Nông dân quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh

12/09/2008

Ruộng đất vẫn là vấn đề cốt tử đối với nông dân. Nhưng ngày nay, có vấn đề bức xúc mang tính thời đại: Người nông dân đi lên như thế nào từ ruộng đất quê mình? Tôi sinh ra trên những luống cày. Dù cha tôi từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 đã thoát li ruộng đất, lên Vinh làm công nhân. Những người cộng sản Việt Nam sớm nhận thức được vai trò nông dân trong cách mạng, cũng như sự gắn kết công-nông, đã tiếp thu bài học thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, với khẩu hiệu của Lênin - “Ruộng đất về tay nông dân!”.

Năm 1930, Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, do đồng chí Trần Phú dự thảo, xác định: “Vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng”. Năm 1951, Luận cương cách mạng Việt Nam, do đồng chí Trường Chinh trình bày, nhấn mạnh: “Cách mạng Việt Nam không có nông dân tham gia thì nhất định thất bại”; “triệt để thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.

Người nông dân Nghệ Tĩnh đứng lên làm cách mạng 1930-1931, lập ra các xô viết, việc đầu tiên họ thực hành là tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân nghèo. Giữa cao trào cách mạng ấy, trong lời kêu gọi nhân ngày mất của V. Lênin, 21/1/1931, Đảng Cộng sản Đông Dương lại nhấn mạnh: “Hết thảy ruộng đất về dân cày!”.

Đến bây giờ, đối với hơn 60 triệu nông dân nước ta, ruộng đất vẫn là vấn đề cốt tử. Làm cách mạng không được quên điều đó. Nhưng, nông dân quê tôi trong tiến trình phát triển còn đứng trước vấn đề bức xúc: Đi lên như thế nào từ ruộng đất của mình?

Tháng Tám vừa rồi, tôi về thăm quê. Vẫn vùng cát pha duyên hải, vẫn thiên nhiên khắc nghiệt, vẫn con bò đi trước chiếc cày chìa vôi. Thực khó mà đi lên từ nghề nông thuần túy. Trong gần 20 năm thời kỳ đổi mới, bà con nông dân trăn trở: Làm nghề gì? Trồng cây gì? Nuôi con gì? Chuyển dịch kinh tế nông nghiệp như thế nào?

Xưởng cơ khí nhỏ của 4 cha con ông Nguyễn Thanh Sơn (Nghi Xuân) sửa chữa ô tô và tàu thuyền (Ảnh: Lê Tùng)

Nông dân ngày nay khác nông dân ngày xưa. Nông dân có học, không nhiều thì ít. Lúc anh Trương Đình Tuyển về làm Bí thư, năm 2006 Tỉnh ủy Nghệ An đã ra được một nghị quyết, xác định tất cả nông dân dưới 50 tuổi phải được đào tạo. Tiến sĩ Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm khuyến nông-khuyến ngư quốc gia, cho rằng, nghị quyết này là một đột phá. Tại cuộc giao ban hoạt động khuyến nông-khuyến ngư vùng Bắc Trung Bộ, tổ chức tại Cửa Lò, ngày 25/8/2008, ông Khiêm nhấn mạnh, tăng cường hạ tầng cơ sở nông nghiệp là cần thiết, nhưng công tác đào tạo nông dân là quan trọng, đó thực sự là giải pháp bền vững đối với người làm ruộng.

1 trong 4 kho chế biến hải sản đông lạnh ở Nghi Xuân, mức chứa trên 30 tấn (Ảnh: Lê Tùng)

Tôi không muốn lạm bàn. Nhưng công tác khuyến nông nước ta quan trọng là thế, ngân sách chưa đủ, lại luẩn quẩn cơ chế 3 cấp: Đào tạo nghề nông – việc của Bộ Thương binh-xã hội; Bộ này ký hợp đồng với Hội Nông dân; Hội Nông dân ký hợp đồng thuê hệ thống khuyến nông các tỉnh. Trong lúc, Bộ Nông nghiệp-phát triển nông thôn đã có Trung tâm khuyến nông-khuyến ngư quốc gia, một tổ chức chuyên môn có trình độ nghiệp vụ và hệ thống xuống tận địa phương. Công tác khuyến nông còn thiếu động lực. Khuyến nông đồng bằng còn được chú ý, miền núi chưa làm được bao nhiêu. Cán bộ khuyến nông bản làng nghe đâu được hưởng trợ cấp hai ba chục ngàn đồng/tháng. Trong công tác tam nông, cần chú trọng bản làng miền núi hơn nữa, để giữ yên biên cương Tổ quốc.

Trở lại nghề nông quê tôi, với một số đầu tư tăng cường, vừa rồi Nghi Xuân đã xuất hiện các cánh đồng, với tổng diện tích khoảng 1,7 vạn ha, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Nếu trồng 2 vụ lúa, giỏi lắm cũng chỉ đạt 30 triệu đồng/ha. Sản phẩm mới làm tăng thu nhập là dưa hấu, vừa rồi được mùa. Anh Nguyễn Hữu Hơn, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông của tỉnh Nghệ An, nói rằng, mấy năm nay bà con nông dân trong vùng đã gieo thêm lạc vụ đông, thu nhập cao hơn, đồng thời tạo giống cho vụ xuân. Chứ ngày xưa, lạc giống để qua năm, tỷ lệ nảy mầm thường thấp. Sản xuất phải tự thân, không thể gượng ép. Việc nhà nước lo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chỉ đúng một phần, với những sản phẩm chủ lực, như thóc gạo. Nông dân cần được đào tạo bằng những chương trình khuyến nông, để tìm lối ra thị trường cho sản phẩm trên mảnh ruộng của mình.

