Những đổi thay nhìn từ “người trong cuộc”

31/07/2009

AGROINFO – Sau ba năm thực hiện, dự án “Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo và quản trị địa phương” đã đạt được những thành tựu đáng kể. IPSARD xin trích dẫn ý kiến của những “người trong cuộc”…

Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng- mô hình xóa đói giảm nghèo và quản trị cộng đồng hiệu quả

Nguyễn Thị Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), đơn vị tài trợ dự án:

SRD có mục đích hoạt động là tập trung hỗ trợ các tỉnh miền núi, các cộng đồng nghèo. Phú thọ là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên chúng tôi chọn nơi đây làm địa bàn triển khai dự án. Hơn nữa, đây chính là sự tiếp nối chương trình ATM cây chè do CIDCE Việt Nam đã thực hiện những năm trước đây.

SRD vừa tiếp tục vừa xây dựng một chương trình đa dạng và có chiều sâu hơn. Dự án không chỉ xây dựng các câu lạc bộ ATM chè mà phát triển thành các câu lạc bộ sinh kế cộng đồng. Mục tiêu của của các câu lạc bộ này là nâng cao thu nhập, đa dạng nguồn thu nhập cho người dân và nâng cao lực quản trị cộng đồng ở địa phương cho họ. Qua đó phát huy dân chủ cơ sở và giúp bà con nông dân có thể mạnh dạn tự ra quyết định trong sản xuất và đời sống.

Sau 3 năm thưc hiện, dự án ở Phú Thọ đã đạt được những mục đích lớn: Xóa đói giảm nghèo; Nâng cao thu nhập và năng lực quản trị cộng đồng cho người dân địa phương. Đồng thời nhiều mục tiêu cụ thể đã được hiện rất hiệu quả.

SRD muốn hỗ trợ tiếp tục các câu lạc bộ, nhưng sẽ thay đổi định hướng tiếp cận. Các câu lạc bộ đã tự quản lý được, thì sẽ chú trọng hỗ trợ để nâng cao kỹ năng tiếp thị sản phẩm, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường. Điều này se giúp người nông dân sản xuất thu được những lợi ích lớn hơn từ thành quả lao động của mình. Đồng thời, chương trình sẽ tập trung hướng dân các câu lạc bộ phản triển các tổ chức cộng đồng, tự quản lý sinh kế và tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách.

Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

Trong suốt ba năm qua, chúng tôi đã nỗ lực làm rất nhiều việc: Tổ chức các cuộc tập huấn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi; Xây dựng 7 mô hình sản xuất: trồng và chăm sóc lúa; nuôi cá rô phi, trồng lạc, ươm chè giống, cải tạo chè xuống cấp, trồng mía tím, nuôi lợn nái sinh sản… Các mục tiêu đặt ra đều thực hiện được.

Nhưng thành công đáng phải kể đến nhất là đời đời sống của hội viên được nâng cao rõ rệt. Từ ngày thành lập, câu lạc bộ có 15 hội viên thuộc diện hộ nghèo của địa phương, nhưng đến nay chỉ còn 3 hộ. Sản phẩm làm ra có chất lượng cao hơn, giá bán ổn định hơn nên thu nhập của các hộ đều tăng lên rõ rệt. Riêng gia đinh tôi, với 3 lao động mỗi năm thu được gần 20 triệu tiền lãi từ sản xuất, chăn nuôi. Đời sống, chi tiêu ổn định và thoải mái hơn.

Câu lạc bộ của chúng tôi hiện chưa phổ cập khắp xã Võ Miếu, nhưng nếu mở rộng ra sẽ gặp khó khăn trong khâu tổ chức và việc tiền hỗ trợ bị chia nhỏ không phát huy được hiệu quả. Về tổ chức thì có thể khắc phục bằng cách chia nhỏ thành các tổ nhỏ để quản lý. Nhưng về vốn sản xuất và đầu ra ổn định cho một khối lượng sản phẩm lớn thì rất cần được sự hỗ trợ. Nếu khắc phục được những khó khăn thì đây sẽ là một mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở địa phương chúng tôi.

Ông Lê Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ, Trưởng ban quản lý dự án:

Thực tiễn ở Phú Thọ cho thấy đây là một mô hình khá hiệu quả, kinh phí thấp nhưng đạt được nhiều mục tiêu quan trọng. Đạt được kết quả này là nhờ mô hình triển khai ở cấp thôn xã, sự tác động, quản lý có hiệu lực nhanh chóng, triệt để. Kế hoạch hành động được xây dựng sát thực tế, có sự phối hợp chặt chẽ với nhiều hoạt động khác. Điều này đã khắc phục được hoàn toàn sự chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và nghành ở địa phương.

Hội viên tham gia có cơ hội để cải thiện được thu nhập gia đình. Thành công quan trọng nữa là xây dựng được quan hệ cộng đồng bền chặt. Các thành viên hỗ trợ lẫn nhau khi khó khăn, bằng nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.

Dự án mới chỉ được thực hiện trong gần 3 năm, nhưng một số câu lạc bộ đã làm tốt, cho thấy có thể nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là cần có sự đánh giá tổng kết để tìm ra mô hình hoàn chỉnh, thấy được cái nào là yếu tố quyết định thành công, cái nào là chưa ổn, cần khắc phục.

Đồng thời cũng cần hướng đến phát triển nguồn vốn hỗ trợ, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho người nông dân. Có như vậy mới có thể giúp họ mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Mai Xuân Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, huyện Thanh Ba

Trong 3 năm thực hiện, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho địa phương . Ưu điểm của mô hinh này là hội viên tham gia đông, đồng đều nên có hiệu quả thực tế cao. Mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực cho từng hộ gia đình nên có chiều hướng và triển vọng phát triển tốt.

Sau khi dự án hỗ trợ kết thúc, địa phương chúng tôi sẽ cố gắng duy trì tốt mô hình này. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ về kinh phí, tổ chức. Nhưng quan trọng nhất sẽ là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và kết hợp hoạt động của câu lạc bộ với các đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương.

AGROINFO


Tin khác