|
Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả vượt mặt hàng gạo, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD. Trong ảnh: Vải thiều Bắc Giang được chiếu xạ tại Hà Nội để xuất khẩu sang Australia. |
“Lội ngược dòng”
Theo đánh giá, chưa năm nào như năm 2016, ngành Nông nghiệp và PTNT phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thử thách. Từ đầu năm đến nay, liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và đều ở mức độ khốc liệt. Đầu năm, trận rét đậm, rét hại lịch sử 60 năm xảy ra ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp. Tiếp theo là đợt hạn lịch sử tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn, mặn lịch sử (100 năm) ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây nhất, từ đầu tháng 10/2016 đến nay, liên tục 8 tỉnh Nam Trung Bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử với lượng mưa lên đến 2.300 - 2.700mm. Theo nhận định của các chuyên gia, chưa bao giờ khu vực Nam Trung Bộ xảy ra tình trạng mưa dồn dập, lượng mưa rất lớn và diễn ra trên diện tích rộng như vậy...
Trong bối cảnh khó khăn dồn dập như vậy, không có gì khó hiểu khi 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên ngành nông nghiệp rơi vào tăng trưởng âm. Để khắc phục khó khăn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra các giải pháp sát đúng và quyết liệt triển khai thực hiện, nên tăng trưởng ngành được phục hồi trong 6 tháng cuối năm. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó: trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%.
Cũng nhờ chỉ đạo quyết liệt, trong năm 2016, mặt hàng rau quả đánh dấu sự phát triển vượt trội khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã “vượt qua mặt hàng gạo”, cán đích 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Tương tự, mặt hàng tôm nước lợ đã phục hồi và gia tăng mạnh mẽ sau khi Bộ ban hành kế hoạch hành động cụ thể cho 6 tháng cuối năm. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự “bùng nổ” mạnh mẽ trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con (tăng 4,8%), đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con (tăng 6,6%)…; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,4% so với năm 2015…
Chính định hướng thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản kịp thời với giá cả hợp lý, có lợi cho nông dân nên kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản gia tăng ở mức “kỷ lục”, cả năm ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%... Chúng ta vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.
Ba trục sản phẩm tạo đột phá chiến lược
Bước sang năm 2017, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 - 2020, trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản 2,5-2,8%; tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành 3,0 - 3,2%; kim ngạch xuất khẩu 32 - 32,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,45%; tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới 28-30%.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong năm 2017, Bộ sẽ cố gắng thực hiện 2 nhiệm vụ lớn: tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: Trong năm 2017, phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Sản phẩm quốc gia (bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên); sản phẩm chủ lực thứ 2 là cấp tỉnh như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, na dai Lạng Sơn, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) theo hướng mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm; sản phẩm thứ 3 là trục sản phẩm đặc sản của địa phương như rau hoa, dược liệu… “Tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt, khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đối với từng sản phẩm quốc gia, sau này sẽ phân theo 3 cấp độ, Bộ trưởng chỉ đạo chung, từng đồng chí thứ trưởng sẽ chỉ đạo các nhóm sản phẩm cụ thể. “Lãnh đạo Bộ, cứ 3 tháng một lần ngồi nghe tiến độ thực hiện, các thứ trưởng chỉ đạo doanh nghiệp, địa phương phải làm như thế nào. Việc này cần rất ít tiền, nhưng vẫn làm được việc mới giỏi. Tiền nhiều, nhưng không có phương pháp đúng chưa hẳn ra được việc”, ông Cường nhấn mạnh.
Về đẩy mạnh trục sản phẩm của địa phương, Bộ cũng sẽ bàn sớm với một nhóm tỉnh để tập trung “thổi” thật mạnh sản phẩm của tỉnh bằng giải pháp tổng thể theo tinh thần có doanh nghiệp nòng cốt, có chính sách vào, có liên kết, có tổ chức phối hợp với địa phương, doanh nghiệp, về mặt thị trường quyết liệt trên từng nhánh.
Về sản phẩm cấp địa phương, Bộ sẽ chỉ đạo để phối hợp gắn giữa củng cố HTX, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm có tính chất địa phương, giống như chương trình “mỗi làng một sản phẩm” (OCOP) của Quảng Ninh.
Một lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong năm 2017 được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP). Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, trong chiến lược tái cơ cấu, chúng ta phải xây dựng chiến lược nông nghiệp Việt Nam theo hướng ATTP, thân thiện với môi trường, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy 4 trọng tâm về Năm cao điểm hành động về ATTP của năm 2016, đó là: hoàn thiện thể chế; trực tiếp thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về vật tư đầu vào; xây dựng các chuỗi liên kết có xác nhận, giới thiệu, kết nối với người tiêu dùng và tăng cường công tác thông tin truyền thông.
