Dự báo thị trường “lởm”, nông dân mất tiền oan

19/07/2010

AGROINFO - Các mặt hàng nông sản thường được người dân bán ào ạt ngay sau khi thu hoạch và thường chịu mức giá thấp, đến khi giá lên lại hết hàng. Chung quy là do công tác dự báo thị trường quá kém.

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức về thiệt hại do công tác dự báo thị trường, nhưng nhìn vào biến động giá một số nhóm hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay cho thấy thiệt hại mà người nông dân gánh chịu không hề nhỏ.

Mất tiền tỷ như chơi

Trong những tháng đầu năm, giá hồ tiêu thu mua trong nước chỉ trên dưới 40.000 đồng một kg. Hiện ngành hồ tiêu cả nước đã xuất khẩu tới 72.000 tấn, nếu lấy tổng sản lượng vụ tiêu năm nay (90.000 tấn) thì từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 30.000 tấn, trong đó bao gồm cả những hợp đồng ký dài hạn từ trước. Điều đáng nói ở đây là giá tiêu xuất khẩu liên tục tăng đã khiến giá thu mua mặt hàng này trong nước cũng tăng vọt. Hiện giá tiêu đen tại nhiều vùng lên đến 80.000 đồng một kg, khiến không ít nông dân tiếc đứt ruột vì trong vòng 2 - 3 tháng, mỗi ký hồ tiêu mất đi 30.000 - 40.000 đồng. 

 
 Nông dân là người thiệt thỏi khi nghe theo dự báo thị trường sai về gia (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Tương tự với mặt hàng cà phê, ông Trần Viết Thuận, hộ dân trồng cà phê tại Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết, 5 tấn cà phê nhân ông thu hoạch từ cuối năm ngoái nếu bán ngay thì có thể được 27.000 đồng một kg. Tuy nhiên do chi phí sản xuất của vụ cà phê năm ngoái tăng nên mức này chưa có lãi, ông Thuận giữ đến tháng 6 năm nay để đợi giá lên, nhưng càng ngày giá càng sụt. Khi giá cà phê xuống mức 21.500 đồng, nhiều người trữ cà phê như ông đã phát hoảng vì lo ngại giá tiếp tục xuống. Nên ngay khi giá cà phê tăng trở lại mức 24.000 đồng một kg không ít người đã “chạy làng”. Đến khi lượng cà phê tồn trữ trong dân cạn dần, ngay lập tức giá lại vọt lên cao ngất ngưởng (30.000 đồng). “Chưa đầy một tháng trời mà mất đứt 30 triệu đồng do chênh lệch giá bán…”, ông Thuận tiếc rẻ.

Theo Bộ Công thương, giá xuất khẩu cà phê bình quân trong 6 tháng đầu năm ở mức gần 1.400 USD một tấn, nhưng từ cuối tháng 6 đến nay, mức giá luôn duy trì trên 1.700 USD. Như vậy mỗi tấn cà phê đã mất 300 USD, với gần 600.000 tấn cà phê xuất khẩu từ đầu năm đến nay, riêng mặt hàng này đã “ném tiền qua cửa sổ” gần 2 triệu USD (38 tỷ đồng). Đây cũng là thực trạng chung của rất nhiều mặt hàng nông sản hiện nay.

Khó dự đoán

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thừa nhận, việc dự đoán thị trường hiện nay là rất khó. Bởi một số loại mặt hàng nông sản có tính mùa vụ ngắn. Chẳng hạn như từ đầu năm, VFA dự đoán Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu hàng triệu tấn gạo do mất mùa, thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên chỉ ba tháng sau đó, nước này lại trúng mùa lớn. Không chỉ gạo mà các loại lương thực khác cũng bội thu, nước này tránh được phải nhập khẩu khiến giá lương thực trên thị trường thế giới giảm mạnh.

Còn theo phân tích của ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc công ty CP cà phê Việt Nam (Vinacaphe), kể từ khi gia nhập WTO ngày càng có mặt nhiều các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thu mua, chế biến nông sản trong số đó có cả những nhà đầu cơ với đủ chiêu thức điều khiển, lũng đoạn thị trường. Với lợi thế về tài chính, những doanh nghiệp ngoại rất dễ biến thị trường theo ý muốn của họ, “bài học từ diễn biến thị trường cà phê thời gian qua rất có thể tái diễn đối với những mặt hàng khác…”, ông Hoàng cảnh báo.

Ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, lý giải, hầu hết nông dân hiện nay không có vốn xoay vòng, nên mỗi khi bước vào vụ thu hoạch rộ phải ồ ạt bán ra. Giá đầu vụ lại thường xuống thấp, hiệp hội có kêu gọi hạn chế bán vì biết chắc giá tiêu sẽ còn tiếp tục lên. Nhưng đa phần người trồng đều trông ngóng đợi đến mùa, bán tiêu để lấy tiền trang trải các khoản đầu tư, các khoản vay… Muốn khắc phục điều này, theo ông Tụng nên hỗ trợ người nông dân trong những khoản vay ưu đãi để họ có điều kiện trữ hàng, điều phối lượng hàng bán ra để duy trì mức giá có lợi chung cho ngành. Nhưng không ít chuyên gia trong chính những ngành hàng này lại lo ngại, nếu mặt hàng nào cũng yêu cầu được nhà nước hỗ trợ vốn, mua tạm trữ… rất dễ vi phạm các điều khoản cam kết với WTO về vai trò bảo hộ của Nhà nước.


Phạm Khánh (Theo Báo Đất Việt)

Tin khác