Quản lý sinh vật ngoại lai: Còn lúng túng

18/10/2011

Mất đa dạng sinh học đã và đang là mối lo chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe doạ nguy hiểm nhất. Hàng năm, Nhà nước dành một khoản kinh phí lớn cho các hoạt động diệt trừ chúng, tuy nhiên quản lý sao cho hiệu quả vẫn là vấn đề còn phải bàn.

Rùa tai đỏ bị bắt tại tịnh xá Ngọc Liên, phường 2 (Bạc Liêu-Bạc Liêu).
Trong những năm qua, bằng nhiều con đường khác nhau, nhiều loài sinh vật ngoại lai đã có mặt ở Việt Nam, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, môi trường và sức khỏe con người như ốc bươu vàng, chuột hamster… và gần đây nhất là rùa tai đỏ, gây mất cân bằng sinh thái, đe dọa đến các loài sinh vật bản địa.
Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào môi trường sống mới bằng nhiều cách. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như gió, dòng biển, bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo, một cách vô tình hay hữu ý, các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác, thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Việc kiểm soát sự du nhập của chúng rất khó, đặc biệt là đối với các trường hợp du nhập vô thức. Các loài này có thể trà trộn trong hàng hoá, sống trong nước, bám vào các phương tiện vận tải như tàu thuyền và nhờ đó được mang đến môi trường sống mới. Bên cạnh đó, có nhiều loài được du nhập có chủ ý nhằm mục đích phục vụ sự phát triển kinh tế, giải trí, khoa học, nhưng do không được kiểm tra, kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa quên trường hợp chuột hải ly (Myocastor coypus) được nhập vào Việt Nam trong những năm cuối của thế kỷ XX do loài này có thể cung cấp thịt để ăn, da và lông để xuất khẩu. Tuy nhiên, sau một thời gian được nhập khẩu vào Việt Nam, các nhà khoa học nhận thấy đây là loài sinh vật cực kỳ nguy hiểm. Chúng thuộc loài gặm nhấm, phát triển nhanh, có nguy cơ cạnh tranh thức ăn với các loài khác, phá hủy các công trình, đê điều... Mặc dù chuột hải ly đã bị tiêu huỷ toàn bộ vào năm 2002 nhưng "dư chấn" của nó vẫn là một bài học.
Bài học lớn nhất có lẽ là ốc bươu vàng. Đây là vấn nạn làm đau đầu các nhà quản lý và gây hoang mang trong người dân. Hằng năm, nhà nước và người dân phải bỏ ra nhiều trăm triệu đồng cho công tác tiêu diệt ốc bươu vàng nhưng hiệu quả chỉ như muối bỏ bể.
Gần 20 năm nay, kể từ ngày được nhập khẩu vào Việt Nam, ốc bươu vàng (Pomacea sp.) sinh sôi nảy nở liên tục, từ ĐBSCL cho đến các tỉnh miền Trung và miền Bắc, phá hoại nghiêm trọng lúa và hoa màu của các địa phương, ốc bươu vàng đã trở thành "ác mộng" của bà con nông dân nhiều địa phương.
Cứ vào khoảng tháng 8 hàng năm, người dân huyện U Minh (Cà Mau) lại lo ngay ngáy vì sợ nạn ốc vàng tràn lan gây mất mùa. Hay ở Phước Thuận (Bà Rịa - Vũng Tàu), năm nay bà con đã tiêu tốn cả trăm triệu đồng mua thuốc diệt ốc trên hơn 500ha lúa nhưng vẫn bất lực. Ốc vẫn từng ngày sinh sôi nảy nở, khiến lúa và hoa màu chết hàng loạt.
Nặng nề hơn là Lâm Đồng, tại các vùng lúa trọng điểm ở huyện Đạ Huoai, Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương và Đạ Tẻh, ốc bươu vàng phát triển nhanh với mật số 50 con/m2 trên diện tích gần 3.500ha trong tổng số 14.056ha lúa hè thu của tỉnh, trong đó trên 964ha bị nhiễm nặng.
Cuộc di cư nhanh chưa từng có của ốc bươu vàng cũng khiến lúa mùa nhiều địa phương huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), Nam Định, Thái Bình... điêu đứng. Theo thống kê, xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) có 25ha lúa vụ mùa thì cả 25ha đều xuất hiện ốc bươu vàng với mật độ dày. Chỉ sau một đêm, chúng đã cắn nát 2 - 3 sào lúa. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hậu Lộc, ốc bươu vàng phát triển rất mạnh ở các chân ruộng vùng sâu, vùng trũng hay các mương nước với mật độ 80-100 con/m2, có nơi lên tới 150 con/m2. Tại Hậu Lộc, ước tính có khoảng 2.900/5.925ha lúa vừa bị ngập úng, vừa bị ốc bươu vàng phá hoại, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
 
Thầm lặng nhưng không kém phần nguy hiểm là cây mai dương (Mimosa pigra). Chúng là loài thực vật ngoại lai có nguồn gốc từ Trung Mỹ (nên còn có tên là móc mèo Mỹ hay trinh nữ), du nhập vào Việt Nam qua tàu, bè, gió... Loài này được ghi nhận lần đầu tiên ở ĐBSCL vào khoảng năm 1979 và đến nay, cây mai dương đã xuất hiện ở khắp cả nước. Nơi nào mai dương mọc thì không cây nào có thể cạnh tranh nổi, trừ vài loài cỏ lá nhọn rất dễ cháy vào mùa khô. Ở nhiều nơi như Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Cát Tiên (Lâm Đồng) hay hồ Trị An (Đồng Nai), loài cây này đang xâm lấn nhanh và chiếm lĩnh dần các thảm thực vật tự nhiên, đe dọa sự sống của các loài chim...
Cách đây hơn 3 năm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, lập đề án nghiên cứu và xử lý cây mai dương. Trên thực tế, tại Đông Nam Bộ, nhiều tỉnh đã có những phương án áp dụng để tiêu diệt như nuôi dê để ăn cây mai dương. Song, kết quả thu được là không khả quan. Có nơi trồng cây tràm nước để diệt mai dương, nhưng tràm nước cũng là cây ngoại lai, tác dụng diệt cây mai dương thì ít mà gây tác hại xấu đến những thực vật khác thì nhiều nên dự án phải ngừng lại. Cũng có đề tài nghiên cứu dùng cây mai dương làm nguyên liệu trồng nấm ở xã Suối Nho, huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Thực tế, đề tài này đã được Vườn Quốc gia Tràm Chim áp dụng nhưng hiệu quả không cao bởi chi phí rất lớn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong đa dạng sinh học, trong đó quy định xử phạt về loài xâm hại ngoại lai.
Theo Tổng cục Môi trường, do chưa có những quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm trong kiểm soát, ngăn ngừa loài ngoại lai xâm hại, nên đã xảy ra tình trạng nhiều loài ngoại lai xâm hại đã được nhập khẩu hoặc du nhập bằng các con đường khác nhau, gây nên những tổn thất lớn về kinh tế và đa dạng sinh học. Xuất phát từ hậu quả nghiêm trọng đặc biệt đối với xã hội của sinh vật ngoại lai, dự thảo Nghị định quy định mức xử phạt từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng với hành vi nhập khẩu ngoại lai xâm hại đã biết thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng đề án kiểm soát sinh vật ngoại lai với mục tiêu từ nay đến năm 2020 diệt trừ 50% loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm hiện có ở Việt Nam.
Trong khi những bài học đắt giá trên vẫn còn nóng hổi thì Việt Nam lại xuất hiện một sinh vật ngoại lai nguy hiểm khác, đó là rùa tai đỏ. Được sếp vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới, thế mà rùa tai đỏ đã tràn vào Việt Nam một cách dễ dàng và nhanh chóng xuất hiện phổ biến ở các ao hồ, sông, kênh rạch. Mức độ sinh sản của chúng rất lớn, chỉ trong vòng một vài tháng đã có thể nhân nuôi từ một vài con thành một quần thể. Chương trình bảo tồn rùa châu Á cảnh báo, đây là loài rùa xâm hại đến sự sống của các sinh vật khác, làm tổn hại môi trường. Trường hợp rùa tai đỏ bủa vây cụ rùa Hồ Gươm là một minh chứng không thể phủ nhận.
Theo các nhà khoa học, các loài sinh vật xâm hại môi trường sống rất đa dạng nhưng có thể gộp chung thành 4 nhóm: Nhóm cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi sống...; nhóm ăn thịt các loài khác; nhóm phá huỷ hoặc làm thoái hoá môi trường sống; nhóm truyền bệnh và ký sinh trùng.
Hiện, Việt Nam có đến 40 - 60 loài cá và thủy sinh ngoại lai, tính cả cá cảnh và tảo thì có thể đến hơn 100 loài. Riêng sinh vật ngoại lai xâm nhập rừng cũng chia làm 5 nhóm nhỏ, gồm: Nhóm cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi sống dẫn tới làm suy giảm đa dạng sinh học (cây bìm bôi, cỏ lách, cỏ tranh, chít...); lai giống với các loài bản địa dẫn đến suy giảm nguồn gen (sắn dây rừng, rau dền gai, xấu hổ..); ăn thịt các loài khác dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học (sâu róm thông, xén tóc châu Á); phá hủy hoặc làm thoái hóa môi trường sống (vi sinh vật hại rừng, ong ăn lá thông, rệp sáp) và truyền bệnh, ký sinh trùng (nấm gây mục gỗ, bệnh cháy lá bạch đàn, bệnh loét thân...).
TS. Nguyễn Kiêm Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường nước (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho biết, sinh vật ngoại lai xâm nhập bằng nhiều con đường, chính ngạch, tiểu ngạch hoặc tự nhập nên khó kiểm soát. Chúng gây ra hoạt động chèn ép các loài bản địa và trở thành loài tối ưu. Ở một số loài có khả năng thụ tinh chéo, chúng còn làm rối loạn hệ thống gen các loài sinh vật bản địa…
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/10/30753.html


Tin khác