Quản lý, sử dụng ODA : Thay đổi căn bản

27/11/2006

Nghị định 131/2006/NĐ-CP về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vừa mới ban hành hứa hẹn mang lại một sự thay đổi căn bản về quản lý và sử dụng vốn ODA.

Zoom Picture

Nghị định 131/2006/NĐ-CP về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vừa mới ban hành hứa hẹn mang lại một sự thay đổi căn bản về quản lý và sử dụng vốn ODA.

Nhiều điểm mới

Tiến sĩ Dương Đức Ưng, cố vấn chính sách cấp cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và từng là Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại của bộ này, nhận xét rằng nghị định mới ban hành có rất nhiều điểm đáng chú ý. Theo ông Ưng, điểm đáng chú ý nhất là sự phân cấp tối đa và tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý.

 

“Cũng như các nghị định khác về đầu tư và quản lý đầu tư được ban hành gần đây, tinh thần chung của nghị định này là phân cấp tối đa, nhưng đồng thời trách nhiệm cũng được quy định chặt chẽ hơn. Trách nhiệm sẽ được thể hiện ở hai khâu quản lý đầu vào dự án và theo dõi đánh giá quá trình thực hiện dự án” - ông Ưng nói.

 

Theo quy định trong nghị định mới, các bộ, ngành chỉ đóng vai trò cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư, không được làm chủ đầu tư các dự án từ nguồn vốn ODA. Chủ chương trình hay dự án phải là đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng, đồng thời là người quản lý, sử dụng công trình sau khi chương trình, dự án kết thúc.

 

Ở cấp Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi đánh giá tình hình quản lý và thực hiện các chương trình dự án; làm đầu mối xử lý các vấn đề liên quan đến nhiều bộ ngành; và chịu trách nhiệm báo cáo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng ODA. Trong khi đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý tài chính đối với các chương trình dự án, theo dõi, kiểm tra công tác quản lý tài chính trong việc sử dụng vốn ODA.

 

Điểm mới khác cũng rất quan trọng là nghị định đưa ra các quy định giúp tinh giản các thủ tục nhưng không vì thế mà quản lý bị lỏng lẻo. Theo ông Ưng, đây chính là vấn đề được các nhà tài trợ quan tâm nhất và khi dự thảo cuối cùng được gửi đi lấy ý kiến, hầu hết các nhà tài trợ đều rất hoan nghênh. Trên thực tế, Việt Nam đã muốn sửa đổi từ hai ba năm trước, nhưng cần có thời gian để đồng bộ với các văn bản pháp quy khác.

 

Sau khi nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu và nghị định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản sửa đổi được ban hành, nghị định về ODA đã góp phần hoàn thiện thêm hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng nói chung. Một nghị định khác về mua sắm công hiện đang được soạn thảo và theo nhận định của một chuyên gia về quản lý đầu tư, khi đó các quy định của Việt Nam trong lĩnh vực này mới thực sự đầy đủ và đáp ứng được các yêu cầu của thực tế cũng như các “chuẩn” của thế giới.

 

Mô hình mới cho các PMU

Sẽ vẫn cần có các ban quản lý dự án (PMU) để quản lý các dự án sử dụng vốn ODA, nhưng cách thức tổ chức hoạt động sẽ khác nhiều so với hiện nay. Sau vụ PMU 18, vấn đề tổ chức lại các PMU được đặt ra một cách gay gắt nhất khiến nhiều người có cảm giác rằng chính vụ việc này đóng vai trò là tác nhân làm thay đổi tình hình. Nhưng trên thực tế, những bất cập trong mô hình cũ đã được phát hiện từ trước đó nhiều năm và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tính đến việc phải sửa đổi các quy định từ cuối năm 2003.

 

Một thông tư hướng dẫn về việc thành lập ban quản lý dự án hiện đang được hoàn tất, trong đó quy định rằng ban quản lý dự án phải là một bộ phận của chủ đầu tư và chủ đầu tư phải chịu mọi trách nhiệm liên quan. Một cơ chế như vậy là cái mà trước nay vẫn chưa có và là nguyên nhân của những vụ việc như PMU 18.

 

Theo dự thảo thông tư, ban quản lý dự án nhất thiết phải là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của chủ dự án hay chủ đầu tư, được chủ dự án giao quản lý và thực hiện dự án với những quyền hạn và trách nhiệm cụ thể. Ban quản lý dự án phải được thành lập trên cơ sở quyết định của chủ dự án và hoạt động theo quy chế do chủ dự án ban hành.

 

“Nguyên tắc này nhằm gắn chặt trách nhiệm quản lý và thực hiện dự án giữa ban quản lý dự án và chủ dự án, tránh tình trạng chương trình dự án ODA không do chủ đầu tư đích thực quản lý và giám sát. Chủ dự án ra quyết định thành lập ban quản lý dự án và ban hành quy chế hoạt động cũng là để đề cao vai trò chủ dự án” - một chuyên gia về ODA nói.

 

Không chỉ vậy, khi có quyết định thành lập ban quản lý dự án và quy chế hoạt động, chủ dự án sẽ phải gửi các văn bản này về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số cơ quan liên quan. Ý nghĩa của việc này là, các bộ và cơ quan liên quan có cơ sở để kiểm tra và giám sát sự tuân thủ pháp luật của các ban quản lý dự án. Không như hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước về ODA, nhưng gần như không biết được những gì từng diễn ra tại PMU 18, vốn sử dụng nguồn vốn ODA cho các dự án của mình.

 

Chậm nhất đến cuối năm nay, các thông tư hướng dẫn cho nghị định này sẽ được ban hành và đây có thể sẽ là một nội dung rất quan trọng được báo cáo lên Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vào tháng 12.  

(Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Tin khác