TS Nguyễn Sĩ Dũng: Triết lý kinh tế của hàng rong

28/01/2008

Nếu lệnh cấm bán hàng rong của Hà Nội không bị tạm hoãn thì không biết Tết này hàng vạn người dân sẽ ăn Tết ra sao? Những ngày Tết đã đến rất gần. Cơ hội thay đổi nghề nghiệp của những người bán hàng rong thì thật khó khăn. Và chẳng ai có thể thay đổi nghề nghiệp của mình trong một thời gian ngắn như vậy.

>> "Cấm hàng rong" và bài học nhân bản "ăn xin Đà Nẵng"

>> Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Sao nỡ lòng đá "bát cơm" của người nghèo như thế!

Niềm vui từ hàng hoa rong. Ảnh: Theo blog Nguyen DJ
Tuy nhiên, vấn đề có thể còn lớn hơn chuyện ăn Tết. Xét từ góc độ kinh tế, xã hội và pháp lý, lệnh cấm nói trên đều để lại những điều đáng phải băn khoăn.

Từ góc độ kinh tế, trong tình hình đất nước hiện nay, bán hàng rong không hẳn là vấn đề, mà đúng hơn, đó là một giải pháp. Điều dễ thấy nhất là bán hàng rong cung cấp việc làm.

Thật khó xác định được có tất cả bao nhiêu người dân đang kiếm sống bằng nghề bán hàng rong và bao nhiêu người dân- bằng nghề sản xuất và cung ứng hàng hoá cho những người bán hàng rong. Thiếu một công trình nghiên cứu công phu, chúng ta khó lòng có được các con số chính xác.

Thế nhưng, qua những tiếng rao đêm, qua những chiếc xe đẩy, những gánh hàng hoá trăm loại, chúng ta vẫn có thể đoán được số người này rất lớn. Bán hàng rong là nghề kiếm sống của một lực lượng đông đảo những người dân nghèo thành thị, những người dân nhập cư và những người nông dân bị mất đất qua chuyện “đền bù, giải toả”. Đành rằng bán hàng rong là một nghề nhọc nhằn, vất vả và ít có tương lai, nhưng đó lại đang là nghề duy nhất để kiếm sống của rất nhiều người.

Hai là, những gánh hàng rong (những xe đẩy hàng rong, những mẹt hàng rong…) là một phần của mạng lưới phân phối hết sức hiệu quả của người Việt từ trước đến nay. Thiếu việc bán hàng rong, các chợ đầu mối chắc chắn sẽ ngưng trệ. Thiếu việc bán hàng rong, nền nông nghiệp, thậm chí nền tiểu thủ công nghiệp theo mô hình hộ gia đình nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn. Phân phối và sản xuất là hai chuyện khác nhau, nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau. Không có một hệ thống phân phối hiệu quả và phù hợp (theo kiểu bán hàng rong), nền sản xuất chắc chắn sẽ bị ngưng trệ. Mà như vậy thì mất việc làm sẽ không chỉ là những người bán hàng rong, mà cả những người sản xuất nhỏ lẻ nữa.

Ba là, tin hay không thì tuỳ, nhưng những gánh hàng rong là một phần của hệ thống giao thông vận tải hiện nay.

Hà Nội có một số trục đường tương đối lớn, nhưng đa số các ngõ phố đều chật hẹp, nhiều chỗ hai chiếc xe máy tránh nhau đã khó. Hàng rong vì vậy là cách cung ứng dịch vụ bán hàng rất hiệu quả và thiết thực. Nếu tất cả mọi người dân đều đổ về các trung tâm mua bán tập trung, thì nạn tắc đường của Hà Nội chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn. Vả lại, với hệ thống giao thông công cộng chưa thật phát triển hiện nay, nhiều người dân, đặc biệt là những người nội trợ, sẽ gặp nhiều khó khăn nếu ngày nào cũng cần phải đến các trung tâm mua sắm.

Từ góc độ xã hội, hàng rong gắn với đời sống của những người nghèo, kể cả của người bán, cũng như của người mua. Đối với người bán, đó là nguồn thu nhập khoảng từ 30-50 ngàn đồng người/ngày. Nguồn thu này không lớn, nhưng nó đang bảo đảm tiền ăn, tiền học, tiền khám chữa bệnh cho hàng vạn người dân. Thiếu nguồn thu nhập này, không biết người dân sẽ làm gì để sống, để nuôi con ăn học?

Đối với người mua, hàng rong là nguồn hàng hoá, thực phẩm giá rẻ. Nguồn hàng hoá, thực phẩm này có thể không có chất lượng bằng các nguồn ở các cửa hàng và siêu thị. Thế nhưng, chúng hợp với túi tiền của những người nghèo. Thiếu chúng, nhiều người nghèo sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng, sẽ không thể tìm cách giật gấu, vá vai được nữa. (Chúng ta đang có bao nhiêu người nghèo đang phải giật gấu, vá vai như vậy?).

Theo Báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố năm 2007 dựa trên các số liệu điều tra về mức sống của các hội gia đình Việt Nam, thì sự phân biệt giàu nghèo kéo theo tình trạng bất bình đẳng xã hội đang diễn biến theo xu hướng ngày càng xấu đi. “Các hộ trong nhóm thu nhập cao nhất- nhóm 20% giàu nhất nhận được gần 40% lợi ích an sinh xã hội. Ngược lại, nhóm nghèo nhất chỉ nhận chưa đến 7%”.

Rõ ràng, thiếu những chính sách thiên vị người nghèo, sự bất bình đẳng xã hội chắc chắn chỉ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Rất tiếc, chính sách cấm hàng rong khó có thể được coi là một chính sách thiên vị người nghèo.

Từ góc độ pháp lý, vấn đề quyền của những người đi bộ và vấn đề quy trình ban hành quyết định cũng cần được lưu tâm.

Nếu vỉa hè thuộc quyền sử dụng của những người đi bộ, thì những người đi bộ nào sau đây cần phải được ưu tiên: Người đi bộ hai tay đút túi quần? Người đi bộ tay bê mẹt hàng? Người đi bộ vai gánh hàng? Người đi bộ đẩy xe đạp chở hàng? Người đi bộ đẩy xe hàng?...

Về mặt lý thuyết, với một thủ tục ban hành quyết định phù hợp, chúng ta có thể dành quyền ưu tiên cho loại người đi bộ này mà không phải loại người đi bộ kia. Tuy nhiên, tại sao chỉ những người đi bộ hai tay đút túi quần mới là những người phải được ưu tiên là câu hỏi thật sự không dễ trả lời.

Ngoài ra, nếu một chính sách đụng chạm đến lợi ích của một đối tượng dân cư nào đó, thì đối tượng ấy cần phải được tham khảo ý kiến. Công bằng mà nói, tham khảo ý kiến của những người bán hàng rong để có được sự đồng ý của họ là khó khăn. Thế nhưng, ý kiến của họ sẽ giúp cho chính quyền hoàn thiện chính sách của mình, làm cho chính sách đó trở nên phù hợp và khả thi.

Giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong như thế nào phải được xem là một phần cấu thành của chính sách cấm bán hàng rong. Tuy nhiên, nếu không tham khảo ý kiến của những người bán hàng rong lại không thể thiết kế được phần cấu thành này của chính sách.


Tin khác