Mô hình tổ hợp tác và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch: Hướng mở cho diêm dân Nghệ An

18/10/2011

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Nghệ An đã phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Diễn Châu thực hiện thành công mô hình "Tổ hợp tác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch" tại Hợp tác xã Vạn Nam, xã Diễn Vạn.

Đây là mô hình được thực hiện trong 3 năm (2011 - 2013) nhằm thay đổi tập quán canh tác, sản xuất muối của bà con từ cá thể sang tổ hợp tác theo nhóm hộ sản xuất, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho việc quy hoạch, kiến thiết đồng ruộng, tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp các đồng muối hiện có.
Mô hình này triển khai trong điều kiện không mấy thuận lợi. Đó là nghề làm muối đang đứng trước nguy cơ mai một do giá muối thấp, quá trình sản xuất vất vả nên diêm dân không còn mặn mà. Chỉ tính riêng huyện Diễn Châu, hiện đang có gần 30/200ha đất làm muối bị bỏ hoang.
Mặc dù dự toán mô hình được giao quá chậm so với thời vụ sản xuất nhưng nhờ sự quan tâm của cấp ủy xã Diễn Vạn, đặc biệt là Ban chủ nhiệm HTX Vạn Nam nên bước đầu mô hình đã thu được những thành công nhất định. Theo đó, cán bộ khuyến ngư đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho diêm dân và thành lập được 1 tổ hợp tác với 25 thành viên, xây dựng mô hình sản xuất muối sạch với 500m2 sân kết tinh muối; 25 nhăng đựng nước; 50 chạt lọc; 50 thùng lắng lọc, 25 ô nề được trải 500m2 bạt HDPE dày 0,5mm, đạt 100% kế hoạch. Quá trình thực hiện cho thấy, năng suất muối đạt 60 tấn/ha, lượng muối phơi trên sân ô bạt tăng 13-15% so với ô cũ.
Anh Hoàng Ngọc Biên, Chủ nhiệm HTX Vạn Nam, cũng là người đầu tiên ứng dụng kỹ thuật mới trong sản muối sạch cho biết, kỹ thuật làm muối mới của mô hình thực sự mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với kỹ thuật làm muối truyền thống. Đặc biệt, qua thời gian tổ chức sản xuất, theo dõi chặt chẽ cho thấy, năng suất muối của ô kết tinh trải bạt cao gấp 1,5 lần so với ô kết tinh không trải bạt. Việc sản xuất theo mô hình tổ hợp tác đã làm thay đổi tập quán canh tác, phát huy được tính cộng đồng của diêm dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là bảo vệ được ô kết tinh sau khi đã được trải bạt. Khi chuyển vị trí chạt lọc ra giữa sân, diêm dân không phải dùng xe cút kít để chở cát, nền sân phơi cát có độ xốp cao, tăng mao mạch dẫn nước, độ bốc hơi cao nên độ mặn nước lọc cao hơn, giảm cường độ lao động tới 45- 50%.
Tuy nhiên, mô hình vẫn tồn tại những hạn chế nhất định do chi phí trải bạt cao, trong khi diêm dân khó tiếp cận được với các nguồn vốn từ ngân hàng do không có tín chấp. Bên cạnh đó, do sản lượng muối làm ra chưa nhiều, chưa tiếp cận được với thị trường nên giá bán sản phẩm muối sạch vẫn ngang bằng với muối thường.
Để mô hình thực sự mang lại hiệu quả cao, thiết nghĩ các cấp chính quyền, ban ngành cần có những chính sách hỗ trợ về lãi suất, điều chỉnh chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ mới theo mức phần trăm giá trị đầu tư trang thiết bị công nghệ để theo kịp mức tăng giá cả hiện nay và nhất là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/10/30749.html


Tin khác