Cây biến đổi gen: Đừng nóng ruột theo nhà buôn giống

04/05/2012

Đến năm 2012, cây ngô GMO tại Việt Nam đã trải qua gần 3 năm với một lần được khảo nghiệm trên diện hẹp và hai lần khảo nghiệm diện rộng tại các vùng miền sinh thái khác nhau thuộc cả miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có kết quả thử nghiệm cuối cùng để đi đến quyết định cho loại cây này vào trồng đại trà ở Việt Nam hay không.
Nhà buôn giống thúc dục
Tại cuộc họp báo cáo kết quả về cây ngô BĐG  ở Việt Nam mới đây tại Bộ NN&PTNT, một đại diện cho các công ty sở hữu giống ngô BĐG tham gia khảo nghiệm đã rất bức xúc: Các giống ngô đang khảo nghiệm đều đã được trồng ở rất nhiều quốc gia: Mỹ, phillipines, Canada, Úc... Chúng tôi đã tiến hành khảo nghiệm đánh giá các chỉ tiêu theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT. Nay các nhà khoa học và các cơ quan chức năng bảo là những kết quả đó chưa nói lên điều gì, cần phải tiếp tục khảo nghiệm. Nhưng vấn đề chúng tôi đang muốn biết là cần khảo nghiệm như thế nào nữa, đánh giá thêm những chỉ tiêu nào thì mới được coi là có kết quả thì lại chưa thấy ai nói tới.
Nếu nhà cung cấp giống bức xúc có thể vì lợi nhuận của mình nếu Việt Nam chấp nhận trồng đại trà, thì rất nhiều các giới, các ngành của Việt Nam cũng đang bức xúc vì chờ đợi kết quả cuối cùng từ khảo nghiệm rất lâu nay. Họ lo lắng vấn đề an toàn sinh học cho chính bản thân mình, hay lo lắng khi ngay cả trên thế giới cũng vẫn tiếp tục tranh cãi về lợi và hại của GMO.
Các tập đoàn cung cấp giống tham gia rất sâu vào quá trình khảo nghiệm cây biến đổi gen.
Theo báo cáo kết quả khảo nghiệm gần đây, các giống ngô này đều không có biểu hiện nguy cơ trở thành cỏ dại, dịch hại hay xâm lấn môi trường và đa dạng sinh học, đồng thời không ảnh hưởng tới các loài sinh vật không chủ đích. Đây là các giống ngô thuộc hai dòng kháng sâu và kháng thuốc diệt cỏ glyphosate. Kết quả đánh giá về mức độ mẫn cảm với một số bệnh hại chính trên ngô như bệnh đốm lá, bệnh khô vằn, bệnh gỉ sắt và bệnh đốm nâu trên cây ngô hoàn toàn tương tự so với đối chứng không chuyển gen.
TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (Thành viên nhóm khảo nghiệm) cho biết: khả năng kháng sâu của ngô khảo nghiệm cho kết quả tốt, năng suất, chất lượng và độ kháng sâu đục thân của loại cây trồng này hơn cây trong nước. Năng suất ngô BĐG cao hơn từ 30-40% so với các giống ngô đang trồng ở nước ta.
Theo PGS. TS. Phạm Văn Toản, Thư ký Hội đồng An toàn sinh học, kết quả khảo nghiệm lần này là dữ liệu bổ sung để góp phần công nhận các kết luận trên thế giới về thành tựu cây trồng chuyển gen. Có thể nói rằng, quy trình khảo nghiệm tại Việt Nam hoàn toàn mang tính kế thừa và phát huy lợi thế của một quốc gia đi sau trong việc ứng dụng cây trồng chuyển gen nhằm tiết kiệm chi phí đồng thời tiếp cận nhanh hơn với công nghệ mới.
"Sở dĩ VN đặt ra vấn đề nên hay không trồng ngô BĐG như một vấn đề mang tính chiến lược, bởi nhu cầu bức thiết về nguồn thức ăn gia súc đang thiếu hụt đáng kể hiện nay. Mỗi năm, VN vẫn phải nhập khoảng 1,6 triệu tấn ngô nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó diện tích đất trồng cây phục vụ thức ăn chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp, nông dân lại chịu quá nhiều chi phí cho việc kháng sâu trừ bệnh", ông Nguyễn Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt bày tỏ.
Còn nhiều nỗi lo
Theo dõi rất nhiều cuộc họp về GMO, nhiều chuyên gia cho rằng, ở Việt Nam luôn có 2 xu hướng luôn song hành về vấn đề này. Một xu hướng thì đồng ý, ủng hộ, nhưng nhiều nhà khoa học khác thì lại cho rằng, chúng ta nên thận trọng, cần năm chắc trong tay hẵng cho GMO vào Việt Nam.
GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: báo cáo khảo nghiệm cần phải ghi rõ hiệu quả về kinh tế. Ảnh hưởng tới hệ sinh thái, tới đất thì ít, nhưng với vi sinh vật và virút thì sao? Cần phải truy rễ ngô rồi giao cho viện vi sinh vật kiểm tra.
Đại diện Bộ Công thương cho rằng, đánh giá kết quả phải rất rõ ràng, khi đưa giống này vào sản xuất thì dân được cái gì, mất cái gì? Theo GS Nguyễn Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, chúng tôi ủng hộ đưa cây trồng BĐG vào trồng càng sớm càng tốt nhưng phải làm kỹ càng, thấu đáo.
 
