Nông dân khát vốn - "Mồi ngon" của bọn tín dụng lừa đảo

25/08/2010

AGROINFO - Người thì cần ít tiền lo đám cưới cho con, người muốn sửa sang lại căn nhà, cần ít vốn mở rộng chăn nuôi, sản xuất, nghe truyền miệng nhau có một vài công ty cử cán bộ tín dụng đến tận xã, ấp, làm thủ tục cho vay vốn nhanh lẹ, lãi suất thấp (1,5%/tháng), thời hạn trả vốn đến 5 năm, mỗi hộ được vay từ 30 - 50 triệu đồng nên nhiều nông dân phấn khởi, mang “bằng khoán” nhà, đất thế chấp vay tiền.

 
Bà Đặng Thị Tư, vợ ông Bùi Văn Phải ở khu vực Thới Bình, phường Phước Thới là một trong những bị hại của bọn có mồi tín dụng lừa đảo đang khốn khó vì nhà cửa xiêu vẹo, tài sản bị chiếm đoạt.

 Đại diện các công ty này chỉ đưa cho mỗi hộ vài triệu đồng làm tin, rồi đưa bà con nông dân ra công chứng ký toàn bộ giấy tờ “ủy quyền”, “sang nhượng” tài sản theo ý đồ của chúng. Đến khi biết bị lừa thì hàng chục hộ dân lâm vào cảnh mất nhà, đất trị giá hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng. Thế nhưng không phải vụ việc nào cũng đủ cơ sở chứng cứ để cơ quan chức năng đưa ra xử lý theo pháp luật,...

LẬP CÔNG TY “MA” ĐỂ LỪA ĐẢO

Từ giữa năm 2009, lần theo đơn kêu cứu của phía bị hại và hành vi vi phạm pháp luật của bọn tín dụng lừa đảo, cơ quan chức năng của TP Cần Thơ đã vạch mặt và đưa ra xử lý một số băng nhóm. Trong phiên xử sơ thẩm ngày 30-6-2009, HĐXX- TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt bị cáo Chế Minh Trung (29 tuổi, Giám đốc DNTN Nguyên Trung, ở đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) 13 năm tù; Võ Hoa Tiên (26 tuổi, vợ Trung, ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) và Phạm Văn Út (25 tuổi, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) mỗi bị cáo 7 năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do có ý đồ lừa đảo nên từ cuối năm 2003, Chế Minh Trung thành lập hàng loạt doanh nghiệp: DNTN Nguyên Trung ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, do Trung làm giám đốc, với ngành nghề san lấp mặt bằng và kinh doanh vận tải; sau đó tiếp tục thành lập Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Hắc Long và DNTN Minh Long để cho vợ là Võ Hoa Tiên đứng tên chủ doanh nghiệp. Sau đó, Trung lợi dụng pháp nhân của các doanh nghiệp này để thực hiện hành vi lừa đảo. Trung tự khoe mình có khả năng chạy vay vốn ngân hàng với thời gian ngắn, lãi suất thấp, rồi móc nối một số “cò mồi”, trong đó có Phạm Văn Út (ngụ KV Bình Hưng, phường Phước Thới, quận Ô Môn) đi tiếp thị khắp các vùng nông thôn, tìm bà con cần vay vốn để chiêu dụ. Với thủ đoạn này, Trung đã chiếm đoạt được nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của nông dân ở quận Ô Môn và thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), đem đi cầm cố, lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Cũng với hành vi giả cho vay để lừa đảo, mới đây, ngày 5-8-2010, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Huỳnh Thanh Bình (28 tuổi, ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ); đồng thời khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với vợ Bình là Nguyễn Thị Huệ Trâm. Khi cơ quan điều tra khám xét nơi ở của đôi vợ chồng lừa đảo này đã thu được nhiều tài liệu, hóa đơn, chứng từ và hàng chục con dấu liên quan đến vụ án. Từ năm 2006 đến nay, vợ chồng Bình đã đứng ra thành lập 3 DNTN gồm: DNTN Huỳnh Phát, DNTN Bình Phát và DNTN Kim Ngân, đều đặt trụ sở tại quận Cái Răng, đăng ký kinh doanh lĩnh vực xăng dầu. Thực chất vợ chồng Bình lập doanh nghiệp để có danh nghĩa pháp nhân, dễ dàng lừa đảo. Với “mác” giám đốc doanh nghiệp, chủ công ty, cây xăng, vợ chồng Bình cho cò mồi tìm đến những nông dân ở các quận, huyện như: Ô Môn, Thới Lai, Cái Răng, Ninh Kiều và Phong Điền có đất đai, nhà cửa, cần ít vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc giải quyết việc riêng trong gia đình nhưng thiếu hiểu biết pháp luật, không rành và cũng không có thời gian làm thủ tục vay ngân hàng để dụ dỗ họ thế chấp GCNQSDĐ hoặc ủy quyền cho vợ chồng Bình, “để giúp” bà con được vay tiền nhanh, lãi suất thấp,... Ngoài việc lừa đảo nhiều nông dân đứng bảo lãnh tài sản, vợ chồng Bình còn chiếm đoạt luôn GCNQSDĐ của nhiều hộ rồi giả mạo chữ ký của họ, chuyển quyền sử dụng đất cho vợ chồng Bình đứng tên. Sau đó, vợ chồng Bình mang toàn bộ số GCNQSDĐ này đến các ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ để thế chấp vay tiền, với số lượng lớn. Cơ quan Cảnh sát điều tra bước đầu đã làm rõ Nguyễn Thị Huệ Trâm cùng chồng là Huỳnh Thanh Bình đã lừa đảo chiếm đoạt 11 GCNQSDĐ của bà con nông dân, đem thế chấp vay tiền tại 5 ngân hàng, với tổng số tiền gần 6 tỉ đồng.

