Thách thức và hành động giải bài toán tăng trưởng âm nông nghiệp?

08/08/2016

Nông nghiệp Việt Nam Thời sự Kinh tế Thách thức và hành động giải bài toán tăng trưởng âm nông nghiệp? Nông nghiệp đang đối mặt những thách thức vô cùng lớn, biểu hiện lần đầu tiên rơi vào tăng trưởng âm trong suốt hàng chục năm liền tăng trưởng dương. Làm thế nào vực lại nông nghiệp 6 tháng cuối năm, cũng như lâu dài cần giải quyết... ra sao? Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã dành cho NNVN buổi phỏng vấn.

Giải bài toán tăng trưởng âm

Thưa Bộ trưởng, ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng âm. Tại sao vậy? Giải pháp nào vực lại nông nghiệp 6 tháng cuối năm, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng chung toàn ngành?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2016, nhất là 6 tháng đầu năm, vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra hết sức gay gắt trên tất cả các vùng, đặc biệt nổi lên là hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, khô hạn ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ, rét đậm đầu năm ở 14 tỉnh phía Bắc... Tất cả đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp dẫn đến 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên trong khoảng 20 năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm 0,18%.

Đây là vấn đề rất bức xúc vì tăng trưởng âm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân. Do đó bên cạnh tập trung các giải pháp căn cơ, lâu dài như tái cơ cấu, tổ chức ngành hàng, trước mắt những tháng cuối năm chúng ta phải dồn lực vào những biện pháp, vào những khu vực, vào những vấn đề có thể đẩy tăng trưởng lên, bù lại tăng trưởng âm của những tháng đầu năm.

Trước hết phải xác định những dư địa còn có khả năng phát triển trong những tháng cuối năm. Trong tăng trưởng âm 0,18% thì trồng trọt là bị tổn thương nhiều nhất.

Cụ thể, cây lương thực bị giảm 1,3 triệu tấn cùng với đó là thiệt hại ở một số diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp tại Tây Nguyên… khiến cho cả lĩnh vực trồng trọt giảm tới 0,78%. Vì vậy biện pháp số một là phải rà soát tất cả khối trồng trọt. Cây công nghiệp như chè, cây rau quả còn tăng trưởng được (6 tháng đầu năm rau quả tăng trưởng tới 46%).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra khắc phục hậu quả bão lụt

6 tháng cuối năm các họ rau, quả ôn đới ở phía Bắc, một số loại cây quả ở phía Nam và những cây công nghiệp như tiêu, điều, chè còn phát triển được. Cây lương thực cần tập trung khai thác điều kiện khí hậu, thời tiết, thủy văn để phát triển vụ lúa thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay Bộ đã bàn với các địa phương có thể đẩy thêm được 37.000 ha lúa thu đông so với năm ngoái, tức lên thành 867.000 ha.

Tất nhiên Bộ quán triệt tất cả các vùng tổ chức sản xuất lúa thu đông phải đảm bảo chắc ăn, cụ thể có đê bao an toàn, áp dụng những giống chất lượng cao để tăng giá trị, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Đối với khu vực Nam Trung bộ, tranh thủ những đợt mưa vừa qua để tổ chức vụ hè thu và vụ mùa, cố gắng lấn thêm được 4.000ha. Đối với vụ mùa của miền Bắc từ Huế trở ra vụ này phát triển khoảng 1,34 triệu ha, tức tăng thêm khoảng 27.000 ha. Cả ba vùng vụ này tính ra có thể tăng thêm được 300.000 tấn lương thực.

Khu vực thứ hai có thể phát triển là nuôi trồng thủy sản, cụ thể là con tôm nước lợ. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển xâm nhập, thiên tai hạn hán khiến cho diện tích nuôi trồng không tăng lên được nhưng có thể tăng cơ cấu con tôm nước lợ. Vì sao? Thứ nhất là thị trường hiện nay khá tốt. Thứ hai là ta có nhiều kinh nghiệm nuôi. Thứ ba là từ 15/5 sau khi có những đợt mưa liên tục ở đồng bằng sông Cửu Long cơ bản về môi trường nuôi đã được cải thiện…

Năm nay dự kiến có thể tăng diện tích tôm nước lợ lên 690.000 ha để có được sản lượng vào khoảng 680.000 tấn. Nếu như làm được điều này là có thêm được 50.000 tấn tôm, tương đương giá trị của 1 triệu tấn lúa.