Dịch vụ mọi nghành, mọi nghề, dường như là một lời giải đáp. Người dân Nghi Xuân đã tận dụng vị trí khá đắc địa của xã nhà: Gần Vinh-Bến Thủy, gần Cửa Lò-Cửa Hội, nằm bên sông Lam, có đường tỉnh lộ chạy qua. Đến nay Nghi Xuân có 520 hộ kinh doanh, từ vàng bạc đá quý, hàng tạp hóa, giao thông vận tải, đến chế biến nông hải sản. Xuất hiện một số cơ sở mộc dân dụng, cơ khí gò hàn, doanh nghiệp xây dựng, sửa chữa điện máy.

Lao động xuất khẩu đóng vai trò quan trọng tích lũy vốn cho sản xuất và cải thiện đời sống. Cả xã Nghi Xuân có 920 người đi lao động tại 20 nước, gửi về 35-40 tỷ đồng/năm, gần bằng 1/2 tổng giá trị sản phẩm của xã năm 2007. Ở xã bên, nay là phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, dẫn đầu phong trào lao động xuất khẩu, với 1500-1600 lao động, gửi về ngoại tệ trị giá 60 tỷ đồng/năm. Quanh vùng này, nhờ có nguồn vốn lớn từ lao động xuất khẩu, đã có khoảng 10 doanh nghiệp đủ tiềm lực thực hiện dịch vụ cung cấp cho các tàu thuyền của bà con các tỉnh nam Trung bộ đánh bắt cá xa bờ, rồi bao tiêu sản phẩm. Trung Quốc là thị trường vô biên cho việc tiêu thụ hải sản chất lượng cao của Cửa Hội.

Ao xây đất vườn nuôi cá lóc cao sản của bác Long Vân, phường Nghi Hòa (Ảnh: Lê Tùng)

Phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, có bác Nguyễn Long Vân, năm nay 76 tuổi, một tấm gương sáng vượt khó làm giàu. Từ năm 2005, gia đình bác khởi nghiệp nuôi cá lóc cao sản tại ao xây trong vườn. 2 năm qua tạo ra giá trị 1 triệu-1,5 triệu đồng/m2 mặt nước ao nuôi. Gia đình ông Long Vân đang thực hiện dự án nuôi cá lóc qua đông, tạo ra mỗi năm 2 vụ cá, đảm bảo thị trường luôn có sản phẩm cá lóc chất lượng cao. Bác đã chia sẻ kinh nghiệm và vốn với bà con trong vùng. Năm nay toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 120 hộ thực hiện loại dự án này.

Người nông dân quê tôi đi lên bằng tất cả những nguồn lực của mình. Toàn xã có 25% hộ giàu, 35% hộ khá, chỉ còn 10% hộ nghèo. Y tế cộng đồng phát triển. Xóm làng khang trang, toàn nhà xây, nhiều nhà cao tầng. Nhưng, cũng phải nói rằng, không phải tất cả các xã trong huyện đều đạt được mức phát triển sản xuất và đời sống như Nghi Xuân, nơi có vị thế khá đắc địa và điều kiện học hành.

Chỉ mong sao, quá trình đô thị hóa đừng nuốt chửng quê tôi.

Con trai tôi hồi học lớp 3, trong bài văn về quê hương, viết rằng: Quê hương em ở xã Nghi Xuân, nơi có các rặng tre làng vi vu gió thổi, có mái đình, cây đa trưa hè tỏa bóng mát.

Mái đình, cây đa ngày ấy đâu rồi!

Ngày xưa, làng tôi có ngôi Đền Văn Bằng uy nghiêm, trầm mặc, to vào hàng nhất tổng Đặng Xá. Mỗi lần vào đền, đi qua hai ông hộ pháp cầm đao trấn giữ, sờ sợ mà an lòng. Sau này, thời hợp tác xã, không hiểu sao, dân làng phá mất ngôi đền. Đền Phúc Vĩ làng dưới đẹp là thế, nay cũng không còn. Miếu tôn thờ đạo học trên cánh đồng làng trước nhà tôi, nay cũng không còn. Mỗi lần về làng, muốn đến thắp nén hương ở đền Thành hoàng, biết đến nơi nào. Đó là chỗ thiếu thiếu ở miền quê nhiều khí phách anh hùng này.

Chỗ Đền Văn Bằng xưa, giờ nhà dân san sát. Muốn xây một ngôi đền như vậy, tốn vài tỷ đồng. Mà có ngôi đền, cũng còn trải nhiều năm tháng, vận khí mới kết tụ vào. Đền là một phần của văn hiến người Việt. Các làng Việt thường lập nên để thờ các bậc hào kiệt, người hiền tài có công với nước, với làng. Lâu dần, đền tụ khí thiêng sông núi, lòng người, tâm linh. Vậy nên, một tướng phương Bắc từng thốt lên, “Không sợ người nước Nam, mà sợ quỷ thần nước Nam”. Thần và người cũng là một vậy.


Tin khác