Bộ Nông nghiệp muốn làm mới HTX nông nghiệp

19/07/2016

Trước tình trạng các hợp tác xã (HTX) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động kém hiệu quả như thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đề ra chủ trương thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới tại vùng này.

Đó là nội dung quan trọng được nêu ra tại hội nghị “Triển khai thực hiện quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 21-3-2016 phê duyệt đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020”” diễn ra hôm nay, 14-7, tại Hậu Giang trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Hậu Giang năm 2016 (MDEC-Hậu Giang 2016).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn làm mới HTX nông nghiệp.

Trong ảnh là cánh đồng lúa Cẩm Cai Lậy của HTX Mỹ Thành (Tiền Giang). Ảnh: Trung Chánh

Mục đích của kế hoạch này, theo Bộ NNPTNT, là xây dựng các mô hình HTX gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị nông sản và có khả năng nhân rộng trong các lĩnh vực như lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL.

Theo đó, Bộ NNPTNT yêu cầu trong giai đoạn 2016-2020 phải tiến hành củng cố và phát triển khoảng 300 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả ở ba lĩnh vực, gồm lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái; đẩy mạnh mở rộng HTX liên kết chuỗi giá trị bền vững gắn với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra có thế mạnh; phát triển và mở rộng các HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả thành HTX kiểu mới quy mô cấp tỉnh, cấp vùng.

Sở dĩ Bộ NNPTNT muốn làm mới HTX, bởi thời gian qua, hoạt động của HTX kém hiệu quả, chỉ tồn tại trên hình thức, chưa làm tốt vai trò cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2014, toàn vùng ĐBSCL có 1.928 HTX nông nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có 8% số HTX có tham gia tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Còn tỷ lệ cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào của HTX nông nghiệp rất hạn chế, chỉ 18% HTX có tham gia hoạt động này, cung cấp giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y.

Trước thực trạng nêu trên và để hiện thực hóa được mục tiêu đề ra của HTX kiểu mới, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng trong tiêu chí chọn lựa thực hiện cần lưu ý không phân bổ chỉ tiêu dàn đều theo địa giới hành chính của 13 tỉnh/thành ĐBSCL. “Làm như vậy là phong trào, không được, mà chúng ta phải dựa trên đề xuất các tiêu chí quan trọng như nhu cầu liên kết, hợp tác thực chất của người dân”, ông cho biết.

Theo ông Hiệp, cũng cần phải lưu ý đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật của địa phương được chọn có đáp ứng được ngành hàng đó hay không. “Ví dụ, phát triển nuôi thủy sản, mà điều kiện thủy lợi không đảm bảo, thì làm sao phát triển được?”, ông nêu vấn đề.

Ngoài ra, ông Hiệp cho biết cần có cơ chế phối hợp về nguồn vốn, cần gắn ngành ngân hàng vào để hỗ trợ tốt cho mục tiêu này.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị này, ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho rằng trong quá trình sản xuất sản phẩm của HTX cần đặc biệt lưu ý đến chất lượng, chứng nhận sản phẩm.

“Giai đoạn hiện nay, người tiêu dùng quan tâm rất lớn về an toàn thực phẩm, do đó, cần quan tâm đầu tư công nghệ xử lý, bảo quản để làm sao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đạt yêu cầu”, ông cho biết.

Trong khi đó, về phía Nhà nước, theo ông Kiên, cần đặc biệt quan tâm và có cơ chế cho HTX phát triển để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, bởi trong quá trình hội nhập, hàng hóa nước ngoài với nền sản xuất hiện đại, phát triển trước Việt Nam rất lâu sẽ ồ ạt vào nước ta với giá thành rất thấp.

Theo Thesaigontimes 


Tin khác