Nuôi cá giỏi nhờ học hành bài bản

14/03/2011

Được học nghề nuôi trồng thuỷ sản bài bản, 35 nông dân huyện Bát Xát, Lào Cai đã biết cách nuôi cá hiệu quả. Từ những ao cá bội thu, họ đã có thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động khác trong huyện.

Nổi bật trong số 35 nông dân này là anh Đỗ Văn Nhuệ, 47 tuổi (đội 8, xã Cốc San). Bỏ cách nghĩ, cách làm đơn giản về nuôi cá là “cứ thả, cá sẽ lớn”, anh Nhuệ đã đầu tư nuôi theo một quy trình chuẩn và đạt lợi nhuận cao. Không chỉ làm ở gia đình, anh còn tận tình hướng dẫn nhiều bà con khác cùng làm ăn.
Cuộc “cách mạng” trong nghề nuôi cá
Anh Nhuệ tham gia lớp học nghề nuôi trồng thuỷ sản từ năm 2008. Ông Phạm Văn Thuân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân, tâm sự: “Tuy là xã miền núi nhưng Cốc San lại có diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn rất lớn. Việc hướng cho đồng bào dân tộc nơi đây nuôi con gì, trồng cây gì để đem lại hiệu quả kinh tế cao là một bài toán không hề đơn giản”.
Từ những trăn trở như vậy, Hội Nông dân Lào Cai đã mạnh dạn đứng ra mở lớp dạy nghề chăn nuôi thuỷ sản cho 35 nông dân xã Cốc San. Với những kiến thức đã học, nhiều nông dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua sắm trang thiết bị, biến ruộng thành ao nuôi cá theo một dây chuyền khép kín… tạo nên một cuộc “cách mạng” trong nuôi cá ở Bát Xát.
Anh Đỗ Văn Nhuệ tâm sự: “Không phải khi Hội Nông dân mở lớp dạy nghề nuôi trồng thuỷ sản gia đình tôi mới đầu tư nuôi cá. Cho đến thời điểm này gia đình tôi đã nuôi được hơn chục năm. Nhưng chỉ từ khi tham gia học nghề, được tư vấn về xây dựng ao hồ, cách chăn nuôi thì nuôi cá mới trở thành nghề chính của gia đình chúng tôi”. Sau khi được học bài bản về nuôi thủy sản, gia đình anh Nhuệ đã vay tiền ngân hàng cải tạo lại ao hồ, mua thêm máy móc theo dây chuyền nuôi cá công nghiệp của Trung Quốc.
Chỉ sau 1 năm, không những trả hết nợ cho ngân hàng mà gia đình anh Nhuệ đã tích được vốn để mở rộng diện tích nuôi cá. “Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi cá trên 1,7ha ao. Tất cả diện tích này đều nuôi chép thịt. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, tôi thu về gần 200 triệu đồng. So với nuôi cá theo cách cũ thì nuôi cá theo cách mới đúng là một cuộc cách mạng”- anh Nhuệ phấn khởi.
Tạo việc làm, thu nhập cao
Học nghề không những giúp gia đình anh Nhuệ thoát nghèo, trở nên giàu có mà còn giúp gia đình anh tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong huyện với thu nhập 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Văn Nguyên (xã Tòng Sanh, Bát Xát), nhân công đang làm việc trong trang trại nuôi cá của anh Nhuệ, tâm sự: “Tranh thủ thời gian nông nhàn, tôi vào làm việc tại gia đình anh Nhuệ. Với mức lương 2,5 triệu đồng/ tháng, gia đình tôi đã có thêm kinh phí trang trải sinh hoạt”.
Cùng làm việc với anh Nhuệ, anh Đỗ Văn Biển (xã Tân Sơn, Bát Xát) chia sẻ: “Gia đình tôi cũng đang nuôi cá chép nhưng ở quy mô nhỏ. Đi làm tại trại cá của anh Nhuệ không những giúp gia đình có thêm thu nhập mà còn giúp cho tôi có thêm kinh nghiệm và kiến thức để áp dụng cho ao cá của gia đình”.
Điểm đáng quý nữa là gia đình anh Nhuệ còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong chọn giống, cách thức nuôi cho các gia đình mới bắt đầu nuôi cá. “Sắp tới gia đình sẽ thầu thêm diện tích mặt nước để nuôi một số loại cá có giá trị kinh tế cao. Hy vọng Hội Nông dân sẽ có thêm nhiều lớp dạy nghề nuôi thủy sản để quá trình sản xuất của bà con đạt hiệu quả cao hơn nữa” - anh Nhuệ cho biết.
Năm 2010, anh Đỗ Văn Nhuệ vinh dự được UBND tỉnh Lào Cai, Hội Nông dân tỉnh trao tặng Bằng khen Nông dân sản xuất giỏi.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Tin khác