Khủng hoảng kinh tế - Lực cản lớn trước những nỗ lực chống đói nghèo

25/08/2010

AGROINFO – Vào thời điểm hiện tại, chỉ còn hơn 5 năm để đi tới đích gần nhất trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng trên thế giới. 2/3 chặng đường đã vượt qua song dường như các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), do Liên hợp quốc đưa ra năm 2000, lại phần nào bị xói mòn do các lực cản từ các cuộc khủng hoảng, trong đó đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tháng 9/2000, các nhà lãnh đạo trái đất đã tụ họp tại New York, thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ, trong đó dự báo quá trình thực hiện 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ lớn trong giai đoạn 2000-2015. Đó là giảm một nửa tỷ lệ người nghèo, đảm bảo phổ cập giáo dục tiểu học cho mọi người, tăng cường bình đẳng giới, giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em, đấu tranh chống các bệnh dịch như HIV/AIDS và bệnh lao, đảm bảo một môi trường bền vững và tạo ra tinh thần đoàn kết, hợp tác toàn cầu.

 
Hội nghị về các MDGs của Liên hợp quốc dự kiến vào tháng 9 tới đây hứa hẹn đưa ra một lộ trình hành động hiệu quả trong thời hạn 5 năm cuối cùng (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất do Liên hợp quốc công bố hồi cuối tháng 6 cho thấy một bảng tổng kết khiêm tốn về 10 năm đầu của quá trình thực hiện 8 mục tiêu này, trong đó đặc biệt là: các cam kết chính trị không được giữ vững, việc huy động các nguồn lực không tương xứng và một hiệu ứng tiêu cực của cuộc khủng hoảng thế giới. Theo báo cáo, tình trạng chênh lệch, bất bình đẳng vẫn chưa chấm dứt. Các em bé gái sống trong gia đình nghèo có ít hơn tới 3,5 lần cơ hội được đến trường so với các em gái giàu và ít hơn 4 lần cơ hội so với các bé trai. Thêm vào đó, tình trạng bất ổn lương thực lại ngày càng gia tăng do cuộc khủng hoảng kinh tế. Hiện tượng gia tăng bất ngờ giá ngũ cốc vào năm 2008 sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2009 đã tác động nặng nề tới các hộ gia đình nghèo, vốn luôn là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Hơn nữa, chỉ trong vòng 10 năm, thế giới đã mất 13 triệu hécta rừng, giảm 3 triệu so với thập kỷ trước. 20 năm qua, hoạt động của con người cũng đã khiến lượng khí thải CO2 tăng 50% trong giai đoạn 1991-2007.

Các mục tiêu đầy tham vọng vốn sẽ phải đạt được vào năm 2015 liệu có thể được hoàn thành trong bối cảnh khủng hoảng?

Các thiệt hại bắt nguồn từ khủng hoảng

Không thể phủ nhận rằng các cuộc khủng hoảng kinh tế, lương thực và khí hậu đã gây tác động tiêu cực không nhỏ tới những thành tựu trong quá trình nỗ lực thực hiện các MDGs của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó đặc biệt là những nước nghèo.

Theo đánh giá, các quốc gia đang phát triển luôn luôn nỗ lực không mệt mỏi trên con đường để đạt tới MDG đầu tiên, giảm một nửa, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, tỷ lệ đói nghèo so với mức của năm 1990, tương ứng là 42%. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008 và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã trở thành bước cản trở nặng nề và thậm chí còn làm gia tăng nạn đói trong những nước này. Cho tới thời điểm hiện tại, khả năng đạt được mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ người nghèo đói tới năm 2015 so với mức của năm 1990 là rất nhỏ bởi hiện đang có tới hơn 1 tỷ người phải tiếp tục chiến đấu để giành lấy nguồn lương thực cần thiết để duy trì sự sống. Thêm vào đó, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ mang thai cũng đang có những hệ quả khôn lường, ví dụ như tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai hiện đang ở mức hơn 20%.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn từ năm 2009 tới cuối năm 2015, khoảng 1,2 triệu trường hợp tử vong sẽ có thể được ghi nhận ở trẻ em dưới 5 tuổi do các nguyên nhân liên quan tới khủng hoảng. Tuy nhiên, các hệ quả này cũng sẽ có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu các quốc gia đang phát triển không tiến hành các cải cách về chính sách cũng như các nước và các thể chế tài chính quốc tế không thực hiện các hành động mạnh mẽ để chống lại các hệ quả của khủng hoảng.

