Nhà nông và doanh nghiệp: chuyện về những mối lương duyên thất bại

28/11/2006

Nguyên nhân trực tiếp là việc chia sẻ lợi ích giữa nhà nông và doanh nghiệp không công bằng, làm nảy sinh mâu thuẫn và xung đột. Những đổ vỡ trong quan hệ hợp đồng kinh tế giữa nông dân và doanh nghiệp còn liên quan đến năng lực thực hiện hợp đồng và sự hiểu biết lẫn nhau của đôi bên. Đổ vỡ- do đâu?

Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và nhà nông lại nổ ra ở nhiều nơi và nhiều ngành đến như vậy. Từ chuyện người nuôi thuỷ sản ở ĐBSCL than phiền các doanh nghiệp thu mua cá tra, cá basa với giá thấp khiến người nuôi cá thiệt thòi; đến chuyện nông dân Vĩnh Phúc, Thái Bình trồng cây thanh hao hoa vàng nhưng khi thu hoạch thì không biết bán cho ai… Rồi chuyện người trồng dứa ở Thanh Hoá và Nghệ An để dứa biến thành… dưa vì các nhà máy trong vùng đã “bội thực” nguyên liệu. Trước đó, những người trồng mía ở vùng này cũng đã bức xúc vì giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL leo thang vùn vụt (lên tới 600.000-700.000đồng/tấn), trong khi nhà máy đường trên địa bàn lại nhất quyết không chịu điều chỉnh giá thu mua nguyên liệu…

Theo các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp và quan trọng nhất vẫn là việc chia sẻ lợi ích giữa nhà nông và doanh nghiệp không công bằng, làm nảy sinh mâu thuẫn và xung đột. Ngoài ra, những đổ vỡ trong quan hệ hợp đồng kinh tế giữa nông dân và doanh nghiệp cũng liên quan đến năng lực thực hiện hợp đồng và sự hiểu biết lẫn nhau của cả đôi bên. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) cho rằng: “Trước hết là hai phía phải xây dựng quan hệ làm ăn dựa trên chữ tín. Một quan hệ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chỉ thành công khi cả hai phía đều có lợi (win - win contract). Một quan hệ mà chỉ có một bên thắng, còn bên kia thua, rõ ràng là không thể bền vững, lâu dài được”.

Nếu xét trên góc độ văn hoá, sự xung đột trong quan hệ nông dân- doanh nghiệp còn có nguyên nhân là mâu thuần giữa hai tư duy làm ăn, một bên là tư tưởng “tiểu nông” sản xuất manh mún, tự do, một bên là tác phong làm việc chuyên nghiệp, với tư duy thị trường. Nếu lại bị chi phối bởi tư tưởng chụp giật, tầm nhìn “ngắn” thì quan hệ làm ăn càng có nguy cơ đổ vỡ cao. Những hạn chế về văn hoá ứng xử này đôi khi tồn tại cả ở hai phía.

Xây dựng quan hệ bền vững trên cơ sở luật pháp và qui luật thị trường

Ông Nguyễn Phượng Vĩ, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp cho rằng: “Trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nhà nông và doanh nghiệp đều rất cần nhau. Đây là mối quan hệ xương sống, đóng vai trò quyết định thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá phát triển. Để đảm bảo xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, điều mấu chốt chính là việc xử lý hài hoà lợi ích của cả hai phía trong quan hệ làm ăn”.

“Một quan hệ mà chỉ có một bên thắng, còn bên kia thua, rõ ràng là không thể bền vững, lâu dài được”

Trong việc xử lý mối quan hệ làm ăn giữa doanh nghiệp và nông dân cũng cần có một cái nhìn cân bằng. Xét một cách khách quan, do sản xuất và kinh doanh nông sản chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt là những diễn biến bất thường trên thị trường trong nước và thế giới, do vậy, chính bản thân các doanh nghiệp nhiều khi cũng rơi vào tình trạng bị động, khủng hoảng “đầu ra”. Hậu quả là họ không thể thực hiện được cam kết với nông dân. Trong những trường hợp như thế này, cần có sự thông cảm và cùng chia sẻ rủi ro.

Theo bà Hoàng Diệu Tuyết, Phó chủ tịch thường trực Hội nông dân Việt Nam, để hạn chế tối đa những rủi ro, phải bắt đầu từ khâu qui hoạch: “Chuyện mía đường đã làm nông dân nhiều nơi lao đao lắm rồi, nay lại thêm sự khủng hoảng của bao nhiêu vùng nguyên liệu khác! Theo tôi, trước hết công tác qui hoạch vùng nguyên liệu phải được tiến hành một cách khoa học. Giữa doanh nghiệp và nông dân phải thảo luận chi tiết quyền lợi và nghĩa vụ khi thiết lập quan hệ làm ăn với nhau. Khi đã có thoả thuận chắc chắn rồi thì phải chấp hành nghiêm, ai sai thì chịu phạt”.

Phòng ngừa từ xa

Hiện nay hệ thông pháp luật của nước ta đã qui định rất cụ thể cơ chế, trình tự giải quyết các tranh chấp phát sinh trong giao dịch kinh tế và thương mại. Riêng trong quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định 80 về thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng và củng cố mối liên kết 4 “nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Việc khuyến khích nông dân và doanh nghiệp ký hợp đồng (thay vì thoả thuận miệng) là một hình thức đảm báo các bên thực hiện đúng cam kết, hạn chế tối đa các trường hợp đáng tiếc xảy ra; đồng thời hợp đồng dưới hình thức văn bản cũng là một căn cứ rất quan trọng để giải quyết những tranh chấp phát sinh giữa đôi bên.

Nên khuyến khích nông dân và doanh nghiệp ký hợp đồng (thay vì thoả thuận miệng).

Theo ý kiến của luật sư Trần Hữu Huỳnh, để có một nền nông nghiệp phát triển lành mạnh, xây dựng quan hệ hài hoà bền vững giữa nhà nông và doanh nghiệp, trước hết phải bắt đầu từ những định hướng vĩ mô. “Trước tiên phải xác định cho được những lợi thế so sánh của nông nghiệp Việt Nam đặt trong bối cảnh phân cấp lao động quốc tế. Ngành nào, mặt hàng nào mà ta có thế mạnh thì tập trung đầu tư một cách bài bản, trong đó có cả việc thiết lập quan hệ hợp tác bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngược lại, ngành nào, mặt hàng nào mà ta ở thế yếu khi mở cửa thị trường thì kiên quyết từ bỏ. Như vậy mới tránh được những thiệt hại và đổ vỡ do tính toán sai”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Trên thực tế, rất nhiều chương trình, dự án đầu tư trong nông nghiệp (chủ yếu do chính quyền và các cơ quan nhà nước chủ trì) đã không tính toán được một cách tổng thể các thuận lợi và khó khăn, hiệu quả kinh tế và xã hội… cho nên khi đi vào thực hiện thì bị thất bại. Hậu quả là thiệt hại về vốn và uy tín của nhà nước, tai tiếng thì do những người đang điều hành các doanh nghiệp phải gánh chịu. Rất khó qui trách nhiệm cho những người xây dựng đề án và quyết dịnh chủ trương đầu tư vì trách nhiệm lúc đó đã được đổ cho… tập thể./.


Phạm Mạnh Hùng

Tin khác