Hội phải bảo vệ quyền lợi kinh tế cho nông dân

12/06/2009

Nông thôn ngày nay trích giới thiệu ý kiến của TS. Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách PTNNNT (IPSARD), góp ý cho đề án: “Nâng cao vai trò, nhiệm vụ của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giai cấp NDVN”

Suốt chặng đường trên 20 năm đổi mới, NDVN là người sáng tạo ra chính sách nông nghiệp đổi mới, là lực lượng nòng cốt tạo nên bước đột phá phát triển kinh tế, phát triển nông thôn thành công rực rỡ, mở ra cục diện mới phát triển đất nước. Trong những thời điểm đất nước trải qua các tác động của khủng hoảng kinh tế quốc tế, nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển luôn là nhân tố tạo sự bình ổn cho kinh tế, xã hội nước nhà…

Bước vào thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, để tiếp tục là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, người nông dân Việt Nam sẽ phải vượt qua những thách thức rất to lớn. Khó khăn nhất đối với nông dân trên con đường phát triển sản xuất hàng hoá lớn là khắc phục nhược điểm của chính nền kinh tế tiểu nông. Không có một hệ thống dịch vụ sản xuất nào có thể vượt qua rủi ro và bù đắp nổi chi phí giao dịch để tiếp cận tới hơn mười triệu hộ nông dân và hàng triệu hộ ngành nghề riêng rẽ, nhỏ lẻ phân tán trên cả nước như hiện nay. Một hệ thống phân phối kinh doanh ở nông thôn dựa vào hàng vạn hộ tiểu thương rời rạc không thể tạo nên nguồn hàng hóa ổn định, đồng nhất, rõ ràng về xuất xứ, đảm bảo về chất lượng cho nhu cầu thị trường quốc tế. Những hộ tiểu nông trung bình chỉ có 0,6 ha lại chia thành nhiều mảnh đất nhỏ không thể nào áp dụng máy móc cơ giới và tạo ra khối lượng hàng hoá đồng đều, qui mô lớn được.

Thách thức lớn nhất trong cơ chế thị trường là hiện tượng “mạnh được yếu thua.” Quá trình toàn cầu hoá có những luật chơi không công bằng, bất lợi cho nông nghiệp của các nước đang phát triển.Ngay trong nước, quá trình phát triển kinh tế thị trường tất yếu không tránh được hình thành các nhóm khác biệt nhau về lợi ích kinh tế và quyền lợi xã hội. Trong nông thôn, nhiều nơi nông dân khiếu kiện đông người do thiệt thòi về bồi hoàn chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp, đô thị; người sản xuất thường xuyên đương đầu với biến động giá cả bất lợi khi mua vật tư đầu vào và bán nông sản, nông dân … trong khi việc bắt bí giá cả, lợi dụng thông tin, phá hoại môi trường của tư thương, người kinh doanh, nhà đầu tư,… diễn ra khá nhiều.

Khỏang cách chênh lệch về quyền lợi kinh tế và xã hội giữa nông dân với công nhân công nghiệp, với dịch vụ và cư dân đô thị chưa thu hẹp, trong khi ưu thế về thông tin, quyền lực và điều kiện sống tiếp tục bất lợi cho cư dân nông thôn. Cuối thập kỉ 1990, dân nông thôn Việt Nam chiếm 80% dân số mà chỉ hưởng 30% mức tiêu dùng xã hội. Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá hiện nay đang tiếp tục thu hút ngày càng nhiều các nguồn tài nguyên chủ chốt của nông nghiệp và kinh tế nông thôn như lao động, đất, nước, khóang sản,... Thêm vào đó là những yếu tố biến động của thiên tai, dịch bệnh, thị trường và quá trình biến đổi khí hậu trong tương lai tiếp tục tạo ra nhiều biến động và rủi ro trong sản xuất và đời sống cho nông dân.

Cam kết chính trị đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong cơ chế thị trường đồng thời cũng là giải pháp đảm bảo phát triển vững bền, ổn định trong xã hội khác biệt về quyền lợi, phải thể hiện ở quyết tâm tổ chức đội ngũ lao động nông nghiệp khổng lồ thành một lực lượng thống nhất. Hồ Chí Minh trong cuốn “Đường cách mệnh” bằng ngôn từ bình dân 80 năm trước đã chỉ ra những việc “tổ chức dân cày” phải làm. Diễn giải thành các nội dung sau: mục tiêu của hội phải là bảo vệ quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa cho nông dân; đối tượng hội viên phải thực sự là nông dân, đủ tuổi trưởng thành, tư cách đạo đức, chính trị tốt, có hội viên giới thiệu; công việc của hội phải thiết thực, có lợi cho dân, cho nước như kết nạp hội viên, dạy cách làm ăn, tổ chức hợp tác xã, phát triển giáo dục, văn hóa, chống hủ tục, tệ nạn xã hội, cứu trợ xã hội.