Mới đây, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cũng đưa ra nhận định điều kiện thời tiết toàn cầu diễn biến bất thường: hạn hán kéo dài ở châu Âu, lũ lụt lớn tại châu Á khiến sản lượng lương thực năm nay giảm mạnh. Sản lượng lúa mì ở các nước sản xuất lúa mì hàng đầu châu Âu như Pháp và Ðức, đều giảm mạnh. Tại châu Âu, hạn hán và nắng nóng làm khô héo những cánh đồng ngũ cốc và cháy rừng tràn lan; những khu dân cư và đất trồng trọt ở Trung Quốc, Pakistan, Ấn Ðộ, Mỹ thì bị lũ lụt nhấn chìm hàng loạt; giá lạnh lại hoành hành tại Nam Mỹ... đều có thể đẩy giá ngũ cốc tăng cao trên thị trường thế giới. Tháng 7 vừa qua, giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đã tăng 42%, mức tăng trong tháng cao nhất trong vòng hơn 50 năm qua. Hội đồng Ngũ cốc quốc tế dự đoán, sản lượng ngũ cốc của Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba trên thế giới, sẽ giảm 19% trong năm nay do hạn hán triền miên và nắng nóng. Tháng 7, giá gạo thế giới cũng tăng thêm 9%.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng vừa phát động chiến dịch cứu trợ về y tế lớn nhất trong lịch sử tổ chức này ở AfghanistanPakistan.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới cũng đẩy hàng triệu người tại khắp các quốc gia rơi vào cảnh không có việc làm, trong đó đối tượng bị tác động nặng nề nhất lại là các lao động nữ. Rất nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển, đều đã và đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao cũng như các bất ổn xã hội ngày càng nghiêm trọng. Thương mại thế giới sụt giảm và vòng đàm phán Doha vẫn chưa tìm thấy kết quả cuối cùng khả quan khiến cho bối cảnh phục hồi đã bước đầu ghi nhận song vẫn còn tương đối gian nan.

Cuộc khủng hoảng là thử thách để toàn thế giới nêu cao quyết tấm

Tất cả chúng ta đều biết các cuộc khủng hoảng kinh tế, lương thực và khí hậu đặt ra đầy rẫy những khó khăn đối với cả các quốc gia nghèo, đang phát triển cho tới những nước phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với tất cả và dù có nghiêm trọng và tàn khốc song các cuộc khủng hoảng cũng không thể phủ mờ mọi cố gắng của nhân loại trong tiến trình thực hiện các mục tiêu cao cả này.

Bên cạnh những mất mát không thể phủ nhận thì thế giới cũng chứng kiến nhiều thành tựu đáng kể. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố cách đây 4 tháng cho thấy hầu hết các quốc gia đang phát triển đều đạt được những tiến bộ quan trọng trong quá trình thực hiện các MDGs. Theo Chỉ số phát triển hàng năm được WB đưa ra thì trong số 87 quốc gia có thể thu thập dữ liệu, có 49 nước có thể đạt được mục tiêu giảm phân nửa số người sống dưới mức nghèo (với dưới 1 USD mỗi ngày) vào năm 2015.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy vào năm 2007, có tới 7 trong số 10 trẻ em sống tại các quốc gia đang phát triển đã được phổ cập giáo dục. 30 quốc gia đã đạt được hay hầu như đạt được mục tiêu giảm bớt tỉ lệ tử vong ở trẻ em. Lần đầu tiên con số tử vong vì những nguyên nhân liên quan đến bệnh AIDS cũng đã sụt giảm.

Cũng theo tổ chức tài chính này, trong năm tài khóa 2010 (kết thúc ngày 30/6 vừa qua), WB (gồm 187 quốc gia thành viên) đã dành một số tiền viện trợ lớn "chưa từng thấy," lên tới 72,2 tỷ USD, chủ yếu cho các nước đang phát triển. Các cam kết viện trợ của WB trong năm tài khóa 2010, bao gồm các khoản cho vay, tài trợ, đầu tư cổ phiếu và bảo lãnh, đã tăng 23% so với năm tài khóa trước. WB cho biết họ đã hỗ trợ cho 875 dự án để "đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân." Cả ba ngân hàng trực thuộc WB - tổ chức tài chính có trụ sở ở Washington - đã tăng viện trợ lên mức kỷ lục.

Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD), chuyên hỗ trợ vốn cho các hoạt động quản lý rủi ro tài chính và các dịch vụ tài chính khác, đã đạt mức kỷ lục 44,2 tỷ USD, tăng 34% so với năm trước.

Cam kết viện trợ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - phụ trách cung cấp các khoản vay không tính lãi và tài trợ cho 79 nước nghèo nhất thế giới, cũng tăng lên mức kỷ lục mới là 14,5 tỷ USD.

Vì vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế, lương thực và khí hậu, một mặt gây ra những trở ngại không nhỏ cản trở các cố gắng của thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo song nếu nhìn nhận một cách lạc quan thì đây lại được xem là thử thách để thế giới nêu cao tinh thần, quyết tâm hành động đẩy lùi mọi bất ổn trong xã hội. 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cho tới thời điểm này được xem là những mục tiêu tham vọng và có ý nghĩa nhất mà thế giới đặt ra nhằm hướng tới việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp nhất trên trái đất. Chặng đường 10 năm thực hiện với đầy đủ khó khăn và thành tựu đã đưa lại cho chúng ta không ít bài học bổ ích. Dấu mốc 2015 chưa phải là cái đích cuối cùng mà nhân loại hướng tới song là một dấu mốc quan trọng, đòi hỏi tinh thần đoàn kết, nỗ lực không mệt mỏi của mọi quốc gia, mọi người dân trên thế giới./.

 


Phạm Khánh (Theo Báo ĐT ĐCSVN)

Tin khác