Với mức tăng trưởng 6,18% cho năm 2008, nền kinh tế Việt Nam vẫn được xem có mức tăng trưởng ấn tượng trong một bối cảnh toàn cầu ảm đạm. Nhưng ngay ở thời điểm này, chưa ai dám nghĩ tới sự chấm dứt các rắc rối của chuỗi vấn đề kinh tế vi mô và vĩ mô đan xen nhau... Cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 12 năm 2008 đã chấm dứt sứ mệnh của 25 ngân hàng thương mại Hoa Kỳ, chỉ trong một năm, tính từ tháng 10 năm 2007. Bão tố đã lan đi khắp nơi, sang cả Tây Âu, Đông Âu, Nam Mỹ và châu Á. Có lẽ, không một ngóc ngách nào của nền kinh tế toàn cầu, đang được đặt trong các nỗ lực nhất thể hóa cao độ của WTO, WB, IMF cũng như nhiều tổ chức đa phương quốc tế khác, lại có thể miễn nhiễm khỏi căn bệnh tụt huyết áp tài chính ghê gớm này.
Bên cạnh những khó khăn khiến cho đời sống của hàng tỷ con người khắp trái đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những lý thuyết kinh tế học và phương pháp ứng xử quy mô lớn cho các quốc gia, không phân biệt giàu - nghèo, lớn - bé, cũng đang bị thách thức nghiêm trọng. Niềm tin vào các hệ thống lý thuyết được xây dựng từ nhiều thập kỷ, và đặc biệt phát triển lên tầm cỡ đỉnh cao sau cuộc Đại suy thoái 1929-1933, đang bị xói mòn. Hệ thống kinh tế học ấy như một cơ thể cường tráng, bị những căn bệnh quái ác làm cho suy sụp. Những căn bệnh sinh ra bởi các đoàn quân vi rút đang làm xói mòn sức chống đỡ của niềm tin.
Không thể không tự hỏi, vậy sự phát triển trong hơn 20 năm Đổi Mới của Việt Nam nằm ở đâu trong lịch sử của dân tộc, của nền kinh tế toàn cầu đương đại và của số phận nhân loại. Có lẽ, không một ai, với sự tâm huyết dành cho dân tộc Việt Nam, sự trăn trở và những nỗ lực của người Việt Nam, lại không thấy được nỗi truân chuyên của một hành trình đầy thăng trầm, những bước đột phá và cả những bài học sâu sắc, không chỉ dành cho nhận thức lịch sử, mà còn có cả ý nghĩa hướng tới giải pháp tương lai.
"Kinh tế Việt Nam: thăng trầm và đột phá" được viết ra với tinh thần như thế: vì Việt Nam, do Việt Nam và của Việt Nam.
Để phản ánh thực tế của một tiến trình dài lâu, cuốn sách được viết thành ba phần cơ bản. Phần I là các quá trình với những thay đổi có mặt tích cực, có mặt hạn chế, trải dài theo thời gian mà ký ức về chúng vẫn còn in sâu trong nhiều thế hệ công dân. Phần II, đã có những đột phá được chủ kiến đúng và cả sự thúc ép của các điều kiện kinh tế. Những đột phá ấy được xem xét trong cuốn sách như những phạm trù trọn vẹn, là những điểm nhấn làm sáng rõ các hành trình thời gian mà số đông sự kiện có thể che khuất bản chất "đột phá" của những sự kiện có tính chất bước ngoặt, như thay đổi cấu trúc, chuyển hướng tư duy, bứt phá về mô hình. Phần III, các vấn đề kinh tế vi mô và vĩ mô thường không chỉ xuất hiện một lần, mà lặp đi lặp lại, ở các dạng thức khác nhau, lúc ẩn lúc hiện. Có những vấn đề và bài học mà ích lợi của việc nhận thức, sự đột phá về cơ cấu và tư duy kinh tế không bị bó hẹp trong một khoảng không gian và thời gian cụ thể. Đó còn là những quy luật phổ quát, có xu hướng lặp lại và biến thể mỗi lúc một phức tạp và bất ngờ hơn.
Ba phần này tiếp cận nền kinh tế như một chỉnh thể sống trong không gian và thời gian hợp lý, có tính lôgic và những nhận thức có lợi cho tư duy kinh tế lâu dài.
Cần phải nói ngay rằng trọng tâm được trình bày trong cuốn sách là hệ thống các thị trường và phương tiện kiểm soát tài chính tiền tệ. Lý do thật đơn giản là vì: Công cụ tài chính tiền tệ ngày nay đã trở thành vũ khí chủ lực để các thể chế và chính phủ sử dụng chống lại những kẻ thù kinh tế, ẩn mình dưới những biến động bất thường, có tính tàn phá và làm xói mòn sự bền vững của nền tảng kinh tế. Một phần quan trọng khác là nền kinh tế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước ngày càng rõ rệt ở Việt Nam, trong đó các thị trường tài chính có ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ.
Sách gồm 13 chương chính:
Chương 1. Sóng gió
PHẦN I. THĂNG TRẦMChương 2. Những hạt mầm đầu tiên
Chương 3. Cam go độc lập tiền tệ: 1945-1954
Chương 4. Kinh tế Việt Nam thời kỳ 1955-1985
Chương 5. Kinh tế tài chính thời kỳ Đổi Mới 1986-2000
Chương 6. Đặc trưng biến động kinh tế trong quá trình chuyển đổi
PHẦN II. ĐỘT PHÁChương 7. Đột phá tư duy kinh tế: Đổi Mới
Chương 8. Hệ thống ngân hàng hai cấp
Chương 9. Tài sản và Thị trường
Chương 10. Thị trường chứng khoán
PHẦN III. VẤN ĐỀ VÀ HIỆN TƯỢNGChương 11. Một số vấn đề của các thị trường tài sản
Chương 12. Quản lý nhà nước đối với các thị trường và tài sản
Chương 13. Việt Nam hội nhập toàn cầu
Chủ thể của 538 trang sách là nền kinh tế của Việt Nam, với trọng tâm nghiên cứu đặt vào hệ thống tài chính - tín dụng - tiền tệ. Bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam được trình bày với mong muốn để lại trong độc giả những suy nghĩ về hành trình tiếp tục chinh phục nền kinh tế toàn cầu cùng giấc mơ nước Việt Nam thịnh vượng.
Các nhà quản lý, nghiên cứu chính sách, đầu tư, giới phân tích, người quan tâm kinh doanh, có nhu cầu tìm hiểu kiến thức kinh tế - xã hội tìm thấy ở cuốn sách nguồn tra cứu thuận tiện với các thuật ngữ, vấn đề, hiện tượng nổi trội của kinh tế Việt Nam được liệt kê cùng số trang tương ứng trong phần Tra cứu ở cuối sách.
Một vài ý phân tích có thể được lặp lại ở các phần khác nhau của cuốn sách do các vấn đề và hiện tượng đặc trưng có tính phổ quát trong nền kinh tế. Bong bóng tài sản tồn tại cả với thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Hiện tượng nhập siêu từng xuất hiện trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, lặp lại ở giai đoạn 1986-1988, được bàn tiếp trong những năm 1994-1998, và lại có trong chương trình nghị sự của các kỳ họp Quốc hội năm 2008. Hiện tượng "bầy đàn" thể hiện rất rõ ràng qua hình ảnh chen nhau mua vàng vào lúc giá lên, vay mượn mua chứng khoán lúc VN-Index ở đỉnh, thế rồi, lại đổ xô đi đặt lệnh bán khi chỉ số giá sụt giảm.
Một lẽ tự nhiên, một hành trình dài với nhiều thay đổi quan trọng đã để lại nhiều câu hỏi trong quá khứ và có thể sớm gặp lại trong tương lai. Những vòng xoáy của thăng trầm và những đột phá lớn cũng đặt ra các vấn đề rất bản chất, hữu cơ với hệ thống kinh tế chính trị của đất nước. Những vấn đề ấy không nhất thiết phải có một câu trả lời duy nhất đúng, một đáp án được sắp sẵn để sử dụng.
Các vấn đề kinh tế học ngày càng cho thấy rõ bản chất kinh tế - chính trị đan xen phức tạp, với các hệ thống lợi ích tổng thể hay cục bộ, thống trị hay phục tùng. Nền kinh tế Việt Nam đang mỗi lúc một tiến sát tới biên giới của các hệ thống trò chơi kinh tế - chính trị tác động qua lại hết sức rắc rối của các lực lượng đến từ toàn cầu.
Có thể coi đây là một cuộc chiến không khoan nhượng về lợi ích, mà về lâu dài, các mỹ từ như ``cùng có lợi'' hay ``chia sẻ lợi ích'' hoặc ``thương mại công bằng''... là những khoảng dừng dễ thở của một cuộc leo dốc cạnh tranh quyền lợi khốc liệt, giành giật và kiểm soát tài nguyên, khống chế các vũ khí kinh tế có thể điều khiển các bộ phận kinh tế nòng cốt... như đã từng thấy với dầu mỏ, vàng, mặt nước, phân phối điều tiết dòng tài chính, v.v..
Vậy những suy nghĩ về đường hướng phát triển kinh tế của chính người Việt Nam đâu? Ai quan tâm? Ai đã làm gì? Ai được hưởng? Như đã từng vượt qua những ghềnh thác đầy thách thức của lịch sử, những biến cố kinh tế mới đây và sẽ còn tiếp tục trong tương lai được coi là cơ hội để nền kinh tế thị trường non trẻ của Việt Nam điều chỉnh thích ứng hợp lý, tích lũy kinh nghiệm và năng lượng cho một thời kỳ phát triển mới của lịch sử kinh tế đương đại Việt Nam.
Cuốn sách được biên soạn trong một thời gian dài, với rất nhiều công sức và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, sai sót là không thể tránh khỏi. Các tác giả cảm ơn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã phối hợp biên tập và xuất bản cuốn sách, giới thiệu cuốn sách tới độc giả cả nước.
Và cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, các tác giả gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới bạn đọc và rất mong được độc giả đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện cuốn sách.
Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng
[Tải mục lục chi tiết của Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá]