Sản xuất vụ Đông 2012: Tư duy mới, cách làm mới

28/08/2012

Lâu nay, nông dân miền Bắc vẫn có tâm lý coi vụ đông là vụ sản xuất tận dụng giữa hai vụ chính, ai có điều kiện thì làm, không thì bỏ trống đất. Với tư duy này, bà con đã bỏ lỡ nguồn lợi kinh tế khổng lồ mà vụ đông mang lại.

Đã sẵn sàng?
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sở dĩ nhiều người không mặn mà với vụ đông là do vụ này diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12, là khoảng thời gian thường xảy ra mưa lớn đầu vụ, rồi mưa dầm kéo dài đúng thời điểm thu hoạch, gây khó khăn cho bảo quản nông sản. Đó là chưa kể việc vay vốn đầu tư cho sản xuất khó khăn; giá cả một số loại vật tư đầu vào liên tục tăng, trong khi giá bán nông sản, nhất là rau màu từ cuối năm 2011 đến nay vẫn chưa phục hồi trở lại.
Nhờ có chính sách hỗ trợ, nông dân Bắc Ninh đẩy mạnh sản xuất vụ đông.
 
Còn nhớ vụ đông năm ngoái, nông dân xã Vũ Đoài (Vũ Thư - Thái Bình) đứng ngồi không yên vì không bán được đậu tương, nhất là ở thôn 2, nơi trồng nhiều nhất xã, đi tới đâu cũng gặp những đống đậu tương thối, mốc chất đống ở góc đường, sân nhà, bậc thềm…
Bà Lê Thị Lụa ở thôn 2 cho biết: "Các vụ trước, chúng tôi trồng đậu tương đều thắng lợi, vì vậy khi nghe xã vận động làm vụ đông (nhà nào làm trên 1,5 mẫu đậu tương sẽ được thưởng 1 triệu đồng và hỗ trợ tiền giống 20.000 đồng/sào), nhà tôi hăng hái gieo hơn 1,2 mẫu. Suốt cả vụ, đậu tương tốt bời bời, nhưng khổ nỗi, khi thu hoạch, trời không có lấy một ngày nắng khiến đậu tương bị thối đen. Nhà nào có lò sấy thì may ra vớt vát được chút ít".
Được biết, vụ đông 2011, toàn tỉnh Thái Bình gieo trồng được gần 4.000ha đậu tương. Hầu hết các huyện có diện tích trồng đậu tương lớn như Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng... cũng như một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đều lâm vào tình cảnh tương tự như xã Vũ Đoài.
Cũng vì thế mà nhiều người dự báo, vụ đông năm nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí khó giữ được diện tích gieo trồng bằng năm ngoái, chứ chưa nói tới việc tăng thêm diện tích.
Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến bày tỏ sự lạc quan về vụ đông 2012. Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh cho biết, sản xuất vụ đông là vụ có nhiều ý nghĩa, vừa giải quyết việc làm cho người dân lúc nông nhàn, vừa nâng cao giá trị sử dụng đất, và điều quan trọng là giúp nông dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, do đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 31/5/2012, theo đó, hỗ trợ 70% giá giống cho toàn bộ diện tích ngô lai; có cơ chế ưu tiên trồng rau an toàn, hỗ trợ chứng nhận chất lượng và xây dựng thương hiệu rau an toàn… 
Nông dân làm giàn cho diện tích dưa leo vụ đông.
 
Ông Lê Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Lâu nay, vụ đông vẫn được xem là thế mạnh của tỉnh với các cây trồng chính như ngô, khoai lang, đậu tương, rau xanh, bí đỏ…, do đó, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai vụ đông thắng lợi. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT sớm tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho nông dân. Cụ thể, theo Quyết định số 1918 ngày 13/8/2012 của UBND tỉnh, tổng kinh phí hỗ trợ vụ đông năm 2012 là hơn 15 tỷ đồng, gồm ngô (13.000ha) và đậu tương (4.000ha). Mức hỗ trợ 10% chi phí sản xuất, theo tính toán hiện nay là 900.000 đồng/ha, tương đương 32.400 đồng/sào, đồng thời hỗ trợ công tác chỉ đạo của huyện và xã 30.000 đồng/ha".
Kiên quyết bám lịch thời vụ
"Ở miền Bắc, sản xuất lúa hàng năm đủ ăn đã là tốt lắm, chỉ còn vụ đông để sản xuất hàng hóa. Theo ước tính, mỗi năm vụ đông mang về cho ngành nông nghiệp 10.000-15.000 tỷ đồng. Điều khiến tôi trăn trở bao lâu nay là làm sao đưa vụ đông trở thành vụ chính ở miền Bắc", ông Ngọc nói.
Vụ đông 2012, Cục Trồng trọt đặt ra kế hoạch diện tích gieo trồng đạt khoảng 470.000ha; giảm diện tích nhóm cây ưa ấm như ngô, lạc, đậu tương so với vụ đông 2011 và tăng nhóm cây ưa lạnh như khoai tây, rau đậu, trong đó ngô khoảng 148.000ha, khoai lang 65.000ha, đậu tương 59.000ha, lạc 7.000ha, khoai tây 25.000ha, rau các loại 166.000ha. Phấn đấu giá trị sản xuất bình quân từ 28 -30 triệu đồng/ha, tổng giá trị sản phẩm khoảng 13.000 - 14.000 tỷ đồng.
Ông Ngọc cho biết thêm: "Tôi nghĩ khó khăn còn nhiều, nhất là về điều kiện thời tiết, song chúng ta cũng có không ít cơ hội để giành thắng lợi trong vụ đông năm nay. Trong đó, hầu hết các địa phương đều nhận thấy rõ tầm quan trọng của vụ đông và đã có đề án, kế hoạch bố trí cơ cấu trà lúa hè thu, lúa mùa sớm trong khung thời vụ tốt nhất để giải phóng đất cho cây vụ đông. Dự kiến, từ 20-25/9 sẽ có khoảng 40 - 60% diện tích lúa mùa được thu hoạch, và chúng ta sẽ có đất để bắt tay ngay vào trồng ngô, đậu, lạc… Tôi cũng khá lạc quan về thị trường sản phẩm vụ đông khi đang có nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có nhu cầu cao về ngô, đậu tương, khoai tây, dưa chuột bao tử".
Ông Ngọc cũng nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là nông dân và các địa phương cần chú ý bám sát lịch thời vụ; ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày, giống cao sản, chất lượng, riêng với cây khoai tây, kiên quyết chấm dứt tình trạng nhập khoai thịt Trung Quốc về làm giống".
Cũng phải nói thêm, điểm mấu chốt của tất cả các mô hình kinh tế vẫn là lợi nhuận, nếu không có lợi nhuận thì dù có khuyến khích, mạnh mẽ đến mấy, cũng khó thu hút được nông dân tham gia. Nhưng đã đến lúc bà con cần thay đổi tư duy làm ăn manh mún, phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết, thay vào đó là đổi mới quan điểm về vụ đông, chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với doanh nghiệp và thị trường - yếu tố quyết định phần lớn đến sự thắng lợi.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/8/35988.html


Tin khác