Việc đẩy nhanh vốn tín dụng sẽ tạo động lực tiếp sức để đẩy nhanh việc tái canh cà phê, từ đó tiến tới phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Đối thoại và Phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam do Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 2-12.
Tăng sản lượng cà phê chế biến
Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn (IPSARD) cho biết, theo điều tra của IPSARD, năm 2015 giá cà phê trong nước giảm liên tục từ đầu năm, trái với quy luật hàng năm. Cụ thể, giá bán đã giảm từ 41.000 đồng vào cuối năm 2014 xuống còn 36.000 đồng/kg trong tháng 11-2015. Cùng với đó, dù vẫn giữ vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê, song cả sản lượng và giá trị cà phê xuất khẩu đều giảm mạnh. Số liệu đến cuối tháng 11-2015 cho thấy, cả nước đã xuất khẩu được 1,13 triệu tấn cà phê, đạt tổng kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD, giảm 28% về số lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
|
Diện tích tái canh cà phê thời gian qua có tăng nhưng tốc độ vẫn còn chậm. |
Tuy nhiên, theo ông Thắng, điểm tích cực là xuất khẩu cà phê đã qua chế biến có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2013, chỉ 1,7% cà phê xuất khẩu là sản phẩm qua chế biến, nhưng trong 10 tháng năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên 11,2%. Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, lượng cà phê chế biến đã tăng đáng kể trong năm 2015 thể hiện qua việc tăng công suất tại nhiều nhà máy chế biến cà phê. Hiện tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 146.400 tấn.
Ngoài ra, trong năm 2015, một số DN cũng đầu tư thêm nhà máy chế biến. Cụ thể, Nestlé đầu tư 80 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất hạt cà phê khử caffeine, nâng tổng số nhà máy chế biến của Nestlé tại Việt Nam lên 5 nhà máy, với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD. Neumann Gruppe cũng đầu tư thêm một nhà máy chế biến cà phê mới tại Đồng Nai với công suất 26 tấn/giờ. Tương tự, Massimo Zanetti Beverage Group cũng vừa đầu tư một nhà máy ở Bình Dương với công suất 3.000 tấn/năm. Công ty Intimex cũng khánh thành thêm 1 nhà máy ở Bình Dương có công suất 90.000 tấn/năm. Hiện Intimex đã có 9 nhà máy chế biến cà phê đặt tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Dương.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của bà Võ Thị Lý, Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, khâu chế biến cà phê của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, sự liên kết giữa sản xuất – chế biến - tiêu thụ còn lỏng lẻo, dẫn đến khó quản lý chất lượng nguyên liệu, tổn thất cao. Ngoài ra, việc chế biến cà phê bột phát triển ồ ạt, tự phát, công suất thực tế thấp, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Tỷ lệ sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao như cà phê hòa tan còn rất thấp, chỉ chiếm 5% trong tổng lượng sản phẩm cà phê.
Ông Thắng cũng cho biết thêm, việc giá cà phê trong nước liên tục giảm khiến nhiều nông dân và nhà đầu cơ giữ cà phê không bán, do đó gây khó khăn về nguồn cung với các DN xuất khẩu. Việc giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu cũng khiến DN gặp khó khăn trong thu mua nguyên liệu. Ngoài ra, tỷ giá USD không ổn định gây rủi rủi ro đối với các DN vay vốn ngoại tệ trong hợp đồng kinh doanh xuất khẩu.
Cần đẩy mạnh tín dụng cho tái canh
Thực tế nêu trên đã đặt ra yêu cầu về việc đổi mới ngành hàng cà phê. Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện rất quan tâm tới các vấn đề chính của ngành cà phê, gồm vấn đề tái canh, phát triển thị trường và vấn đề phát triển bền vững cho ngành cà phê. Theo đó, diện tích tái canh thời gian quan có tăng nhưng tốc độ còn chậm. Do đó, cần tiến hành quy hoạch chi tiết diện tích tái canh, tiếp tục cập nhật và hoàn thiện quy trình tái canh dựa trên các căn cứ khoa học và phù hợp với thực tiễn; tăng cường công tác sản xuất và quản lý chất lượng giống phục vụ nhu cầu tái canh và đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng cho tái canh cà phê. Về việc phát triển thị trường, ông Doanh cho rằng cần tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng qua cải tiến khâu chế biến tại hộ và chế biến sâu, mở rộng thị trường xuất khẩu, kích cầu nội địa và đặc biệt quan tâm tới việc thông tin và dự báo thị trường nhằm hỗ trợ công tác xây dựng chính sách.
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, theo đề án tái canh từ 2014 – 2020 cần tái canh khoảng 120.000 ha, trong đó tái canh 90.000 ha và ghép cải tạo 30.000 ha. Tuy nhiên, đến hết năm 2014, tổng diện tích tái canh mới đạt 44.349 ha, dự kiến đến hết năm 2015 là 61.199 ha. Như vậy, từ nay tới năm 2020, vẫn còn gần 70.000 ha cà phê phải tái canh. Đây là thách thức lớn về kỹ thuật, nguồn vốn và tổ chức sản xuất. Nhiều đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng, do giá cà phê không ổn định nên nhiều hộ không thực hiện kế hoạch tái canh cà phê, thậm chí phá cà phê trồng cây khác.
Đối với vấn đề tín dụng cho tái canh cà phê, ông Võ Văn Chân, Trưởng ban Khách hàng Hộ sản xuất và Cá nhân Agribank cho biết, đến hết tháng 10-2015, dư nợ cho vay tái canh cà phê tại Agribank mới chỉ đạt 731 tỷ đồng trên 6.021 khách hàng. Theo ông Chân, một trong những rào cản trong việc cho vay tái canh cây cà phê nằm ở chính việc quy hoạch ngành cà phê. Theo đó, đề án tái canh chỉ hỗ trợ tín dụng đối với những diện tích nằm trong diện quy hoạch, trong khi các tỉnh mới chỉ có quy hoạch chung, chưa có quy họach chi tiết nên Agribank chưa có căn cứ để xây dựng phương án cho vay. Ngoài ra, chi phí tái canh khá tốn kém, nông dân phải mất nguồn thu nhập từ 5 – 6 năm; vốn đầu tư lớn, trên 150 triệu đồng/ha/3 năm đầu trong khi tài sản trên đất của nông dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, gây khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản đảm bảo và thực hiện hợp đồng thế chấp. Phần đông đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa không có khả năng tài chính, không có hoặc không đủ vốn tham gia vào dự án theo quy định hoặc không đáp ứng các điều kiện cho vay khác. Trong khi đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến còn nhiều hạn chế, khả năng sản xuất hàng hóa thấp khiến đa số nông dân ngại đầu tư công nghệ cao vào sản xuất cà phê.
Để đẩy mạnh tín dụng cho tái canh, ông Chân đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi quy định theo hướng nâng mức cho vay tối đa lên 200 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh và 100 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê. Cùng với đó, nâng thời hạn cho vay từ 8 lên 10 năm đối với phương pháp trồng tái canh và 6 năm đối với phương pháp ghép cải tạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tổ chức khảo sát tới tận tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về nhu cầu tái canh trong 5 năm tới để xây dựng chính sách tái canh chi tiết. Bộ cũng cần đứng ra làm đầu mối phối hợp liên kết giữa các nhà (Nhà nước – nhà nông – nhà DN) thực hiện tiêu thụ cà phê cho hộ trồng cà phê thông qua hợp đồng, chuỗi liên kết giá trị nhằm đảm bảo phát triển cà phê ổn định, bền vững.
Bà Võ Thị Lý cũng đề xuất, để nâng cao chất lượng cà phê nhân, cần kết nối nông dân tiếp cận công nghệ với các DN chế biến trong và ngoài nước. Đồng thời xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia đối với cà phê như tiêu chuẩn về chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan…
Bắt đầu từ năm 2016, một loạt các sáng kiến, chương trình trong và ngoài nước sẽ cùng đồng hành với ngành cà phê Việt Nam, tiêu biểu có gói tín dụng tái canh của Ngân hàng Nhà nước, chương trình cà phê bền vững và chương trình Sáng kiến cảnh quan bền vững Tây Nguyên cùng do Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tài trợ, chương trình Chuyển đổi nông nghiệp bền vững do World Bank tài trợ… |
Theo Hải quan Online