Hiện các tỉnh trọng điểm tôm nước lợ đang phát triển đúng theo tiến độ này. Vấn đề đặt ra là phải quản trị được mấy việc: Chất lượng giống; Quy trình chăm sóc; Xúc tiến thương mại. Nếu sản xuất ồ ạt mà không quản trị tốt thì chắc chắn chỉ có sản phẩm xấu và khó khăn về đầu ra.

Khu vực thứ ba còn dư địa nữa là chăn nuôi. Về tổng thể cả lợn, gia cầm, trâu bò đều còn khả năng phát triển xét trên sức sản xuất, giá thành chăn nuôi lẫn nhu cầu của thị trường nhất là con lợn. Tổng đầu lợn hiện khoảng trên 28 triệu con, trong đó có gần 4 triệu nái chiếm khoảng 15% là cơ cấu khá tốt cho phát triển đàn.

Giá đầu vào khá thấp (giảm 5-10% so với 2015), giá đầu ra ở ngưỡng xung quanh 43.000 - 45.000đ/kg hơi, là mức giá hợp lý cho cả chăn nuôi và tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngoài thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu lợn hiện cũng đang có những cơ hội tốt.

Khu vực lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng 5,6%. Từ nay đến cuối năm các sản phẩm gỗ còn có thị trường, còn có sức sản xuất nên cần tập trung thúc đẩy.

Xin Bộ trưởng chỉ rõ các biện pháp cụ thể để thoát khỏi tăng trưởng âm?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thứ nhất là cơ quan quản lý nhà nước ngoài tháo gỡ khó khăn cho các khâu trong sản xuất cần tập trung chú ý đến xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường bởi chúng tôi nhận định từ nay đến cuối năm tiêu thụ nông sản sẽ khó khăn, nhất là lúa gạo (Thái Lan xả tiếp 3,3 triệu tấn gạo, nhu cầu của một số thị trường truyền thống không được tốt như trước). Hay như rau quả chúng ta đang có lợi thế nhưng thị trường xuất chủ yếu vẫn chỉ là thị trường Trung Quốc (TQ).

Hướng xúc tiến thương mại, thứ nhất là tích cực đàm phán với các đối tác truyền thống như Philippines bên cạnh đó đẩy mạnh thị trường TQ. Ta đã bàn với TQ chính thức mở nghị định thư để xuất khẩu gạo qua đường chính ngạch. Trong tháng 9 tới các đoàn chuyên môn của TQ sẽ sang VN kiểm tra các điều kiện, các cơ sở để có thể thực thi được nghị định này. Đối với các sản phẩm rau quả và thịt lợn dù đang xuất tiểu ngạch nhưng cũng phải phối hợp cùng các cơ quan hữu quan, các địa phương làm tốt hơn công tác kiểm soát dịch bệnh để khi xuất đi đảm bảo chất lượng tiến tới thành hàng hóa chính ngạch.

Từ nay đến cuối năm cũng là mùa mưa bão của miền Bắc nên đi đôi với các biện pháp kỹ thuật, tổ chức chỉ đạo sản xuất thì công tác phòng chống lụt bão phải được coi trọng. Cơn bão số 1 vừa qua cho thấy tính khắc nghiệt của diễn biến thiên tai, trong bối cảnh tác động kép của biến đổi khí hậu. Mà đây mới chỉ là đầu mùa mưa bão, nếu không phòng chống tốt dù có dư địa phát triển nhưng vẫn có thể không thể đạt được mục tiêu.

Biện pháp cuối cùng là kiện toàn, đổi mới công tác quản lý để làm sao tất cả các thủ tục, các điều kiện sản xuất phải thông thoáng nhất cho doanh nghiệp, cho nông dân, cho các thành phần tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp.

Mục tiêu và hành động

Mục tiêu tăng trưởng dương của ngành năm nay là bao nhiêu? Sức ép nào cho người đứng đầu ngành nông nghiệp thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nếu như tất cả các biện pháp được tổ chức đồng bộ, nếu như không có những điều bất khả kháng xảy ra như thiên tai, dịch hại, nông nghiệp năm nay cố gắng phấn đấu tăng trưởng đạt 1%.

Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ mục tiêu, giải pháp và quyết tâm của ngành. Khu vực nông nghiệp chỉ cần giảm 1-2% tăng trưởng đã là ảnh hưởng đến số đông bà con, nhất là ở những vùng khó khăn, dễ bị tổn thương. Nếu như không làm tốt điều này thì tỷ lệ nghèo sẽ quay trở lại rất nhanh. Chúng tôi đặt quyết tâm cao nhất và bàn các bộ ngành, các địa phương để cùng thực hiện.

