Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ Online xung quanh việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến ngành lúa gạo và các hộ trồng lúa, luôn có những chính sách đầu tư hỗ trợ quan trọng cho phát triển lúa gạo như đầu tư nghiên cứu lai tạo giống, xây dựng hạ tầng thủy lợi, đàm phán mở cửa thị trường…
Chính vì thế, ngành lúa gạo đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội và là nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế.
Lúa gạo cũng đóng vai trò là đại sứ mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực và quốc tế.
* Thưa ông, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách cho việc thúc đẩy lĩnh vực lúa gạo, với sự tham gia chỉ đạo của nhiều bộ, ngành thì việc lập Hội đồng lúa gạo quốc gia có cần thiết?
- Mặc dù có sự phát triển tốt nhưng ngành hàng này vẫn còn những tồn tại. Đó là sản xuất của các hộ nông dân còn chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, sản xuất lúa gạo còn gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, thị trường còn bất ổn, thiếu liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất - thương mại - tiêu dùng…
Đặc biệt, trong thời gian qua luôn có nhiều vấn đề mang tính liên ngành như: gắn kết sản xuất thị trường, điều tiết biến động giá lúa gạo trong nước. Công tác điều phối chung trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp, vấn đề vi phạm gian lận thương mại.
Các định hướng chính sách lớn cho toàn ngành không chỉ ảnh hưởng đến hộ nông dân mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, các nhà xay xát, người tiêu dùng và những cam kết của Việt Nam với quốc tế mà không riêng một bộ nào có thể giải quyết được.
Do vậy, trước những vấn đề trên và với tầm quan trọng của ngành hàng lúa gạo, cần một thiết chế liên ngành, bao trùm để xử lý những vấn đề quan trọng của ngành này và đưa ra những định hướng vì mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo.
* Ông có thể nói rõ hơn thiết chế này là gì?
Xuất khẩu gạo qua cảng Mỹ Thới, An Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trong thiết chế này, Nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường nhưng cần đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết hoạt động của các hiệp hội ngành hàng, huy động hợp tác công tư để tạo thêm nguồn lực từ hợp tác quốc tế và nguồn lực xã hội hóa.
Thiết chế này cần có sự tham gia của các bộ ngành quan trọng, có sự tham gia của các tổ chức đại diện cho các tác nhân trong ngành lúa gạo, có sự đại diện của các doanh nghiệp, của các địa phương và đặc biệt phải có tiếng nói của người nông dân trồng lúa.
Vì thế một hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia có thể là thiết chế thích hợp.
* Cơ chế hoạt động của Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ xây dựng thế nào nhằm vận hành hiệu quả, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, kinh doanh lúa gạo trong thời gian tới, thưa ông?
- Ý tưởng về Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia thực sự là ý tưởng mới mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thảo luận với Bộ Công Thương bàn thảo.
Trước đó, ý tưởng hình thành thiết chế này đã được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia uy tín, tâm huyết. Về chi tiết cụ thể và sau này khi trình Thủ tướng Chính phủ thì cần có sự góp ý của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia.
Tuy nhiên, để hội đồng vận hành đóng góp hiệu quả, hữu ích trong tham mưu cơ chế chính sách, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, kinh doanh lúa gạo bền vững, chúng tôi cũng đã có một số ý tưởng như sau:
Cơ cấu tổ chức dự kiến sẽ có chủ tịch hội đồng là phó thủ tướng Chính phủ. Phó chủ tịch hội đồng là bộ trưởng Bộ Công Thương và bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các ủy viên hội đồng sẽ gồm lãnh đạo đại diện một số bộ ngành, Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam và đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương trồng lúa lớn.
Dự kiến sẽ có thường trực hội đồng và ban thư ký (tổ giúp việc) hỗ trợ hội đồng.
Mô hình lúa tôm tại Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chức năng nhiệm vụ của hội đồng: Nhiệm vụ chính tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các chiến lược, cơ chế chính sách, chương trình đề án quan trọng, xử lý các vấn đề cấp thiết của ngành lúa gạo.
Phối hợp chỉ đạo thực hiện các vấn đề có tính liên ngành, điều tiết các hoạt động liên quan đến sản xuất, thị trường. Nhận ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề nhằm hướng tới ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững hơn, hướng tới tạo dựng thương hiệu quốc gia.
Hội đồng sẽ họp bất kỳ nếu thấy cần để cùng nhau xử lý những vấn đề cấp thiết, chiến lược ngoài kỳ họp định kỳ. Ngoài ra, bộ phận thường trực của hội đồng sẽ thường xuyên nắm bắt các vấn đề để kịp thời báo cáo cho chủ tịch và các phó chủ tịch hội đồng.
* Ông kỳ vọng gì về việc ra đời Hội đồng lúa gạo quốc gia Việt Nam?
- Với chức năng, nhiệm vụ như đã nêu, tôi tin rằng sự ra đời của Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ giúp xử lý các vấn đề có tính liên ngành hiện nay để điều tiết tốt thị trường, thúc đẩy liên kết sản xuất, thương mại, tiêu dùng để đảm bảo tốt hơn đầu ra mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân, hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, hội đồng có thể giúp tư vấn cho Thủ tướng hiệu quả các cơ chế chính sách cho ngành lúa gạo, đặc biệt một số nghị định đang sửa đổi để nông dân yên tâm sản xuất, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành lúa gạo hiệu quả.
Bên cạnh đó, hội đồng sẽ giúp triển khai đề án rất quan trọng là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về tổng thể, Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững hơn, xanh hơn theo hướng sinh thái, giảm phát thải.
* Xin cảm ơn ông!
* Thái Lan là nước có nhiều hiệp hội về ngành hàng lúa gạo hoạt động hiệu quả, Việt Nam có tham khảo cách làm của Thái Lan trong việc thành lập hội đồng lần này, thưa ông?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và giáo sư Võ Tòng Xuân tại một sự kiện về lúa gạo tổ chức tại TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
- Có tham khảo chứ. Cách đây ít lâu, giáo sư Võ Tòng Xuân có gửi cho tôi một số nghiên cứu tâm huyết của ông về chính sách điều hành, sản xuất lúa gạo của Thái Lan mà ông nhiều năm dày công nghiên cứu.
Thái Lan có hai hiệp hội rất mạnh liên quan đến lúa gạo là Hiệp hội các nhà xuất khẩu và Hiệp hội các nhà xay xát lúa gạo.
Bên cạnh đó riêng ngành hàng lúa gạo, Thái Lan còn có Ủy ban chính sách lúa gạo quốc gia Thái Lan. Đây là cơ quan chính phủ quan trọng, chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện các chính sách liên quan đến ngành lúa gạo.
Chủ tịch ủy ban là bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hợp tác xã. Các thành viên đến từ các bộ, ngành khác nhau. Mục tiêu chính, kỳ vọng của ủy ban này là phát triển và thực hiện các chính sách toàn diện về lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định thị trường và đảm bảo an ninh lương thực.
Góp phần ổn định giá, đảm bảo giá lúa ổn định để bảo vệ thu nhập của nông dân và lợi ích của người tiêu dùng. Điều tiết thị trường, giám sát thương mại gạo trong nước và quốc tế để cân bằng cung và cầu; cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nông dân trồng lúa và khuyến khích các phương pháp canh tác lúa bền vững và thân thiện với môi trường.