Cần hoàn thiện khung pháp lý về cây trồng biến đổi gen

14/03/2011

Trước biến động của thị trường lương thực, thực phẩm thế giới, việc đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp tối ưu để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc canh tác cây trồng biến đổi gen hiện mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Ông Hùng cho biết:

Chương trình Công nghệ sinh học (CNSH) nông nghiệp quốc gia tầm nhìn đến năm 2020 đặt ra mục tiêu đưa diện tích trồng các giống cây mới bằng kỹ thuật CNSH chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng các giống cây biến đổi gen chiếm 30-50%.
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện đúng quy trình triển khai cây trồng biến đổi gen. Trước hết là khảo nghiệm trên diện tích hẹp, tiêu biểu nhất là khảo nghiệm ngô đã được Hội đồng An toàn sinh học của ngành nông nghiệp và PTNT đánh giá tốt, kết quả khảo nghiệm này sẽ là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép 2 công ty khảo nghiệm trên diện rộng trong năm nay. Nếu việc khảo nghiệm này thành công, đem lại kết quả tốt, chúng tôi sẽ kiến nghị với Hội đồng An toàn sinh học quốc gia cho phép đưa vào sản xuất, tất nhiên với điều kiện bảo đảm an toàn.
Nhiều quốc gia trên thế giới trồng cây biến đổi gen thành công, vậy chúng ta có thể làm theo quy trình của họ không, thưa ông?
Đương nhiên chúng ta sẽ tuân thủ theo thông lệ quốc tế, vì hầu hết các nước trước khi trồng cây biến đổi gen đều đưa vào khảo nghiệm, và quy trình mà chúng ta đang làm hiện nay là quy trình mà thế giới chấp nhận. Các giống đang khảo nghiệm ở Việt Nam cũng là những giống đã được trồng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc qua có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên cũng có những tác động khác nhau. Vì thế chúng ta vẫn phải nghiên cứu, đánh giá về độ an toàn đa dạng sinh học đối với môi trường.
Với điều kiện khí hậu ở nước ta, theo ông, cây trồng biến đổi gen có ưu điểm và nhược điểm gì so với cây trồng truyền thống?
Ưu điểm nổi trội ở cây trồng biến đổi gen là qua khảo nghiệm chúng có khả năng chống lại sâu đục thân, đặc biệt đối với các giống ngô, sâu đục thân gây tác hại rất lớn đến năng suất, chất lượng. ưu điểm thứ hai là cây biến đổi gen có khả năng chống chịu thuốc diệt cỏ, kết hợp 2 tính trạng ấy với nhau, chúng ta vừa giảm chi phí đầu vào, vừa tăng năng suất.
Vậy theo ông cái khó nhất của việc ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học biến đổi gen trong nông nghiệp là gì?
Hiện cái khó nhất là phải hoàn thành khung pháp lý. Để có thể đưa giống mới, công nghệ mới vào trồng thì phải có khung pháp lý rõ ràng như quy định về khảo nghiệm đánh giá an toàn đa dạng sinh học môi trường, an toàn đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền cho người dân, đội ngũ cán bộ, tránh tâm lý e ngại khi ứng dụng cây trồng biến đổi gen. Về mặt khoa học, nếu làm theo quy trình an toàn sinh học như hiện nay sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Hoa Kỳ vừa ban hành những quy định về sử dụng thực phẩm biến đổi gen, vậy trong tương lai, chúng ta có quy định về vấn đề này không, thưa ông?
Tôi không dám chắc rằng chúng ta có cho phép sử dụng thực phẩm này hay không, nhưng cá nhân tôi nghĩ, một lúc nào đó Việt Nam sẽ cho phép. Hiện chúng ta đang nhập khẩu ngô, đậu tương từ Hoa Kỳ mà không ai dám chắc các sản phẩm này có phải là thực phẩm biến đổi gen hay không. Vì thế trong xu hướng thương mại hóa hiện nay, khó mà kiểm soát nổi hoàn toàn nguồn gốc các loại thực phẩm.
Theo ông, đến năm 2012, chúng ta có thể đưa ngô biến đổi gen vào trồng rộng rãi?
Năm 2010, chúng ta đã trồng thử nghiệm ngô biến đổi gen ở Văn Giang (Hưng Yên), Long Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cho kết quả khả quan. Theo dự định, đến tháng 4 chúng ta sẽ đưa giống ngô này vào trồng thử (khoảng 1ha), sau đó tổ chức hội đồng khảo nghiệm, đánh giá, nếu không có vấn đề gì về an toàn đa dạng sinh học thì có thể kiến nghị để đưa ra đồng ruộng, sớm nhất là năm 2012.
Xin chân thành cảm ơn ông!

AGROINFO - Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/3/27460.html


Tin khác