Nuôi ong – Nghề mới ở Đông La

12/08/2009

AGROINFO - Là một vùng quê ven đô, Đông La (Hoài Đức- Hà Nôi) đang trở mình trong cơn sốt đô thị hóa. Và người dân nơi đây đang tìm cho mình những nghề mới phù hợp với cảnh đất chật người đông...

Gia đình chị Nguyễn Thị Mùi có 6 thành viên, nhưng diện tích ruộng đất không còn đáng kể. Để đảm bảo cuộc sống, chị quyết định phát triển nghề nuôi ong. Hiện tại, thu nhập chủ yếu của cả hộ đến từ nuôi và kinh doanh ong và ong giống. Hiện tại gia đình chị nuôi khoảng 300 cầu ong, tức là khoảng 100 đàn, là hộ gia đình sở hữu đàn ong nuôi lớn nhất trong tổng số khoảng 20 hộ nuôi ong của thôn Đông Lao, xã Đông La.

Bà Nguyễn Thị Mùi: "Nghề nuôi ong giúp kinh tế gia đình tôi ổn định hơn"

Trước kia, các con trai chị sau khi học xong cấp 2 có ý định ra thành phố làm thuê, nhưng nhận thấy nuôi ong có thể đem lại thu nhập đủ cho cả gia đình, chị đã khuyên các con ở lại tham gia cùng 2 vợ chồng chị.

Trong nghề nuôi ong, thời tiết có 2 tác động lớn. Thứ nhất, ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa dùng để nuôi ong. Thứ hai, mưa có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sinh hoạt của đàn ong. Năm 2009, tình hình thời tiết có vẻ thuận lợi hơn, chị hy vọng sẽ cải thiện được thu nhập của gia đình. Hàng tuần, chị thường phải về quê tại Đại Thành, hoặc lên Yên Bái, Hải Dương thu mua hoa nhãn, hoa vải đem về nuôi ong. Nếu tính thêm cả chi phí gỗ thước xây tổ, cầu ong và thuốc bảo vệ ong, tổng chi phí trung bình một tháng cho đàn ong của chị lên tới 600-700 nghìn đồng.

Nghề nuôi ong đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình

Tuy nhiên, thu nhập đem lại từ nghề này cũng khá tốt. Đàn ong cho thu hoạch 2 lần/năm, mỗi lần gia đình chị thu về khoảng vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng từ sữa ong chúa, ong giống và mật ong. Uớc tính, năm 2009 thu nhập từ ong của gia đình chị cơ thể khá hơn mọi năm. Không chỉ vậy, gia đình chị còn tham gia cộng tác với công ty ong trung ương địa bàn tại tỉnh Hà Tây. Mỗi năm cung cấp cho công ty này 2-3 lần, mỗi lần vài trăm cầu ong giống.

Mật ong có giá trị kinh tế cao

Chị thấy các chính sách của Nhà nước, của chính quyền đến với bà con nông dân còn rất ít. Bà con vẫn phải tự trang trải cuộc sỗng và hưởng lợi rất ít từ các chính sách hỗ trợ; Ví dụ như chính sách hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất nông nghiệp rất khan hiếm và khó tiếp cận.

AGROINFO (Hồng Liên)


Tin khác