Thị trường thế giới Sau khi giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng hồi tuần trước, giá cà phê thế giới tuần qua có xu hướng tăng nhưng không ổn định trước nhu cầu giao dịch thất thường của các quỹ hàng hoá và các nhà đầu cơ. Tại New York, giá cà phê Arabica ngày 29/7 đạt 2.292 USD/tấn, tăng 82 USD so với cuối tuần trước. Trong khi đó, tại London, giá cà phê Robusta có xu hướng giảm từ 1112 USD/tấn tuần trước xuống còn 1084 USD/tấn.
Thời gian qua, giới lại một lần nữa chứng kiến tính bất ổn của mặt hàng này trên các thị trường giao dịch. Chỉ một thông tin về sự thay đổi thời tiết tại các vùng trồng cà phê chính trên thế giới sẽ gây biến động về giá trên các thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân về thời tiết tác động còn có nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng tới giá cà phê trong dài hạn, như lượng tiêu thụ trên toàn thế giới.
Tiêu thụ cà phê của thế giới phụ thuộc vào mức sống và trình độ công nghiệp hoá ở mỗi nước. Khoảng 25% sản lượng cà phê thế giới (tương đương 23 triệu bao) do các nước trồng cà phê tự tiêu thụ; 75% được tiêu thụ tại các nước nhập khẩu (tương đương 95 triệu bao).
Tổng mức tiêu thụ cà phê toàn cầu đã tăng liên tục trong giai đoạn 1995, 1996 đến 1999, 2000 với tốc độ tăng trưởng bình quân 2,05%/năm. Trong đó tốc độ tăng của các nước nhập khẩu cà phê là 2,25%/năm trong thập niên 90; các nước xuất khẩu là 1,5%/năm.
Mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người/năm dao động trong khoảng 4,5 – 4,7kg. Trong đó Mỹ: 4,1 – 4,2kg, các nước EU: 5,2 - 5,5kg (trong đó Phần Lan cao nhất: 11 kg, Đan Mạch và Thuỵ Điển trên 8kg và thấp nhất là Anh trên 2 kg); Nhật Bản khoảng 3kg. Các nước sản xuất cà phê, mức tiêu thụ bình quân đầu người thấp chỉ 1 kg.
Dự kiến, trong giai đoạn 2000 – 2010, mức tiêu thụ cà phê chỉ tăng khoảng 1,9%/năm (trong khi thập kỷ trước tốc độ tăng trưởng 2,05%). Như vậy, mức tăng tiêu thụ cà phê đã giảm đi chủ yếu do sự suy giảm về mức tiêu thụ ở các thị trường truyền thống Tây Âu và Bắc Mỹ. Đáng chú ý là tiêu thụ cà phê ở các nước đang phát triển dự báo sẽ tăng 2,5%/năm. Tốc độ tăng tiêu thụ cà phê của các nước phát triển đạt khoảng 1,3%/năm.
Dự báo, giá cà phê tuần tới sẽ chưa thể phục hồi mạnh như vài tháng trước đây và sẽ còn biến động phức tạp, do thiếu thông tin về cung cầu cà phê các nước sản xuất và tiêu thụ lớn và chịu sự ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết.
Thị trường trong nước
Giá cà phê thu mua trong nước tuần qua đã phục hồi đôi chút so với tuần trước do tác động của giá thế giới.
Tại Đắc Lắc, giá cà phê nhân xô vối cuối tuần đứng ở mức 16.000 đồng/kg, cao hơn so với 15.500 - 15.600 đồng/kg tuần trước. Giá cà phê robusta loại 2, 5% hạt đen và vỡ xuất khẩu cũng tăng lên trên 1.015 USD/tấn, FOB Sài Gòn.
Trong tuần qua, cả nước đã xuất khẩu được 3,9 nghìn tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,6 triệu USD. Xuất khẩu sang thị trường Đức trong tuần đạt kim ngạch 563 nghìn USD với giá trung bình 927 USD/tấn. Tiếp đến là thị trường Pháp với kim ngạch xuất khẩu đạt 549 nghìn USD, giá xuất 1107 USD/tấn. Trong tuần qua, xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ đạt kim ngạch rất thấp, khoảng 293 nghìn USD.
Thị trường cà phê hiện nay tiếp tục chịu ảnh hưởng họat động bán ra của giới kinh doanh trước vụ mới sắp đến.
Dự báo, giá cà phê robusta sẽ không giảm nhiều trong thời gian tới do nguồn cung cà phê robusta trên thị trường thế giới đang ở mức thấp. Đây có thể là thời điểm thích hợp để các khách hàng có thể mua được cà phê với giá thấp, bởi giá cà phê có thể tăng trở lại nếu có những thông tin không khả quan về vụ mùa sắp đến. Biến động thị trường cà phê sẽ phụ thuộc nhiều vào thông tin về sản lượng niên vụ mới của các quốc gia sản xuất chính sẽ được đưa ra trong một vài tháng nữa.