Bãi bỏ những chính sách ràng buộc nông nghiệp, nông thôn
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 và triền khai kế hoạch 2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Thủ tướng đánh giá, ngành nông nghiệp đang còn rất nhiều công việc ngổn ngang. Một là, tỷ lệ người dân sống ở nông thôn vẫn còn quá lớn, chiếm tới 60% dân số, đặc biệt là 40% lao động ở nông thôn vẫn làm nông nghiệp. Thứ hai, năm nay thiên tai, nhân tai xảy ra quá nặng nề, làm mất đi 1,7 tỷ USD, gần 1% GDP của nước ta. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nông nghiệp vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp chủ lực cho đời sống người dân. Đặc biệt nông nghiệp đã mang về kim ngạch 32,1 tỷ USD cho đất nước, trong đó có 10 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, lần đầu tiên chúng ta đạt được kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 2,4 USD.
Điểm nổi bật thứ hai của ngành nông nghiệp, đó là, tiếp tục chỉ đạo phòng chống thiên tai, kịp thời quyết liệt xử lý mọi tình huống, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt này thì thiệt hại về người và tài sản còn nhiều hơn. Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm nay mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố. Tái cơ cấu nông nghiệp đã bước đầu có kết quả tốt như ở Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Ninh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng đã chỉ ra những bất cập, tồn tại của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Theo Thủ tướng, tồn tại lớn nhất của ngành nông nghiệp thời gian qua là vấn đề hạn điền, tích tụ ruộng đất. Đây là trở ngại khiến doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Khoa học - công nghệ trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề, lao động nông thôn còn quá lớn, nên năng suất lao động nông nghiệp, nông thôn còn thấp. Tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập; vật tư đầu vào cho ngành nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… đôi lúc chưa được quản lý tốt. Quá trình sắp xếp lại nông - lâm trường còn nhiều bất cập, đất đai bị lãng phí, nạn phá rừng đang xảy ra ở nhiều địa phương, đe doạ sự phát triển của đất nước. “Đáng nói là, ở đâu cũng có thanh tra, nhưng đội ngũ này làm việc chưa hiệu quả. Tôi đã nói đóng cửa rừng ở Tây Nguyên và nhiều vùng khác nhưng chỉ trong 10 năm mà Tây Nguyên mất hơn 300.000ha rừng, dẫn đến tình trạng sa mạc hoá, hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Do đó chúng ta cần tiếp tục mở đợt tấn công liên tục vào những kẻ phá hoại rừng”, Thủ tướng nói.
Riêng đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng cho biết ai muốn làm cũng đều ủng hộ, đồng thời chỉ đạo các địa phương, bộ ngành không được gây khó khăn, không được để tư tưởng bao cấp kìm hãm sự phát triển của thị trường. Theo Thủ tướng, chúng ta đã quy hoạch hơn 3,8 triệu hecta đất nông nghiệp để trồng lúa, nhưng một số nơi vẫn để dư thừa đất do trồng lúa không hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là, có cần giữ 3,8 triệu hecta đất lúa hay không? Với vị trí một quốc gia “tam sơn, tứ hải, nhất hạn điền”, cần có chiến lược sử dụng đất đai sao cho hợp lý, hiệu quả.
Về các giải pháp cụ thể cho ngành nông nghiệp trong năm 2017 và giai đoạn tới, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề chính. Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển theo chiều sâu chứ không chạy theo số lượng. Cần thành lập đội ngũ đặc nhiệm đặc biệt để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, vừa phải nghiên cứu xu hướng phát triển của thời đại. Thứ hai, tiếp tục tổ chức các hình thức tổ chức sản xuất đặc biệt, trong đó có các HTX nông nghiệp và gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Thứ ba, phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh. Thứ tư, tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, ưu tiên những sản phẩm là lợi thế của địa phương, đặc sản của vùng, miền. Thứ năm, đầu tư hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hoàn thiện cơ chế chính sách về vấn đề đất đai, sử dụng đất lúa…
“Những chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng sẽ kiến nghị bãi bỏ. Nhất là những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ càng phải bãi bỏ sớm, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Trung ương sẽ đề nghị Trung ương xem xét, nghiên cứu giải pháp cởi trói. “Chúng ta bãi bỏ những quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp để vì dân, vì sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Thể chế, chính sách do chúng ta xây dựng, đừng để chúng ta phải chạy theo những cơ chế, quy định lạc hậu”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn... Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay nông nghiệp theo hướng cho phép các doanh nghiệp có thể thế chấp bằng nhà lưới, nhà kính được hình thành trong quá trình đầu tư làm tài sản thế chấp. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đánh giá các cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm phát triển thị trường, đàm phán tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản…
Theo Kinh tế nông thôn