Nông dân trồng mía đang ngồi trên đống lửa

04/05/2012

Đi dọc đường Hồ Chí Minh vào những ngày này nắng như nung, 2 bên đường những cánh đồng mía cháy khô, nhiều bãi mía đã được chặt chất đống, có những nơi mía chất đống cả tháng trời. Nhìn những cánh đồng mía đang bị nắng nóng thiêu đốt từng ngày dần biến thành củi, khiến người nông dân nơi đây đứng ngồi không yên.

Theo dự kiến của Công ty CP Mía đường Lam Sơn (MĐLS) thì chậm nhất là hết tháng 4, Công ty sẽ thu mua hết mía nguyên liệu cho bà con nông dân. Thế nhưng đã bước sang tháng 5, nhiều cánh đồng mía trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gồm các xã Xuân Lam, Xuân Thắng (huyện Thọ Xuân), Kiên Thọ, Nguyệt Ấn, Minh Tiến, Minh Sơn (huyện Ngọc Lặc)… mía vẫn còn trắng đồng, người dân thấp thỏm lo âu, vì không biết đến ngày nào mía nhà mình sẽ được thu hoạch xong.
Anh Phạm Văn Tuấn, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc bức xúc: “Nhà tôi trồng được hơn 2ha mía, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa thấy thu mua, không chặt thì để mía trổ cờ hết, còn chặt mà cứ chất đống thế này cũng chết. Thu hoạch chậm như thế này thì không biết sắp tới gặp nắng nóng như thế này, liệu mầm mía có lên được hay không, bà con ở đây ai cũng lo lắng”.
Dẫn chúng tôi đi xem ruộng mía nhà mình đã chặt đến gần 1 tháng đang chất đống, chị Lê Thị Thuận ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) chua chát: “Mía nằm phơi nắng như thế này chỉ cần 1 tuần đã héo khô, vậy mà những đống mía này đã chất đống nằm phơi nắng cả tháng nay. Tình hình hiện nay chỉ có đem mía về mà làm củi đun chứ nhập cho nhà máy thì còn gì mà nhập”.
Mía chất đống dưới tiết trời nóng như thiêu đốt.
Ông Trương Minh Đạt, Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc cho biết: “Toàn xã có 620ha mía nguyên liệu, hiện địa phương mới thu hoạch được khoảng 400ha. Như mọi năm thì đến thời điểm này, diện tích mía của xã đã thu hoạch xong, mía non đang trong thời kỳ bón phân, làm cỏ. Còn năm nay, mía thu hoạch chậm thì ai cũng biết nguyên nhân, chúng tôi cũng chỉ biết động viên nhân dân, đề nghị nhà máy đẩy nhanh tiến độ thu mua và có chính sách hỗ trợ cho bà con nhân dân”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Nhi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ngọc Lặc cho hay: “Ngọc Lặc là vùng nguyên liệu mía lớn nhất của Công ty cổ phần MĐLS với diện tích gần 5.000ha, hiện nhà máy mới thu mua được hơn 60% diện tích, còn diện tích còn lại nhà máy vẫn đang thu mua cầm chừng, đa phần mía đã chín và đồng loạt trổ cờ. Việc thu mua chậm không chỉ ảnh hưởng đến trữ lượng đường, năng suất mía của bà con mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch mùa vụ, vì thế người dân sẽ thiệt hại rất lớn”.
Theo thông tin từ Nhà máy Đường Lam Sơn, thì đến thời điểm này Nhà máy đã thu mua được trên 800.000 tấn mía. Hiện, vẫn còn khoảng 200.000 tấn mía nguyên liệu chưa được thu hoạch và phải đến hết tháng 5, mới thu mua hết mía của bà con nông dân. Số mía còn lại tập trung chủ yếu ở huyện Ngọc Lặc với trên 100 nghìn tấn mía chưa được thu mua.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng chậm thu mua mía cho người dân, ông Phạm Văn Chinh, Chủ tịch Công đoàn, Công ty CP Mía đường Lam Sơn cho biết: “Từ tháng 4/2011, Công ty tiến hành nâng cấp mở rộng dây chuyền 2. Nên từ đầu vụ ép đến nay chỉ mình dây chuyền thứ nhất vận hành với công suất 2.500 tấn/ngày, dẫn đến lượng mía ép không kịp khiến việc thu mua chậm lại. Dự kiến đến hết tháng 5, những diện tích mía còn lại sẽ được thu hoạch xong”.
Người dân lo lắng về diện tích mía chưa được thu hoạch.
Trước những bức xúc và kiến nghị của người nông dân, cũng như chính quyền các địa phương, Công ty đã lên tiếng hỗ trợ cho bà con nông dân, tại thời điểm này, Công ty không tính trữ lượng đường và mua ngang với giá 1.050.000 đồng/tấn. Đồng thời hỗ trợ 100.000đồng/tấn mía và 1 tấn phân/ha diện tích mía thu hoạch xong. Bên cạnh đấy, trong thời gian tới, trong quá trình bơm nước tưới cho mía, nhà máy cũng sẽ hỗ trợ một phần chi phí tưới tiêu cho người dân.
Để đẩy nhanh tiến độ thu mua mía, trong một cuộc họp gần đây của UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Tiến độ thu hoạch mía chậm là hoàn toàn do lỗi chủ quan của lãnh đạo Công ty. Yêu cầu nhà máy đẩy mạnh việc thu mua mía cho dân. Đối với diện tích mía chín sớm buộc phải thu hoạch hết trước 30/3, số còn lại kết thúc thu hoạch trước 30/4. Tuyệt đối không để kéo dài thời gian thu hoạch đến tháng 5, tháng 6 như phản ánh của huyện Triệu Sơn”.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã bước sang tháng 5 và theo kế hoạch thì phải đến cuối tháng 5, Công ty mới thu mua hết mía của bà con. Hàng trăm nghìn tấn mía của người dân vẫn chưa được thu mua, trong đó có nhiều diện tích đã được chặt chất đống héo khô dưới tiết trời nắng như thiêu trong những ngày này mà thấy xót xa.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/5/33971.html


Tin khác