Hiện cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp (DN), trong đó DN nhỏ và vừa chiếm 97%, đóng góp khoảng trên 40% GDP cả nước.
|
ản xuất bánh kẹo tại Công ty Thực phẩm dinh dưỡng miền Nam (SNFOOD). Ảnh: HỒNG THÚY |
Tiềm năng
Khảo sát vừa công bố của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS cho hay 72% chủ DN nhỏ và vừa đã khẳng định công ty của họ sẽ hoạt động tốt hơn trong tương lai, điều này chứng tỏ các DN nhỏ và vừa VN rất lạc quan về triển vọng kinh doanh. Ông Jeff McLean, Tổng Giám đốc UPS VN, cho rằng đấy chính là tiềm năng kinh tế tương lai của quốc gia, các DN này sẽ có khả năng phát triển mạnh mẽ nếu như họ được trao đúng chiếc chìa khóa để mở các cánh cửa trong kinh doanh.
Ông Trần Hoàng Ngân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cũng nhận định các DN nhỏ và vừa đóng một vai trò rất quan trọng vào nền kinh tế của đất nước, nó âm thầm giải quyết công
ăn việc làm, tạo ra các hàng tiêu dùng thiết yếu, các ngành công nghiệp phụ trợ.Ngay cả các nền kinh tế có quy mô lớn, trình độ phát triển cao như Nhật Bản, Mỹ, Tây Âu... vẫn chú trọng phát triển DN nhỏ và vừa, bởi nhóm này và DN lớn bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc sử dụng nguồn lao động và sản xuất các sản phẩm mà các DN lớn không làm được. Theo cuộc khảo sát trên quy mô rộng của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), cứ sau 10 năm lại có một số DN nhỏ “vượt khó vươn lên” thành DN lớn, có nhiều đóng góp hơn vào sự phát triển của nền kinh tế.
Khó về vốn và nhân lực
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, cho biết: “DN nhỏ và vừa VN có 4 khó khăn: vốn, nguồn lao động, khả năng áp dụng công nghệ và khả năng tiếp nhận thông tin còn hạn chế. Trong đó, vốn và nhân lực là bài toán nan giải nhất”. Một số ngân hàng hiện vẫn áp dụng mức lãi suất khá cao đối với các DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, đa số DN này thường không đáp ứng được đầy đủ về thủ tục, tài sản bảo đảm khi vay vốn nên gặp khó khăn về hạn mức và thẩm định giá từ phía ngân hàng. Một vài mặt hàng kinh doanh từ phía DN nhỏ và vừa không được phía ngân hàng chấp nhận cho vay vốn.
Mới đây, trong một cuộc họp với các DN, quỹ bảo lãnh tín dụng TPHCM và công ty cổ phần đầu tư tài chính TP đã đưa ra nhiều hứa hẹn giúp các DN nhỏ và vừa trong nước tiếp cận với nguồn vốn vay một cách thuận lợi.
Khảo sát của TNS cũng cho thấy khoảng 61% các DN nhỏ và vừa VN có ý định cắt giảm nguồn nhân lực. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết: “Đa số các DN nhỏ và vừa không đủ tiềm lực tài chính và môi trường làm việc để thu hút nhân tài, xây dựng bộ máy nhân sự vững chắc. Lao động phần lớn là phổ thông và chưa qua đào tạo”. Vì vậy, giải pháp trước mắt vẫn là đào tạo, trang bị lại kiến thức cho cán bộ nhân viên, nâng cao hiệu suất của các nguồn lực từ bên trong của DN. Hiện TP đã thành lập viện nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị, mới đi vào hoạt động 2 tháng, song đã thu hút được khoảng 1.000 người tham gia nhập học từ phía các DN nhỏ và vừa.
Minh bạch luật lệ Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Nhà nước và các ban, ngành cần công khai minh bạch về luật lệ, giúp đỡ các DN về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng về nguồn lực; giúp DN tìm và mở rộng thị trường... Thực hiện các chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, vốn, công nghệ, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu... Nếu được triển khai phù hợp, sát thực, đây sẽ là một đòn bẩy giúp các DN nhỏ và vừa phát triển. |
Theo www.nld.com.vn