ÔM NỢ VÌ “CÒ”

Lần theo địa chỉ trên những lá đơn kêu cứu, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Văn Phải (ở khu vực Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn), một trong nhiều bị hại của bọn tín dụng lừa đảo. Trong căn nhà lá xiêu vẹo, trống hoác, chỗ giường ngủ phải dùng mấy tấm ni lông che tạm, gương mặt ông Phải xanh xao, héo hắt, giọng buồn bã, ông kể, căn nhà này lẽ ra đã được sửa chữa bằng nguồn vốn vay ngân hàng, thế nhưng do không rành thủ tục xin vay vốn, ông Phải đã gặp và tin nhầm một tay “cò tín dụng” lừa đảo. Hậu quả, số tiền vay đâu không thấy, mà “sổ đỏ” của ông cũng theo “cò” bay mất. Thấy ông lắp bắp kể lại chuyện bị lừa, giọng nghẹn ngào uất ức, bà Đặng Thị Tư, vợ ông Phải tiếp lời: “Trước đây, khi đi vay ngân hàng, ổng không rành thủ tục, không biết lập phương án vay vốn cũng không biết cách điền hồ sơ, làm sai, bị ngân hàng từ chối. Đi lại nhiều lần tốn nhiều thời gian, công sức nhưng không có kết quả, ổng buồn lắm. Lúc này trong xóm có người mách cứ giao GCNQSDĐ cho ông Đỗ Văn Kỉnh, ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền (do bà Nguyễn Thị Thiết, ngụ cùng xóm giới thiệu), chi hoa hồng cho ổng thì mọi việc sẽ ổn thỏa. Những ngày cận Tết Nguyên đán năm 2010, nhà cửa lụp xụp, cũng cần tiền trang trải nhiều thứ nên tui đã giao GCNQSDĐ (diện tích 2.250m2 đất, trong đó có 300m2 đất thổ cư) cho “cò” tín dụng Đỗ Văn Kỉnh, để nhờ ổng lo giúp việc vay vốn”. Theo yêu cầu của ông Kỉnh, bà Tư giao GCNQSDĐ, giấy CMND và sổ hộ khẩu. Ông Kỉnh làm biên nhận đàng hoàng, hứa với vợ chồng ông Phải vài tuần có tiền vay nên ông bà cũng an tâm phần nào. Sau một thời gian chờ đợi không thấy tiền vay, vợ chồng ông Phải tìm đến hỏi thăm, ông Kỉnh bảo ráng đợi thêm vài tuần nữa vì ngân hàng đang kẹt vốn. Sau đó, ông Kỉnh cứ hẹn lần, hẹn lửa với nhiều lý do, cuối cùng thì bỏ trốn cùng toàn bộ giấy tờ đất đai và giấy tờ tùy thân của gia đình ông Phải.