Quyết tâm luôn phải đi kèm hành động chứ không chỉ là quyết tâm trên giấy. Vậy chương trình hành động của Bộ thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tôi có thể ví dụ, ngay từ tháng 5 Bộ đã chỉ đạo 3 đoàn cán bộ của Tổng cục Thủy sản đi vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để phối hợp chặt chẽ với hệ thống cán bộ nông nghiệp tại đây tập trung tuyên truyền về quy trình kỹ thuật, tham gia hướng dẫn ương tôm, thâm canh tôm, ứng dụng nuôi tôm sinh thái. Trong 3 tháng qua đã đưa ra được 50 tỉ con giống. Năm nay thời vụ ngắn lại nên giai đoạn ươm phải kéo dài hơn, thậm chí những vùng làm tốt có thể kéo dài 20-25 ngày để khi đưa ra đảm bảo tỷ lệ sống cao, rút ngắn thời gian nuôi trong ao, dễ quản lý.

Cùng với đó Bộ đang chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tăng cường các chương trình tập huấn, quản trị kỹ thuật để nuôi tôm sinh thái, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các hoạt chất, kháng sinh, tránh dư lượng, đảm bảo cho xuất khẩu… Con tôm nuôi chỉ 60, 70, 80, 90 ngày tùy từng loại nên hoàn toàn đủ điều kiện để thu hoạch sản phẩm trong mấy tháng còn lại của năm.

Đối với con lợn, Bộ tập trung kiểm tra chặt chẽ chất lượng đàn giống gốc để đảm bảo chất lượng con giống ra thị trường là tốt.

Xúc tiến thương mại là một trong những nút thắt quan trọng vì vậy Bộ đã bàn cùng Bộ Công thương thống nhất đàm phán với các thị trường truyền thống như Philippine để chuẩn bị ký kết các hợp đồng mới. Bộ cũng làm việc với các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai để làm sao những điều kiện, trình tự, thủ tục xuất khẩu nông sản được thuận lợi nhất.

Hiện chủ yếu nông sản của VN mới chỉ là tiểu ngạch, liệu ta có mở cánh cửa chính ngạch trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phần lớn nông sản Việt Nam xuất vào thị trường Trung Quốc mới chỉ đi theo con đường tiểu ngạch nhất là rau quả, thịt lợn. Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ các vấn đề để sao cho con đường tiểu ngạch chúng ta đi nhưng sản phẩm vẫn phải được kiểm soát an toàn đồng thời nhìn rõ tiềm năng, lợi thế để tiến hành những bước đi có thể tiến tới chính ngạch.

Vừa rồi VN với TQ đã có nghị định thư để xuất khẩu gạo chính ngạch. Một số nông sản khác cũng đang có những bước bàn bạc tuy nhiên câu chuyện này phải nghiên cứu rất kỹ để các khâu lực lượng sản xuất, tổ chức sản xuất, quy trình kỹ thuật, lợi ích của ta phải được đảm bảo. TQ là một nước tiêu thụ nông sản rất lớn nhưng ngược lại cũng là một nước sản xuất nông sản lớn. Tính toán không kỹ, nhất là trùng về thời gian cho ra sản phẩm sẽ rất khó cạnh tranh.

Giải quyết 3 vấn đề khó

Nông nghiệp VN hiện có ba vấn đề khó. Thứ nhất là mấy triệu mảnh ruộng manh mún phải liên kết sản xuất ra sao? Thứ hai là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khiến cho nhiều người luôn phải sống trong sợ hãi khi mua hàng, nhiều nhà ở đô thị phải trồng rau trong hộp xốp, nuôi lợn, nuôi gà để tự cung tự cấp. Thứ ba là tái cơ cấu ngành. Ý kiến của Bộ trưởng ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nền kinh tế Việt Nam nói chung trong đó có nông nghiệp nói riêng đã hội nhập sâu với toàn cầu. Một khi chấp nhận hội nhập là chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng. Chúng ta đang rất kém lợi thế ở chỗ có 12 triệu hộ nông dân, bình quân mỗi hộ chỉ canh tác trên diện tích nhỏ có 0,3 ha. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chúng ta rất khó tổ chức một nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, đủ sức cạnh tranh.