GS Trần Hồng Huy, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu ngô nêu quan điểm: "Tôi công tác ở Viện Ngô hơn 30 năm, làm nhiều thí nghiệm, khảo nghiệm về giống cây trồng. Tất cả các thí nghiệm về giống cây trồng phải làm ít nhất 3 vụ, chưa nói là có lần 6 vụ mới đưa ra được kết quả. Ở báo cáo này nếu chỉ nói là không ảnh hưởng tới môi trường thì cũng coi như là chưa kết luận được cái gì.
TS. Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp, Chủ tịch Hội đồng An toàn sinh học Bộ NN-PTNT cho rằng, với các nhà khoa học Việt Nam, cây trồng BĐG đều là vấn đề mới. Hội đồng an toàn sinh học của Bộ NN-PTNT đã được thành lập bao gồm các chuyên gia và nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ nông nghiệp, và với sự tư vấn góp ý của các nhà khoa học của các Bộ, ngành khác nhưng trước đây tất cả các nhà khoa học nước ta hầu như chưa được chạm tới các giống cây BĐG, nên không ai biết là cây trồng BĐG phải khảo nghiệm theo các tiêu chí, với các bước và cách thức khảo nghiệm như thế nào, nên cần phải học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế.
Theo Thứ  trưởng Bùi Bá Bổng, quan điểm của Bộ, tất cả các việc làm đều công khai minh bạch, vì vậy phải công bố tất cả các báo cáo, các kết quả nghiên cứu. Mọi số liệu đều phải công khai, toàn bộ báo cáo chi tiết sẽ được đưa lên mạng để lấy ý kiến của toàn xã hội. Sau khi thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia và nhà khoa học, tới tháng 6/2012, Hội đồng an toàn sinh học của Bộ NN-PTNT sẽ chính thức có kết luận về việc công nhận các giống ngô BĐG ở Việt Nam và toàn bộ kết quả sẽ chuyển sang Bộ TN-MT xem xét.
Từ đó, Bộ TN-MT sẽ nhóm họp để thành lập Hội đồng an toàn sinh học cấp quốc gia nhằm tiến hành nghiên cứu, xem xét và nếu đạt đủ các điều kiện, sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho các giống ngô BĐG. Sau đó, Bộ NN-NT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về an toàn thức ăn chăn nuôi và an toàn sức khỏe con người làm căn cứ để Chính phủ cho phép đưa cây trồng chuyển gen vào sản xuất.
Theo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

Nguồn:http://vef.vn/2012-05-03-cay-bien-doi-gen-dung-nong-ruot-theo-nha-buon-giong


Tin khác