Về cách thức tổ chức, “Đường cách mệnh” chỉ dẫn nông hội nên làm giống như công hội: Có thể tổ chức theo hội nghề nghiệp (ai làm nghề gì vào hội ấy) hay theo cách mạnh hơn là hội ngành hàng (những người làm chung một họat động trong một ngành, trên một địa bàn cùng tham gia một hội). Hội viên phải đóng góp hội phí để chi cho họat động thường xuyên, hỗ trợ lúc khó khăn như thất nghiệp, đình công (với công nhân) và đầu tư vào các họat động phát triển như mở trường, thư viện, bệnh viện, cơ sở văn hóa phúc lợi, xây dựng hợp tác xã, và lập các tổ chức của Hội. Khi tổ chức Đại hội, phải cử Đại biểu là người lao động, không phải là quan chức của Hội. Sự khác biệt chính giữa Hội với các tổ chức chính trị như Đảng là Hội phải chú trọng về khía cạnh kinh tế. Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta đã biết “cách mệnh” tinh thần, “cách mệnh” kinh tế, thì “cách mệnh” chính trị cũng không xa”.

Đối chiếu với những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, hội Nông dân Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để thực sự là tổ chức “của nông dân, do nông dân và vì nông dân”. Khác với các đoàn thể chính trị xã hội khác, Hội là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ lao động lớn nhất cả nước với 10 triệu hội viên. Trước tác động tổng hợp của công nghiệp hoá, đô thị hoá, toàn cầu hoá, thị trường hoá, quyền lợi của lao động nông thôn đang trải qua những biến động to lớn. Người nông dân mong đợi Hội các hoạt động thiết thực hỗ trợ sản xuất và đời sống, tham gia sử lý các tranh chấp, tổ chức các chương trình phát triển nông thôn, đóng góp xây dựng và thực hiện chính sách.

Cần nghiêm túc nghiên cứu phương án đổi mới Hội thành tổ chức kinh tế xã hội, chú trọng vào hoạt động kinh tế. Thành viên của hội nên tập trung vào tầng lớp nông dân hoặc lao động nông thôn. Những người đại diện của tổ chức nông dân phải được nông dân tín nhiệm bầu lên. Đại biểu tham dự Đại hội đa số phải là người thực sự làm nghề nông. Chương trình nghị sự của Đại hội, nội dung họat động của Hội phải tập trung vào việc làm ăn của nông dân, những vấn đề thiết thân đến đời sống lao động nông thôn. Kinh phí của Hội kể cả quĩ lương cho cán bộ dù được nhà nước trợ cấp nhiều nhưng vẫn phải dựa vững vào đóng góp tự giác của hội viên và họat động kinh doanh của Hội.

Bước tiếp theo là tiếp sức cho Hội để có thể đảm nhiệm trọng trách của mình trong các họat động kinh tế xã hội. Nhà nước song song với việc tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ và hội viên của Hội và hỗ trợ kinh phí, cũng từng bước phân cấp, giao quyền cho Hội tự chủ, quản lý các công việc, tham gia dịch vụ công trực tiếp phục vụ nông dân, phục vụ nông nghiệp như đào tạo nghề, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, bảo vệ sản xuất, các chương trình phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Các tổ chức nông dân bắt nguồn từ cộng đồng thôn bản phải trở thành những đơn vị tự quản, tự chủ để đóng vai trò chủ động trong quá trình quản lý xã hội, quản lý tài nguyên tự nhiên, khai thác sử dụng các cơ sở hạ tầng ở nông thôn và tổ chức phát triển kinh tế hợp tác.

Khi Hội đã đủ mạnh để đại diện cho nông dân đàm phán, xử lý tranh chấp với các đối tác, có thể tiến đến hỗ trợ Hội phát triển hoạt động kinh doanh, từng bước chủ động việc cung ứng các vật tư nông sản thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, khống chế kinh doanh các nông lâm thủy sản quan trọng nhất. Tiếp đến hỗ trợ để Hội nông dân có vị thế bảo vệ quyền lợi của cư dân nông thôn trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách, có tiếng nói công bằng đại diện cho nông dân trong đời sống chính trị xã hội của đất nước.

Nghị quyết trung ương VII dự kiến đến năm 2020, sẽ đào tạo kĩ năng nghề nghiệp và tạo điều kiện cho nông dân làm ăn giỏi tích lũy đất đai, vốn liếng trở thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Đông đảo lao động nông thôn sẽ được đào tạo, hỗ trợ tham gia thị trường lao động công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu. Hội phải đủ mạnh để tổ chức nông dân xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp, chuyển mình thành công vào nền nông nghiệp sản xuất lớn, hiện đại và xã hội công nghiệp tương lai. Giai cấp nông dân hôm nay là công nhân và trí thức ngày mai. Tổ chức người lao động đủ mạnh để tự vệ và phát triển trong cơ chế thị trường là thể hiện rõ rệt nhất của định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn phát triển mới.

Xem thêm bài viết đầy đủ đăng tải trên Tạp chí cộng sản- Số 800 tháng 6/2009


(Bài viết đăng tải trên báo Nông thôn ngày nay- Số 117- Ra ngày 12-6-2009)

Tin khác