Ông Hà Văn Bạo (ngụ khu vực Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn) cũng là nạn nhân của bọn cò mồi tín dụng lừa đảo. Cùng hoàn cảnh khó khăn như gia đình ông Phải, đầu năm 2010, gia đình ông Bạo đã nhờ ông Kỉnh làm thủ tục vay vốn ngân hàng, giao 1 GCNQSDĐ, 1 giấy CMND và 1 sổ hộ khẩu. Sau khi nhận giấy tờ, ông Kỉnh “chơi xộp” đưa trước cho ông Bạo 5 triệu đồng (có làm biên nhận) và hứa sẽ giải quyết hồ sơ vay cho ông Bạo sớm. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ông Kỉnh bỏ trốn. Bà Huỳnh Thị Mai, vợ ông Bạo, bức xúc nói: “Gần đây, có một người ở Cần Thơ tìm đến nhà tôi cho biết, GCNQSDĐ của gia đình tôi hiện đang cầm cố ở chỗ người đó, vay 30 triệu đồng. Người này cho biết, gia đình tôi muốn chuộc GCNQSDĐ thì phải trả số tiền 30 triệu đồng cộng với tiền lãi 5%/tháng. Trong khi gia đình đang hết sức khó khăn, làm sao kiếm đủ số tiền lớn như vậy để chuộc giấy về!”.

Theo ông Đào Văn Thắm, Công an khu vực Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn: “Thời gian qua, trong khu vực liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp nông dân bị đối tượng xấu giở thủ đoạn nhận làm thủ tục vay tiền ở ngân hàng để chiếm dụng GCNQSDĐ, nhiều người đã trình báo với địa phương như ông: Hồ Văn Bạo, Bùi Văn Phải, Cao Minh Khương,... Thủ đoạn của bọn chúng là lợi dụng nhu cầu vay vốn, sự hạn chế hiểu biết về pháp luật, về thủ tục vay vốn của bà con để lừa đảo. Đối tượng nhận GCNQSDĐ, một số giấy tờ tùy thân của đương sự, sau đó lừa bà con ra công chứng làm thủ tục ủy quyền, sang nhượng để chúng toàn quyền sử dụng tài sản đó. Nhiều GCNQSDĐ được chúng cầm cố, thế chấp với số tiền lớn để chiếm đoạt chi xài, trong khi phần lớn bà con bị lừa thuộc diện khó khăn, hiện nay lâm vào cảnh bế tắc, vợ chồng hục hặc, con cái mâu thuẫn, nợ nần chồng chất, rất tội nghiệp!”.

Không riêng các hộ dân ở phường Phước Thới, quận Ô Môn mà thời gian qua, nhiều hộ dân ở các xã: Trường Xuân, Trường Xuân B, Trường Xuân A của huyện Thới Lai cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Phạm Phi Hùng, Trưởng Công an xã Trường Xuân B, cho biết: “Năm 2008, Công an xã có nhận nhiều đơn của người dân khiếu nại với nội dung họ bị cò tín dụng dụ dỗ giao GCNQSDĐ và ủy quyền tài sản cho người của một công ty địa ốc nào đó ở Cần Thơ để giúp bà con nông dân được vay vốn với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn. Nhưng sau đó, bà con không nhận được vốn vay hoặc nhận được một ít tượng trưng, đổi lại bà con bị mất trắng tài sản. Sau khi tìm hiểu, bà con được biết, tài sản của mình đã bị bọn lừa đảo đem thế chấp ở ngân hàng, vay số tiền khá lớn”. Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm gặp “cò tín dụng” Lê Văn Phúc, ngụ ấp Trường Khương B. Ông Phúc thừa nhận: “Vào năm 2006, tôi có nhận 7 GCNQSDĐ của các hộ dân địa phương có nhu cầu vay vốn để giao lại cho ông N.T.T., giám đốc một công ty nuôi trồng thủy sản ở Cần Thơ làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Theo lời hứa của giám đốc T., nếu người dân vay được vốn thì tôi được hưởng hoa hồng 5%/tổng số tiền vay. Thật tình ban đầu, tôi không nghĩ mình đã tiếp tay cho các đối tượng xấu ra chiêu lừa đảo, gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bà con. Giờ tôi hối hận lắm!...”.

Ông Phạm Phi Hùng cho biết thêm: “Thông qua các cuộc họp tổ, nhóm, chúng tôi có lồng ghép tuyên truyền những trường hợp nông dân bị lừa đảo khi vay tiền thông qua cò mồi của các công ty không có chức năng cho vay để người dân có ý thức cảnh giác, đừng nhẹ da, cả tin mà rơi vào bẫy của bọn lừa đảo. Trường hợp người dân có nhu cầu thực hiện các hợp đồng giao dịch liên quan đến đất đai, nếu không rành thì phải hỏi cán bộ khu vực hoặc cán bộ phường để được tư vấn, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra...”.

Theo Thượng tá Lê Văn Lương, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Công an TP Cần Thơ, thủ đoạn lừa đảo bằng cách giả cho vay để chiếm dụng GCNQSDĐ của người dân là không mới, nhưng trên thực tế, số vụ xảy ra ngày một nhiều. Qua công tác điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt GCNQSDĐ của nhiều hộ nông dân, cho thấy bọn tội phạm chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về pháp luật, về thủ tục vay vốn, chúng nhận mình là “cò” chuyên lập thủ tục xin vay vốn, hưởng hoa hồng. Để tạo lòng tin, chúng đưa cho bị hại một ít tiền, ghi biên nhận, rồi yêu cầu bị hại làm thủ tục ủy quyền hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sau đó, đem GCNQSDĐ đi cầm cố hoặc vay vốn ngân hàng, để chiếm đoạt số tiền lớn. Nhóm thứ hai, là bọn lừa đảo chuyên nghiệp hơn, chúng thành lập các công ty, doanh nghiệp nhằm lấy danh nghĩa, tạo lòng tin cho người dân. Cũng với thủ đoạn giải quyết cho vay hoặc nhận làm hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt GCNQSDĐ của nông dân đem cầm cố, thậm chí sang nhượng, bọn lừa đảo thường móc nối qua trung gian nhiều người, nhất là người dân địa phương để tìm hiểu thông tin về các hộ và thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của bà con dễ dàng, trót lọt. Thượng tá Lê Văn Lương khuyến cáo: “Khi có nhu cầu vay vốn, bà con nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng để được hướng dẫn thủ tục cặn kẽ, không nên thông qua trung gian. Mặt khác, khi người dân có nhu cầu ủy quyền liên quan đến tài sản thì cần tìm hiểu kỹ các quyền lợi, nghĩa vụ của mình, tránh rơi vào bẫy của bọn lừa đảo”.

Thiết nghĩ, trước thực trạng nông dân khát vốn đang là “mồi ngon” của bọn lừa đảo, các ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ hơn nữa cho nông dân, nhất là trong thực hiện các thủ tục, lập phương án vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng cho nông dân có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, cơ quan công an cần phối hợp với các ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và sớm can thiệp, làm rõ đơn tố giác của bà con để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm bọn tội phạm để đánh động dư luận và răn đe bọn lừa đảo, góp phần ổn định cuộc sống và đảm bảo an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.


Phạm Khánh (Theo Báo Cần Thơ)

Tin khác