Gỡ khó cho cá tra xuất khẩu

24/04/2012

Giá cá tra nguyên liệu liên tục biến động theo chiều giảm, hiện đứng ở mức từ 23.000 - 25.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất trong nhiều tháng qua và với mức giá trên, người nuôi cá cầm chắc lỗ. Thế nhưng, nghịch lý khác là các khoản chi phí đầu vào tăng và tăng liên tục. Đây chính là thách thức lớn, nếu không nhanh chóng tìm biện pháp tháo gỡ, chắc chắn nghề nuôi và chế biến cá tra ở khu vực ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng sẽ còn gặp khó...

Khó khăn luôn chực chờ bủa vây người nuôi cá tra xuất khẩu
Khó khăn chồng chất
Từ đầu năm đến nay, giá cá nguyên liệu trên địa bàn tỉnh An Giang biến động theo chiều hướng xấu. Nhưng thức ăn cá thì luôn đứng ở mức giá cao (tăng 16% - 30% so với cùng kỳ năm trước) khiến người nuôi hết sức lo lắng. Không chỉ vậy, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng rất khó khi nợ đọng từ nhiều năm trước vẫn còn, việc phát vay mới rất thấp, tài sản thế chấp không còn và các tổ chức tín dụng vẫn còn tâm lý dè dặt tín dụng với nghề nuôi và chế biến cá tra. Trong điều kiện hiện nay, muốn đầu tư một héc-ta nuôi cá tra phải có từ 5 - 10 tỉ đồng, nhưng thực tế các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay, người nuôi không đủ điều kiện thế chấp nên dẫn đến tình trạng không có vốn để tái sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân chính tác động đến việc khó mở rộng diện tích “chuỗi liên kết” trong sản xuất sản phẩm cá tra xuất khẩu. Đây cũng là điều khiến diện tích nuôi cá tra luôn đi theo chiều hướng giảm.
Bên cạnh, giá cả các mặt hàng đầu vào khác, như: điện, xăng, dầu... đều tăng, cộng với lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao nên lợi nhuận của người nuôi vẫn còn thấp. Toàn tỉnh An Giang có 17 doanh nghiệp kinh doanh thủy sản, với 21 nhà máy chế biến, tổng công suất 150.000 tấn, khả năng tự cung ứng nguyên liệu khoảng 50% - 60% nhu cầu chế biến. Hầu hết những doanh nghiệp này đều thả cá giống phân kỳ theo kế hoạch sản xuất, nhưng so với diện tích nuôi thì vùng nuôi của doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, diện tích nuôi cá tra hiện nay ước khoảng 950 héc-ta (không kể diện tích sản xuất con giống), bằng 95% so với năm 2011, khoảng 2.230 lồng - bè đang nuôi cá (tăng 2%), với 115 bè nuôi cá ba sa (tăng hơn 10%). Đồng chí Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: Tổng sản lượng thu hoạch trong 3 tháng đầu năm 2012 ước đạt 77.000 tấn, bằng 85% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng vùng nuôi khoảng 330 héc-ta, chỉ chiếm 34,7% diện tích và dự kiến chiếm khoảng 61% sản lượng toàn tỉnh. Hiện, giá cá tra kích cỡ cá tra thịt trắng từ 0,8g - 1kg có giá từ 25.000- 25.300đồng/kg, cá tra thịt hồng 24.500 - 24.800đồng/kg, cá tra thịt vàng 23.800 - 24.000đồng/kg. Với mức giá vừa nêu, người nuôi chỉ phá huề đến lỗ.
Nuôi, chế biến gặp khó chưa thể giải quyết thấu đáo thì một vấn đề khác gây bất cập cho con cá tra xuất khẩu Việt Nam nói riêng, An Giang nói chung là thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp. Mỹ được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng nhưng các thuế suất vẫn đang mức rất cao. Việc hạ thuế chống bán phá giá bằng phán quyết DOC về chống bán phá giá cá tra của Việt Nam chỉ một số ít doanh nghiệp được hưởng, đa phần đều bị áp mức từ 53- 63%. Theo nhận định của các chuyên gia, mức thuế này đã giảm đi tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi đó, các thị trường triển vọng khác như khu vực Bắc Phi, Trung Đông đang gặp tình hình chính trị bất ổn nên nhu cầu nhập khẩu rất hạn chế.
Lực bất tòng tâm?
Tại An Giang, cả người nuôi lẫn doanh nghiệp thủy sản rất khát vốn tín dụng nhằm tiếp tục duy trì, phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Thế nhưng, số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang lại cho thấy, hai tháng đầu năm 2012, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại, nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với người nuôi cá tra xuất khẩu trên 2.000 tỉ đồng, doanh nghiệp chế biến trên 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn phát vay trên đều áp dụng mức trần lãi suất cho vay trước khi Ngân hàng Nhà nước cho hạ trần lãi suất cho vay nên việc có hay không hạ trần lãi suất, nguồn vốn vay ưu đãi... thì cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đều “lực bất tòng tâm” khi tiếp cận.
Lý giải vấn đề này, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA), thừa nhận: Hiện việc tiếp cận vốn vay tín dụng của cả doanh nghiệp chế biến thủy sản lẫn người nuôi cá tra là có, nhưng không nhiều và mức lãi khá cao. Đối tượng mà các ngân hàng tiếp tục cho vay là các khách hàng lâu năm, chủ yếu là đáo hạn. Còn mức lãi suất thấp như thông tin từ phía ngân hàng và các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua hầu như không có khách hàng nào là người chăn nuôi cá tra có thể tiếp cận do nhu cầu vay, đáo hạn đã bắt đầu từ đầu vụ nuôi, đầu năm 2012.
Ông Trần Văn Phích, một nông dân theo nghề cá tra nhiều năm huyện Phú Tân (An Giang) bày tỏ: “Khi nghe thông tin hạ lãi suất cho vay, chúng tôi rất mừng. Nhưng làm sao tiếp cận nguồn vay là vấn đề khác khi nợ cũ của nhiều năm thua lỗ chưa thể thanh toán hết; tài sản phần lớn đều trong ngân hàng, các yêu cầu trong việc phát vay vốn cho nghề nuôi cá tra khá khó khăn nên dẫu lãi suất cho vay có xuống cỡ nào, chúng tôi cũng chẳng thể nào tiếp cận”.
Nhu cầu vay vốn trong sản xuất, chăn nuôi, nhất là trong nghề cá tra xuất khẩu luôn là nhu cầu chính đáng. Thế nhưng, cạnh đó, nợ xấu, nợ quá hạn vẫn còn nhiều, các doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng nguồn vốn, nhất là nguồn vốn lưu động chưa hiệu quả, tràn lan làm cho nhu cầu vốn càng thêm bức bối. Đối với người nuôi cá, hiện hầu như tất cả nguồn tài sản đều đã thế chấp để vay vốn nên ngân hàng cũng không thể hỗ trợ vay dẫu có muốn. Mặt khác, dẫu hiện nay, một số doanh nghiệp và người nuôi ký kết hợp đồng liên kết trong thu mua cá nhưng nếu xét kỹ hầu như tính ràng buộc rất thấp, khi biến động giá cả doanh nghiệp lẫn người nuôi phá hợp đồng rất nhiều. Do vậy, nếu lấy các hợp đồng liên kết tiêu thụ cá tra như hiện nay để xét vay, các tổ chức tín dụng chẳng thể áp dụng do tính rủi ro quá cao.
Gỡ khó cho con cá tra xuất khẩu, các ngành hữu quan cần sớm rà soát lại quy hoạch vùng nuôi, tạo quỹ đất 50 - 100 héc-ta giao cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư vùng nuôi tập trung sẽ đảm bảo tốt chất lượng, nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu, vừa thuận lợi xử lý môi trường và truy xuất nguồn gốc phù hợp với yêu cầu thị trường. Đặc biệt, ngành chức năng tăng cường kiểm soát phát triển nhà máy chế biến và kiên quyết không cho phép đầu tư mới, mở rộng nhà máy chế biến ngoài quy hoạch, đảm bảo cân đối năng lực chế biến và xây dựng vùng nguyên liệu. Tiếp tục phát triển thủy sản đủ nguyên liệu phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu, nhưng khuyến khích các doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu để tránh tình trạng thiếu - thừa trong chế biến.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là việc các ngành chức năng cần nhanh chóng xúc tiến mở rộng hơn nữa các thị trường truyền thống mà cá tra Việt Nam đã đứng vững nhiều năm qua; mở rộng cả thị trường mới theo chiều sâu. Các ngành hữu quan cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để phát huy hiệu quả việc xây dựng thông tin và hình ảnh về cá tra Việt Nam theo hướng chất lượng. Và đặc biệt cần có khung pháp lý ràng buộc, chế tài xử phạt nghiêm khắc các doanh nghiệp lẫn người nuôi không tuân theo tiêu chuẩn quốc tế về chăn nuôi, chế biến xuất khẩu an toàn nhằm từng bước khẳng định thương hiệu chất lượng của cá tra xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác