An toàn vệ sinh thực phẩm: Luật đã vào cuộc sống?

18/10/2011

Sau 3 tháng Luật An toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực, tình trạng vi phạm VSATTP vẫn diễn ra khá phổ biến, còn văn bản hướng dẫn thực thi Luật không biết phải chờ đến bao giờ?

Lạm dụng hóa chất
Một trong những vấn đề nổi cộm trong ngành nông nghiệp chính là tình trạng lạm dụng hóa chất trong sản xuất cũng như bảo quản thịt, hoa quả. Vừa qua, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã phát hiện hóa chất Ethephon hay còn gọi là "thúc chín tố" đang bị lạm dụng để bảo quản thịt tại Thanh Hóa và một số địa phương khác. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, đây là loại hóa chất không màu, không mùi, có nguồn gốc phốt pho giúp điều hòa sinh trưởng thực vật. Tuy nhiên, chất này nếu dính vào mắt sẽ gây kích ứng, xót mắt, đỏ mắt; còn nếu tiếp xúc trực tiếp với da sẽ gây sưng tấy.
Không chỉ trong chế biến, bảo quản, việc lạm dụng hóc môn kích thích tăng trưởng vẫn diễn ra khá phổ biến ở mọi quy trình sản xuất, mặc dù đây là những chất đã bị cấm sử dụng do có thể gây rối loạn chức năng tim, phổi. Cụ thể, chất Clenbuterol vẫn được người chăn nuôi sử dụng trên gia cầm với mục đích kích thích gà, vịt đẻ 2 trứng/ngày; sử dụng trên heo, giúp tăng trọng nhanh.
Về hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay, việc quản lý chất lượng các loại rau củ, trái cây và thuốc bảo vệ thực vật rất khó khăn, nhất là ở khu vực biên giới. Kết quả phân tích 118 mẫu rau, củ nhập khẩu từ 36 nước theo các con đường khác nhau cho thấy, 18 mẫu có tồn dư hóa chất. Rất may tất cả đều dưới ngưỡng cho phép. Tình trạng buôn bán thuốc giả, kém chất lượng vẫn khá phổ biến, nhất là tại các cửa khẩu, vùng biên giới. Hàng năm, Cục Bảo vệ thực vật chỉ tiến hành được 500 - 600 đợt thanh, kiểm tra, một con số quá khiêm tốn so với số lượng hơn 28.700 cửa hàng thuốc BVTV trên địa bàn cả nước. 
Trong tháng 9, Cục Thú y đã tiến hành đánh giá phân loại đối với 10 cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu. Kết quả cho thấy, 70% số cơ sở được đánh giá vẫn còn lỗi vi phạm. Trong đó, chỉ có 3 cơ sở đạt loại A (tốt), 6 cơ sở đạt loại B (đạt nhưng vẫn còn vi phạm) và 1 cơ sở đạt loại C (vi phạm nặng).
Vì lợi nhuận, người người bất chấp các khuyến cáo của cơ quan chức năng, sản xuất nhiều mặt hàng không đảm bảo vệ sinh.
Do thiếu hướng dẫn?
Điều đáng nói là, mặc dù các quy chế, tiêu chuẩn về quản lý VSATTP gần như hoàn tất nhưng ngành chức vẫn chưa tìm ra điểm mấu chốt để tập trung giải quyết.
Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, tính đến nay, mới có các tỉnh Hà Giang, An Giang, Bình Dương, Bình Phước và Bến Tre phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư số 14 đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn. Một số chi cục thú y đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do đến thời điểm này Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh vẫn chưa có văn bản phân công đơn vị chủ trì thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, phân loại.
Hiện vẫn còn 7 tỉnh, thành phố chưa thành lập được chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản là Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Nam và TP. Hồ Chí Minh, do đó, chưa phân cấp được nhiệm vụ rõ ràng trong hoạt động quản lý chất lượng nông sản.
Vấn đề đáng quan tâm khác là mặc dù Luật An toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực đã 3 tháng nay, song theo dự kiến, phải hết tháng 10, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT mới hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Có thể nói, với tình trạng chậm trễ trong khâu hướng dẫn như hiện nay, việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn nông sản vẫn là một thách thức lớn. Do đó, thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, phải kiên quyết xử lý những đối tượng, cơ sở vi phạm, truy xuất đến cùng vùng sản xuất bẩn. Mặc dù quá trình xử lý chắc chắn sẽ gặp phản ứng từ nhiều phía song vẫn phải làm bởi VSATTP liên quan đến sức khỏe hàng triệu dân.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/10/30685.html


Tin khác