Bão số 3 làm 4 người chết, 20 người bị thương

25/08/2010

AGROINFO – Chiều tối qua (24/8), tâm bão số 3 đã đi vào địa phận các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến sáng nay (25/8), bão đã khiến 4 người chết, 20 người bị thương, 10 người mất tích và gây thiệt hại nhiều tỉ đồng.

Hoàn lưu vùng áp thấp tiếp tục gây mưa lớn

Chiều tối ngày 24/8, vùng tâm bão số 3 đã đi vào địa phận tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An. Do ảnh hưởng của bão ở Nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ đã có gió lớn, kèm theo mưa to đến rất to: tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) có gió cấp 6, giật cấp 9; đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13; Quỳnh Lưu (Nghệ An) gió mạnh cấp 7, giật cấp 12; thành phố Vinh có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; trạm Văn Lý (Nam Định) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Sau khi đi sâu vào vùng núi phía Tây tỉnh Nghệ An, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 04 giờ ngày 25/8, vị trí tâm vùng áp thấp ở trên khu vực biên giới Việt - Lào, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm vùng thấp áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thanh Hóa và Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.

 
         Bão hoành hành ở Hà Tĩnh (Ảnh: Dantri.com.vn)

4 người chết, 20 người bị thương do bão

Theo báo cáo của các tỉnh và của Bộ Tổng tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến sáng 25/8, bão số 3 đã khiến 4 người chết, trong đó Nghệ An có 01 cháu nhỏ 9 tuổi bị chết đuối; Quảng Bình 02 người và Hà Tĩnh 01 người chưa rõ danh tính.

Bão cũng khiến 20 người bị thương (Nghệ An: 05, Hà Tĩnh: 01, Quảng Trị: 03, Thừa Thiên Huế 11). Hiện 10 người thuộc tàu cá của Đà Nẵng (ĐNa 61408 TS) vẫn mất tích.

Bão số 3 cũng gây thiệt hại nặng về tài sản. Theo thống kê, bão số 3 làm 24 nhà sập, tốc mái: 4.112 nhà; nhấn chìm 15 tàu và làm hư hỏng 11 tàu.

Bão cũng khiến 24.960ha lúa bị đổ, ngập; 7.327ha hoa màu hư hỏng; 306ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Về giao thông, tại Quảng Bình, bão làm đường 12 (xã Dân Hóa) sạt lở 10.000m3 đất đá làm tắc đường; quốc lộ 15 bị sạt lở taluy. Tại Thừa Thiên - Huế, sạt lở nền đường sắt tại Km692+750 thuộc thị xã Hương Thủy; dài 11m, rộng 3,4m; sâu 1,4m, hiện đã được khắc phục.

Sẵn sàng đối phó với các tình huống tiếp mưa lũ tiếp theo

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các tỉnh tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người bị nạn, tổ chức giúp dân sửa chữa nhà cửa; Khắc phục nhanh các sự cố và thiệt hại về điện, viễn thông, thu dọn cây gẫy đổ, giải toả ách tắc giao thông; Bơm tiêu úng sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Tiếp tục chỉ đạo việc tìm kiếm tàu cá số hiệu ĐNa 61408 TS (trên tàu có 10 lao động) và cứu hộ tàu vận tải số hiệu TH 0364/03 lao động, trọng tải 300 tấn, công suất 135CV.

Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng đối phó với các tình huống mưa lũ tiếp theo; Kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ và khu 4 cũ; Chủ động triển khai việc sơ tán dân ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; kiểm soát các bến đò ngang ...

Đặc biệt, do có mưa lớn, các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã xuất hiện lũ; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế đã đạt đỉnh và đang xuống, đỉnh lũ ở mức báo động I và báo động II; Các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang lên nhưng còn ở mức bình thường. Vì vậy, các tỉnh cần triển khai công tác phòng chống lũ theo cấp báo động, đặc biệt đối với các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình


Phạm Khánh (Theo Báo ĐT ĐCSVN)

Tin khác