của vũ trụ.

Về phía mình, các viện nghiên cứu của Việt Nam tập trung vào việc “theo đuổi” các dự án theo những ưu tiên của các nhà nhà tài trợ, nhưng trong nhiều trường hợp có thể không liên quan mấy với nhu cầu thực tế của Việt Nam. Khi sự tồn tại của các viện nghiên cứu phụ thuộc vào các dự án của nhà tài trợ thì trao quyền tự chủ tài chính một cách triệt để cho các viện nghiên cứu của Việt Nam có thể lại làm tình hình xấu đi.

Cũng như các trường đại học, ràng buộc cơ bản của các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam không phải là tiền mà một lần nữa, lại là hệ thống quản trị.

Là một cựu sinh viên của Harvard, tôi nghĩ rằng anh sẽ đánh giá cao những thành tích mà Harvard đạt được bằng cách kiến tạo một môi trường trong đó mọi người được đánh giá chỉ dựa vào tài năng của họ. Ở Harvard, mọi người được khuyến khích tư duy với tinh thần phê phán và thách thức những “niềm tin truyền thống”. Không một quốc gia nào đã từng thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa mà không có những trường đại học và những phân tích chính sách chất lượng cao.

Đầu tư quan trọng hơn tiền viện trợ!

Phải chăng ông đang có ý rằng viện trợ phát triển chính thức không đem lại ích lợi cho Việt Nam?

Đúng như vậy. Nhìn một cách tổng thể thì tác động của viện trợ nước ngoài là khá khiêm tốn. Cần phải nói thêm rằng điều này không chỉ đúng với Việt Nam mà còn xảy ra với phần lớn các nước nhận viện trợ.

Những thành tự Việt Nam đạt được trong xóa đói, giảm nghèo và duy trì một mức tăng trưởng tương đối cao (mặc dù vẫn chưa xứng với tiềm năng!) là nhờ vào những quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước giải phóng được tiềm năng của con người Việt Nam.

Tất cả những thành tựu này đạt được trước khi có sự hiện diện của các nhà tài trợ nước ngoài, mặc dù các nhà tài trợ này thường muốn được kể công. Nhìn chung, viện trợ nước ngoài thường được sử dụng cho những dự án mà trước sau gì thì Việt Nam cũng sẽ xây dựng.

Cộng đồng các nhà tài trợ không ủng hộ những phân tích có tính phê phán. Chẳng hạn như so với Ngân hàng Thế giới, các cơ quan truyền thông của Việt Nam trong đó có VietnamNet hiện đang đóng một vai trò quan trọng và có giá trị hơn nhiều trong việc phân tích các thách thức phát triển mà Việt Nam đang gặp phải.

Tôi cho rằng một trong những diễn biến thú vị nhất trong hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ ở Nha Trang tháng 6 vừa rồi là việc các báo chí của Việt Nam bày tỏ lo ngại rằng các nhà tài trợ thiếu tinh thần phê phán.

Vậy ông có cho rằng cộng đồng các nhà tài trợ ở Việt Nam đóng một vai trò tích cực nào không? Chẳng hạn như ở giai đoạn phát triển hiện tại của Việt Nam với nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng thì viện trợ nước ngoài có thể có vai trò quan trọng, bằng không Việt Nam sẽ phải vay tiền ở thị trường quốc tế với lãi suất cao hơn?

Tôi cho rằng những tổ chức muốn thúc đẩy việc đối thoại dựa trên ý tưởng chứ không phải dựa trên tiền có thể cơ một số ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là trong hoàn cảnh năng lực phân tích chính sách của Việt Nam còn hạn chế. Sự phối hợp giữa Liên hiệp quốc với Harvard và chính phủ Việt Nam trong nỗ lực nghiên cứu những thách thức chính sách then chốt mà Việt Nam đang phải đối diện là một ví dụ cụ thể.

Về ODA, tôi đồng ý rằng nó có thể mang lại lợi ích nếu được sử dụng một cách hiệu quả. Mặc dù tôi cho rằng cần đặt câu hỏi một cách nghiêm túc về việc liệu các dự án ODA về cơ sở hạ tầng hiện nay có thực sự có ý nghĩa và hữu dụng cho Việt Nam hay không.

Kết luận của tôi là FDI quan trọng hơn ODA rất nhiều. Quyết định mới đây của Intel gia tăng đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh, hay đầu tư của Canon ở phía Bắc có tầm quan trọng then chốt. Chuyến viếng thăm Nhật Bản mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có vẻ như đã gặt hái được nhiều thành công về phương diện này. Đầu tư từ Nhật Bản có thể đóng một vai trò then chốt đối với tương lai của Việt Nam.

Một nhà kinh tế học của Nhật Bản gần đây cho rằng Việt Nam đang có một cơ hội to lớn để trở thành điểm đến của các dự án đầu tư chất lượng cao từ Nhật Bản. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này đòi hỏi khu vực tư nhân của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng để có thể tích hợp vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia lớn.

(Theo Bao Thuong mai)


(Theo Bao Thuong mai)

Tin khác