Thời khắc bắt đầu hành trình mới!

20/11/2007

TS Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với DĐDN về sự hội nhập của DN VN sau 1 năm ngày VN chính thức ghi tên mình vào danh sách thành viên thứ 150 của WTO. Tuy nhiên, theo TS Đoàn Duy Khương, bên cạnh những lợi ích mà WTO mang lại cho nền kinh tế, hiện nay vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết.

- Sau một năm VN gia nhập WTO, ông có nhận xét gì về sự hội nhập của các DN? Theo ông, các DN VN đã theo kịp được "dòng chảy" hội nhập WTO chưa?

Nói đến hội nhập thì không phải đến khi gia nhập WTO chúng ta mới hội nhập mà chúng ta đã hội nhập từng phần với khu vực và thế giới từ khi chúng ta tham gia ASEAN, ASEM, APEC... Hơn nữa, chúng ta cũng đã có hợp tác song phương, ký kết với nhiều tổ chức và quốc gia, trong đó phải kể đến Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Tuy nhiên, phải đến khi chúng ta gia nhập WTO thì chúng ta mới thực sự hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới. DN VN so với các nước trên thế giới có những đặc thù riêng, đa số là các DNNVV, kể cả các DN lớn của ta so với thế giới thì cũng vẫn là những DN nhỏ. DN của ta chủ yếu phát triển hội nhập bằng các ngành hàng dựa vào nguồn thiên nhiên chứ không có sự đầu tư nghiên cứu để có các sản phẩm, ngành hàng mang tính chất hàm lượng công nghệ cao. Chính vì vậy nên hầu hết sức vươn của các DN VN ra thị trường thế giới vẫn còn nhỏ lẻ.

DN mỗi nước có một thế mạnh, tuy nhiên họ biết phân chia thị phần trong sản xuất. Chẳng hạn chiếc iphone là của Mỹ nhưng nó lại được sản xuất tại Trung Quốc. Ở đây tôi muốn nói rằng các Cty đa quốc gia họ biết phân chia thị phần sản xuất nên năng suất cũng như thu lợi nhuận của họ rất cao. Trong khi đó, với các DN VN lại nghĩ việc kinh doanh là phải làm từ đầu đến cuối, trong khi lẽ ra họ phải có thông tin phân loại.

Theo tôi các DN VN cần phải có chiến lược cụ thể hơn nữa, phải biết mình, biết người thì hội nhập mới thành công. Tuy nhiên, để có thể hội nhập thành công còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chẳng hạn như: môi trưòng kinh doanh, chính sách của Chính phủ, tư vấn của các nhà nghiên cứu...

- Như vậy có thể thấy rằng các DN VN vẫn chưa tận dụng hết được những cơ hội mà WTO mang lại?

Theo tôi, vấn đề này cũng một phần do truyền thống, nhưng cũng có ý chủ quan bản thân của các DN. Đồng thời bản thân các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DN tạo môi trường, chính sách cũng chưa thực sự bắt nhịp được với môi trường đầu tư chung. Trong khi đó, bản thân các hiệp hội cũng chưa nêu cao được vai trò của mình.

- Bên cạnh khoảng trống về quy mô, mức độ phát triển của các DNVN, thời gian qua có tình trạng, các DN, các tập đoàn lớn chỉ tìm đến hợp tác với nhau. Các DN nhỏ chỉ có thể tìm được các đối tác nhỏ... Theo ông, có phải chính khoảng trống này đã khiến cho các DNNVV ít có cơ hội phát triển?

Tôi nghĩ không hẳn là như vậy! Như tôi đã nói, quá trình hội nhập ở trào lưu thứ nhất không phải là các DNNVV mà phải là các DN lớn, bởi vì họ mới là người có đủ điều kiện, năng lực để vươn ra thị trường thế giới. Ngày nay, trong một thế giới phẳng, rõ ràng vị trí địa lý, thông tin liên lạc không phải là vấn đề cản trở. Các tập đoàn lớn trên thế giới ngày nay mục tiêu hàng đầu của họ là tối đa hóa lợi nhuận và giảm bớt chi phí. Họ nhìn thế giới là một thị trường chung. Chính vì vậy giải bài toán hội nhập phải là những DN lớn, khi họ phát triển thị trường đương nhiên họ cũng sẽ tìm đối tác là các DN lớn. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng tới các DN nhỏ và nó cũng lý giải tại sao các DN nhỏ cơ hội không lớn như các DN lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà các DN NVV không có cơ hội, từng bước sẽ tới trào lưu thứ hai và lúc đó sẽ là thời điểm dành cho các DNNVV.

Hội nhập luôn đem lại cả thách thức và cơ hội, với các DNNVV nên thay đổi suy nghĩ và tư duy của mình, không phải làm việc nhỏ hay sản phẩm nhỏ lẻ mà hiệu quả không cao. Tôi đã đến thăm rất nhiều DNNVV ở Nhật Bản, sản phẩm của họ có khi chỉ là những chiếc đinh vít, bulông. Nhưng họ rất tự hào vì đinh vít, bulông của họ không chỉ lắp ráp xe đạp, xe máy mà còn có mặt trong cả các cỗ máy lớn, trên các con tàu vũ trụ... Qua câu chuyện này tôi muốn nói rằng các DNNVV không phải không có cơ hội mà chính họ phải tạo ra lực hút của riêng mình cũng như tạo ra cơ hội bằng chính đôi chân của mình.

- Thưa ông, thực tế là sau khi gia nhập WTO, nền kinh tế của VN đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, VN vẫn còn phải đối mặt và giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, chẳng hạn như: kết cấu hạ tầng còn yếu kém. Trong khi đó, tỷ giá, cán cân thương mại, vấn đề nhập siêu, cán cân thanh toán quốc tế... vẫn là những bài toán mà chúng ta cần phải giải quyết. Theo ông, đâu là căn nguyên của vấn đề?

Đúng vậy! Tôi nghĩ tuy thế giới là một thị trường chung nhưng ở mỗi nước lại có một đặc thù, một rào cản riêng. Vấn đề hàng rào phi truyền thống, hàng rào kỹ thuật... ở các nước phát triển và là thị trường chính của VN, các DN VN cần phải tìm hiểu kỹ. Ví dụ chất lượng hàng hóa, trách nhiệm xã hội, sở hữu trí tuệ... Vấn đề thanh toán, cán cân thuơng mại cũng là điều mà chúng ta phải suy nghĩ. Chỉ riêng với thị trường ASEAN, 6 tháng đầu năm nay cán cân thương mại VN- ASEAN thâm hụt khoảng 3 tỷ USD. Chúng ta XK sang ASEAN 3,8 tỷ USD và nhập từ thị truờng này khoảng 6 tỷ USD, với thị trường Trung Quốc cũng vậy. Theo tôi, sở dĩ chúng ta nhập siêu là do hàm lượng giá trị chế biến hàng hóa của ta thấp, chúng ta có thể XK hàng tấn gạo, dầu thô... nhưng chỉ nhập vài trăm cỗ máy, hay một con chip chẳng hạn... có khi hàm lượng giá trị đã hơn hẳn hàng XK của ta. Do vậy, nếu ta không có giải pháp thì tình trạng này sẽ rất khó khắc phục trong vài năm tới.

Có một vấn đề nữa mà nhiều người vẫn cho là không liên quan gì đến thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đó là việc đô thị hóa. Đây có thể coi là phần cứng của môi trường kinh doanh, còn các thủ tục pháp lý được coi là phần mềm. Việc các đô thị phát triển quá nhanh, thiếu quy hoạch, nạn ùn tắc đường... ảnh hưởng rất lớn tới sức sản xuất và môi trường đầu tư. Đây là vấn đề mà nhiều nước đi trước chúng ta đã trải qua, bản thân các tổ chức tài chính lớn trên thế giới cũng đã có những nghiên cứu cụ thể về vấn đề này. Tôi cho rằng giải quyết được vấn đề này sẽ có tác động rất lớn tới phát triển kinh tế, thu hút đầu tư...

- Kinh tế tư nhân đang được đề cao là xu thế chung của thế giới, kể cả các tổ chức VN tham gia như: APEC, ASEAN... trong khi khối DN này tại VN tương đối yếu. VCCI có những đề xuất gì để hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế này?

Nếu nói là yếu thì các DNNVV VN hiện nay chưa hẳn đã là yếu, DN tư nhân có thể là cả khối DN FDI nữa. Đóng góp của khối DN này rất lớn, trên 60% GDP cả nước. DN tư nhân sẽ ngày một nhiều lên và khối DNNN sẽ dần dần giảm đi là xu thế hiện nay. Để có thể phát triển được khối DN này cần tạo ra môi trường pháp lý tốt, môi trường bình đẳng giữa DN tư nhân và DNNN. VCCI sẽ thể hiện vai trò cầu nối giữa DN và Chính phủ, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch rõ ràng. VCCI cũng sẽ hỗ trợ DN XTTM, hội nhập quốc tế thông qua các vấn đề như: Trách nhiệm xã hội của DN, sự bền vững của DN, tìm các thị trường mới...

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: VCCI)


Tin khác