Xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh: Sau ba năm nhìn lại

03/09/2009

AGROINFO - Thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp – nông thôn, Hà Tĩnh đã triển khai mô hình “Nông thôn mới” và đã đạt được những kết quả khả quan trong vòng 3 năm đầu tiên…

Ngày 12 tháng 6 năm 2001, Ban Chấp hành Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số: 02/NQ-TU "về tiếp tục lãnh đạo Chương trình xóa đói, giảm nghèo giải quyết việc làm và tập trung xây dựng nông thôn mới"; sau năm 5 thực hiện, Tỉnh ủy đã tiến hành tổ chức sơ kết; UBND tỉnh đã có Quyết định công nhận 8 đơn vị đạt hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị về tiếp tục cuộc vận động xây dựng nông thôn mới gian đoạn 2 (2006 đến 2010).

Xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng nông thôn

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết; tình hình có những thay đổi, đặc biệt tháng 8 năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 26/NQ-TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020. Ban Chấp hành Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 08/NQ-TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2009 đến 2015 và định hướng đến năm 2020; Trong Nghị quyết và Kế hoạch của UBND tỉnh đã xác định xây dựng nông thôn mới là một trong 5 chương trình quan trọng; để có các giải pháp đồng bộ thực hiện chương trình, chúng ta cùng nhìn lại sau 3 năm thực hiện chương trình này.

Về phát triển kinh tế, trong nông nghiệp cơ cấu GDP giảm từ 42,5% xuống còn 37,9%. Tốc độ tăng trưởng năm 2008 đạt 3,6% cao hơn nhiều so bình quân 5 năm 2001 đến 2005; riêng 6 tháng sáu tháng đầu năm 2009, đạt 3,1%. Giá trị thu nhập trên diện tích canh tác và nuôi trồng thủy sản từ 22 triệu lên 40 triệu đồng/ha/năm; sản lượng lương thực đạt trên 50 vạn tấn; thu nhập bình quân đầu người từ 5,4 triệu tăng lên 8,8 triệu đồng/người. Giá trị chăn nuôi tăng từ 33% lên 39%; Công tác bảo vệ, phát triển rừng được tập trung chỉ đạo có hiệu quả. Giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản từ 18,65 triệu USD lên 32,5 triệu USD, tăng 74%.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội: bê tông hóa được 1.800 km, đưa tổng số đường giao thông nông thôn được bê tông hóa toàn tỉnh lên 3.924 km chiếm 52,9%. Trong làm giao thông hiện nay đã quan tâm đến quy mô và chất lượng phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương. Tổng kinh phí gần 888 tỷ đồng, trong đó giá trị phần nhân dân đóng góp gần 569 tỷ đồng chiếm 64%; ngân sách các cấp 319 tỷ đồng chiếm 36%. Về thủy lợi, công trình thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang đã khởi công xây dựng tiểu Dự án đầu mối; hợp phần bồi thường, tái định cư đang được đẩy nhanh tiến độ. Hồ Xuân Hoa hoàn thành, hồ chứa nước Sông trí đã gần hoàn thành. Công trình ngọt hóa sông Nghèn phần đầu mối cơ bản hoàn thành và đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hợp phần hệ thống kênh trục và cống Đức Xá để khởi công xây dựng vào năm 2010... Về kiên cố hóa kênh mương, trong 3 năm toàn tỉnh đã bê tông hóa được 244 km kênh mương các loại với tổng kinh phí đầu tư 71.865 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 52.191 triệu đồng chiếm tỷ lệ 72,6%, nâng tổng số km kênh mương được bê tông hóa lên 2.365 km. Dự án hiện đại hóa đê La Giang đã được Chính phủ cho phép đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.100% xã có điện lưới; 99,5% hộ gia đình dùng điện lưới quốc gia, hiện nay còn có 2 thôn chưa có điện lưới đó là thôn Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc và thôn Hương Giang, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang. Xây dựng mới 6 chợ đưa tổng số chợ nông thôn lên 158 chợ và đưa tổng số chợ ở Hà Tĩnh lên 171 chợ. Toàn tỉnh đã xây dựng kiên cố trên 70% phòng học đạt yêu cầu; tổng nguồn vốn huy động là 286 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 47 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 16 %. Về y tế, cùng với sự tham gia của người dân, các cơ sở khám chữa bệnh được tăng cường đầu tư nâng cấp bằng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 68%; 23% hộ gia đình có hố xí 2 ngăn hợp vệ sinh, nhiều xã có vệ sinh, môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Công tác văn hóa- xã hội đạt nhiều kết quả; công tác giáo dục quốc phòng cho đội ngũ cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân được tăng cường. Tập trung chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quết quả tốt; khiếu nại, tố cáo vượt cấp giảm cơ bản. Công tác xây dựng Đảng và cũng cố hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong đảng và đồng thuận trong nhân dân về các chủ trương của Đảng và Nhà nước; các phòng trào thi đua yêu nước đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Diện mạo mới của nông thôn Việt Nam đang hình thành

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta 3 năm qua đã đạt được một số kết quả, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, tổng đầu tư toàn xã hội trong 3 năm đạt 11.482 tỷ đồng, xã Tùng Ảnh- huyện Đức Thọ hoàn thành 33 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trước thời hạn 2 năm và có 3 xã đăng ký hoàn thành trước thời hạn 1 năm, đang đề nghị Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh thẩm định đó là: xã Trương Sơn, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ; xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Tuy vậy, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đó là phong trào xây dựng nông thôn mới nhìn chung có chiều hướng lắng xuống; nông nghiệp, nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng xa, vùng sâu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề chuyển đổi ruộng đất lần 2, tiến hành chậm, đến nay duy nhất chỉ được huyện Can Lộc hoàn thành cơ bản còn lại các huyện đang làm điểm; sau chuyển đổi vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chậm và thiếu vững chắc, đến nay cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao (trên 69%) và đào tạo đạt kết quả thấp. Kinh tế hàng hóa chậm phát triển, quy mô sản phẩm hàng hóa nhỏ lẽ, chất lượng hàng hóa chưa cao, phần lớn chưa có thương hiệu trên thị trường; chính sách kích cầu của Chính phủ nhiều địa phương chưa quan tâm tập trung chỉ đạo. Việc áp dụng các tiến bộ vào sản xuất đạt kết quả chưa cao. Các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp vắng các nhà đầu tư, làng nghề, ngành nghề nông thôn chưa có chính sách khuyến khích phát triển gặp nhiều khó khăn. Quy hoạch và xây dựng các khu, cụm chăn nuôi tập trung chưa được tập trung chỉ đạo. Vấn đề đưa cơ khí hóa vào trong các quá trình sản xuất chậm, chế biến sau thu hoạch chưa được đầu tư, sản phẩm của nông dân sản xuất ra, thị trường tiêu thụ khó khăn, thiếu ổn định. Kinh tế hợp tác xã lúng túng trong tổ chức sản xuất kinh doanh lựa chọn mô hình và hiệu quả không cao, kinh tế trang trại giá trị hàng hóa nhỏ. Văn hóa xã hội còn nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết. Công tác y tế KHHGĐ và trẻ em còn bộc lộ hiều hạn chế, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con thứ 3 trở lên còn ở mức cao. Công tác vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại. Vấn đề an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội còn nhiều vấn đề tiềm ẩn. Công tác quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều thiếu sót, tồn tại. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn từ Trung ương, các gói kích cầu tăng nhưng thiếu chính sách đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đội ngũ cán bộ cơ sở vừa yếu, vừa thiếu, thiếu nguồn kế cận; chính sách còn bất cập, đặc biệt là cán bộ nông nghiệp xã. Với sự quan tâm và đầu tư các nguồn lực như thời gian vừa qua thì đến năm 2010 và năm 2020 không thể đạt được mục tiêu của Nghị quyết đã ban hành.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành Chương trình quốc gia và Chính phủ ra Quyết định 491/QĐ-TTG ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới có 5 nội dung, trong đó gồm có 19 nhóm tiêu chí, so sánh với các tiêu chí của Chính phủ, về số lượng cơ bản giống nhau, yêu cầu về chất lượng cao hơn nhiều so với tiêu chí của tỉnh; ngoài ra, suy giảm kinh tế ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, lợi nhuận trong nông nghiệp thấp, rũi ro cao và mức huy động sức dân thấp hơn so với trước đây. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc để huy động mọi nguồn lực thực hiện thành công Nghị quyết 08/ NQ- TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và Chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng, cụ thể cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây: Tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết 08/NQ- TU và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh đến tận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch, xây dựng các đề án, chương trình; ưu tiên tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới để tìm các giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tập trung cao nhất cho quy hoạch sử dụng ruộng đất gắn với chuyển đổi ruộng đất lần 2, với quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ưu tiên các loại cây trồng vật nuôi phù hợp, phát triển kinh tế tổng hợp; khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện hình thành các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho kinh tế hàng hóa phát triển; cấp giấy quyền sử dụng đất lâu dài để người sản xuất yên tâm đầu tư và thực hiện các quyền theo luật. Đồng thời tiến hành lập các đề án về huy động các nguồn lực để làm giao thông, thủy lợi nội đồng phù hợp trong giai đoạn mới. Tiếp tục thực hiện tốt các gói kích cầu của Chính phủ, ưu tiên cho việc đưa máy cơ khí vào sản xuất.. Đưa cơ khí hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất và chú ý đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Mạnh dạn đưa các tiến bộ kỷ thuật mới vào sản xuất đặc biệt là giống mới; chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm và gắn với thị trường tiêu thụ. Tiến hành rà soát, quy hoạch khu trung tâm xã và các khu chức năng đảm bảo phát triển kinh tế xã hội toàn diện một xã nông thôn mới; chỉnh trang lại khu dân cư nông thôn theo hướng văn minh hiện đại, đồng thời giữ gìn được bản sắc văn hóa quê hương; chỉnh trang ngay trong từng thôn xóm, vườn từng gia đình vừa có hiệu quả kinh tế vườn vừa đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp. Tiếp tục kiên cố hóa nhà ở cho hộ nghèo và gia đình chính sách, phấn đấu hoàn thành vào năm 2010. Ưu tiên cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục... Các công trình xây dựng phải đảm bảo tiêu chuẩn bộ, ngành đã quy định, xây dựng phải đảm bảo tỉnh bền vững; phù hợp giai đoạn mới, tránh làm nhỏ lẽ, chắp vá, hiệu quả thấp. Tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; trong đó huy động nội lực của nhân dân làm chính, đồng thời biết khai thác các dự án đầu tư của nhà nước và quốc tế; huy động sức dân và quản lý các nguồn vốn huy động, các dự án phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch nhằm phát huy hiệu quả tối đa các nguồn lực đầu tư. Tập trung cao cho chất lượng giáo dục và xây dựng các cơ sở y tế hiện đại theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời huy động các nguồn lực để nâng cao được trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chỉ đạo kiên quyết để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, đưa tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi dưới 20%. Rà soát hoàn thiện các thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, hình thành và xây dựng các khu trung tâm văn hóa thể thao. Thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ cơ sở, các quy ước hương ước ở thôn xóm, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn nảy sinh ở cơ sở, không để đơn thư khiếu nại vượt cấp; đảm bảo an sinh xã hội. Đảm bảo ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội, chủ động phát hiện và xử lý những tiềm ẩn các vấn đề gây mất trật tự ổn định xã hội. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, quản lý giáo dục đối tượng và thực hiện tốt cuộc vận động cảm hóa tội phạm trong cộng đồng dân cư. Xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ về phẩm chất đạo đức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tiếp tục củng cố chỉnh quyền cấp xã, phường, thị trấn vững mạnh, bộ máy cấp xã phải đổi mới phong cách làm việc gần dân, tránh quan liêu, hành chính, xa dân. Ủy ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tổ chức các hoạt động có nội dung phương thức hoạt động phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực của nhân dân để xây dựng nông thôn mới thực sự có hiệu quả.

Lê Đình Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh


Tin khác