Để tháo gỡ vấn đề này, phải có nhiều giải pháp. Trước mắt phải có một quy hoạch vùng mang tính khả thi nhằm phát huy lợi thế từng vùng. Thứ nữa là phải tổ chức lại nền sản xuất. Không thể có nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên quy mô 12 triệu hộ, bình quân mỗi hộ 0,3 ha. Phải tập trung chính sách, chỉ đạo để nông dân liên kết với nhau thành các tổ đội, các HTX đúng theo tinh thần của Luật HTX 2012.

Chỉ khi liên kết lại với nhau thì nông dân mới có thêm sức mạnh, giảm giá đầu vào, thống nhất một quy trình sản xuất và nhất là chuỗi sản phẩm chế biến, tiêu thụ.

Sản xuất hàng hóa không thể thành công nếu không có các doanh nghiệp. Hiện nay cả nước mới có hơn 3.000 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số doanh nghiệp cũng như nhu cầu của sản xuất. Nghị định 210 chưa đủ độ hấp dẫn nên cần rà soát, bổ sung để làm sao huy động được nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có tiềm lực tham gia khu vực nông nghiệp trở thành nhân tố hạt nhân cho liên kết 4 nhà.

Doanh nghiệp liên kết với các tổ chức của nông dân sẽ hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa lớn, sẽ đưa tiến bộ KHKT vào, sẽ có các chuỗi sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ. Những cái này nằm trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp đang triển khai tuy nhiên bước đi, tốc độ chưa được như mong muốn. Sắp tới Bộ sẽ tổ chức một diễn đàn với sự tham gia của 100 doanh nghiệp để bàn bạc, tháo gỡ các khó khăn với mục tiêu từng năm một sẽ phấn đấu thêm bao nhiêu doanh nghiệp. Bộ cũng bàn với Liên minh HTX Việt Nam để mỗi năm sẽ có thêm bao nhiêu HTX kiểu mới.

Về chuỗi sản phẩm sẽ có cách làm với doanh nghiệp lớn để xây dựng các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, từng bước phủ kín các địa bàn. Trên cơ sở đó tất cả các tổ chức liên kết từ HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ khi muốn bán hàng ở đây đều phải tuân theo quy trình sản xuất đảm bảo. Trong 10 sản phẩm quốc gia đi theo chuỗi phải có được những sản phẩm mang tầm cỡ quốc gia, mang thương hiệu quốc gia.

Vấn đề cuối cùng, an toàn thực phẩm đúng là đang rất bức xúc. Một mặt phải rà soát, chấn chỉnh lại hệ thống quản lý nhà nước nhưng một mặt phải đẩy nhanh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi. Đó mới là cái gốc. Hiện chúng ta mới đang có hơn 200 chuỗi sản phẩm ở các cấp độ, quy mô khác nhau nên thời gian tới phải tập trung nhiều hơn, đặc biệt là với 10 ngành hàng nông sản mà Việt Nam đang có lợi thế.

Phải hình thành các vùng sản xuất chủ lực, quản lý tốt, chế biến sâu để sản phẩm có thể đi ra thị trường quốc tế. Sản xuất tập trung quy mô lớn sẽ lấn át dần quy mô nhỏ. Đây mới là chiến lược lâu dài. Còn trước mắt phải tăng cường, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, phải tuyên truyền để các hộ nông dân tự giác sản xuất an toàn, không chỉ cho xã hội mà cho chính bản thân mình.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

HTX nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ vẫn còn tình trạng “bình mới, rượu cũ”, Bộ trưởng thấy ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta đang tồn tại hơn 9.000 HTX như kiểu ngày xưa mà vừa rồi đã chuyển đổi được hơn 6.000 HTX. Số còn lại nên phân loại ra. Những cái nào còn hướng phù hợp, còn sức quản trị tốt thì phải mở rộng chức năng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ còn cái nào chỉ là hình thức thì không nên tồn tại. Một mặt phải đẩy nhanh hơn sự hình thành các HTX đúng nghĩa. Kể từ 2013 đến nay, mỗi năm chúng ta cho ra đời được hơn 300 HTX kiểu mới đích thực. Xuất phát từ nhu cầu bức xúc của các thành viên, tự nguyện liên kết để cùng có lợi, lấy tôn chỉ mục đích kinh tế hộ thành viên làm chủ chốt. HTX chỉ làm những khâu mà bản thân từng thành viên không thể làm được hoặc làm không hiệu quả, ví dụ như: HTX Quý Hiền, HTX Hoa Hồng ở Lào Cai, HTX rau ở Đà Lạt.

 

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác