Ông lớn công nghiệp 'xông trận' nông nghiệp công nghệ cao

25/01/2017

Với gói tín dụng 60.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã đồng ý dành cho NNCNC, và đặc biệt là với sự tham gia của nhiều DN lớn, nhất là DN công nghiệp, hy vọng NNCNC sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Năm 2017, NNCNC tiếp tục đón nhận làn sóng các “ông lớn” ngành công nghiệp đổ vốn đầu tư

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đã được triển khai ở nước ta từ nhiều năm nay, nhưng quy mô hãy còn khiêm tốn. Với gói tín dụng 60.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã đồng ý dành cho NNCNC, và đặc biệt là với sự tham gia của nhiều DN lớn, nhất là DN công nghiệp, hy vọng NNCNC sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.  

DN công nghiệp 'nhảy' vào NNCNC

Có thể nói Hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam” do Câu lạc bộ NNCNC (DAA) tổ chức ở TP.HCM ngày 19/12/2016, đã gây được sự chú ý đặc biệt của những người làm nông nghiệp. Bởi ngoài các DN ngành nông nghiệp, nhiều DN lớn trong ngành công nghiệp đã xuất hiện tại hội nghị này và có những cam kết sẽ đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Một trong những tên tuổi như vậy là Cty CP Ô tô Trường Hải. Theo Bảng xếp hạng VNR500 - TOP 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2016, do Cty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam, công bố, Trường Hải là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất với doanh thu hơn 71.000 tỷ đồng.

Là nhà công nghiệp, nhưng ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Cty CP Ô tô Trường Hải, cũng rất quan tâm tới nông nghiệp. Đặc biệt, ở vị trí của một doanh nhân công nghiệp, công Dương đã nhìn ra những hạn chế không nhỏ của ngành nông nghiệp hiện nay, nhất là ở những khâu cần tới các sản phẩm của công nghiệp như thu hoạch, vận chuyển, chế biến…

Chính vì vậy, Trường Hải đang nghiên cứu xây dựng tổ hợp nông nghiệp sau thu hoạch. Tổ hợp này sẽ là sự hợp tác giữa Trường Hải với Tập đoàn Lộc Trời trong sản xuất lúa gạo. Theo ông Trần Bá Dương, ở khâu thu hoạch và vận chuyển, lúa đang bị thất thoát khá nhiều. Chính vì vậy, ông đã đề xuất với Lộc Trời phải thay đổi khâu thu hoạch và sau thu hoạch.

Theo đó, lúa sau khi thu hoạch sẽ được đưa vào những cái bồn, chuyển xuống sà lan đưa về sấy, cất trong kho. Khi cần gạo XK hay tiêu thụ trong nước thì mới mang lúa ra xay xát.

Hiện ông Dương đang nghiên cứu xây dựng một tổ hợp sau thu hoạch, bao gồm cả chuỗi dịch vụ về giao nhận hàng hóa và chế biến. Tổ hợp này phải nằm gần cảng và thị trường tiêu thụ. Ở đó không chỉ chế biến gạo mà cả các sản phẩm từ gạo và các thực phẩm khác. Ông khẳng định, với những lợi thế sẵn có trong công nghiệp ô tô, Trường Hải có thể làm được những máy móc thiết bị tốt để sử dụng trong thu hoạch và chế biến gạo.

Với thế mạnh về công nghệ thông tin, FPT đang tích cực đầu tư, phát triển các giải pháp công nghệ thông minh ứng dụng trong nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho các DN làm NNCNC. Theo đó, FPT đang tham gia vào khâu truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp… bằng các sản phẩm công nghệ thông minh.

Một trong những khách hàng đầu tiên của FPT về công nghệ truy xuất nguồn gốc là Cty Hùng Nhơn (Bình Phước). FPT đang giúp Hùng Nhơn xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc phân bón Đồng Phú (là sản phẩm do Cty Hùng Nhơn sản xuất).

Trong tháng 12/2016, Hùng Nhơn đã ký hợp đồng với DAA về việc DAA sẽ cung cấp 800.000 con tem điện tử (do FPT sản xuất) cho Hùng Nhơn. Những con tem này sẽ có tác dụng giúp cho nhà quản lý, nông sản sử dụng phân bón Đồng Phú có thể truy xuất nguồn gốc, phân biệt được phân bón Đồng Phú thật với sản phẩm giả mạo.  

Kéo DN nhỏ và vừa tham gia

Lợi thế của các DN lớn trong ngành công nghiệp khi tham gia vào NNCNC là gì? Khi chúng tôi đặt ra câu hỏi này, nhiều doanh nhân ngành công nghiệp cho rằng ngoài công nghệ, một lợi thế lớn của họ là khả năng quản trị. Ông Trần Bá Dương cho rằng mô hình quản trị công nghiệp ứng dụng vào nông nghiệp sẽ rất hiệu quả.

Tuy nhiên, sự tham gia của các “ông lớn” trong ngành công nghiệp vào NNCNC còn hướng tới một mục tiêu rất quan trọng khác. Theo DAA, mục tiêu của họ là lôi kéo, thu hút các DN nhỏ và vừa tham gia làm NNCNC. Những DN này chiếm số đông. Nếu các DN lớn đứng ra liên kết các DN nhỏ và vừa thành chuỗi giá trị NNCNC sẽ góp phần quan trọng làm giảm giá thành, mở rộng được quy mô, giải quyết được vấn đề lao động trên cả nước.

DAA không tập trung làm nông nghiệp theo một hướng mà theo dự án. DAA ngoài các ban chức năng thông thường thì thêm ban ngành nghề. Ban ngành nghề, tùy theo sáng kiến, nhu cầu cụ thể mà nghiên cứu và đề xuất các dự án cụ thể để các thành viên có thể tham gia và làm lợi ngược lại cho chính các thành viên đó. Trong thời gian tới, DAA sẽ triển khai các dự án có tính hỗ trợ chung: Xây dựng mô hình thí điểm Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao; Đề án sử dụng tem thông minh truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng rau an toàn cho TP.HCM và Hà Nội; Một số dự án đang nghiên cứu khác.

Theo ông Dương, trong phong trào khởi nghiệp hiện nay, việc tham gia của các DN lớn là rất cần thiết, vì đó chính là những DN đầu tàu để thúc đẩy khởi nghiệp trong ngành nông nghiệp. Ông Dương cho rằng, nông nghiệp Việt Nam sẽ khó tiếp tục phát triển nếu thiếu các mô hình công nghiệp trong nông nghiệp. Chúng ta lại không có những ngành kinh tế khác có thể kiếm ra thật nhiều tiền để bù lỗ lại cho nông nghiệp. Chính vì vậy, các DN công nghiệp có vốn, có kỹ năng quản trị tốt… cần phải dấn thân vào nông nghiệp để tạo ra những mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp.

Chính vì vậy, DAA xác định nhiệm vụ chính để phát triển NNCNC là phải hỗ trợ DN tạo hành lang chính sách thuận lợi. Theo đó, trong những năm tới, DAA tập trung 2 vấn đề lớn là góp phần tạo những thủ tục thuận lợi để các DN tham gia làm NNCNC tiếp cận với gói 60.000 tỷ đồng; xây dựng mô hình Tổ hợp NNCNC, trong đó giải quyết các bài toán đất đai, liên kết sản xuất, tìm kiếm đầu ra… cho các DN tham gia.

Mô hình Tổ hợp NNCNC của DAA

Là khu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với diện tích 1.000ha trong đó bao gồm: Công nghệ tạo giống cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu thực nghiệm các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để áp dụng đại trà; sản xuất chất dinh dưỡng dành cho cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu chế tạo các máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp; chế biến sản phẩm nông nghiệp; chuỗi dịch vụ về giao nhận hàng hóa.

Các đặc trưng cơ bản của Tổ hợp NNCNC gồm: Chức năng sản xuất NNCNC quy mô lớn, giống như mô hình Kibutz và Moshav của Israel, bao gồm các hoạt động từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho đến sản xuất, thương mại, phân phối các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài hay bán ở các siêu thị; tích tụ đất đai lên đến hàng nghìn ha đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Tổ hợp NNCNC là một cấu trúc liên kết, đảm bảo khả năng hiện đại hóa nông nghiệp, tạo điều kiện giải quyết đồng bộ các bài toán lớn về vốn, đầu tư, công nghệ, chuyên môn hóa, chuỗi liên kết, nhân lực, thị trường, xuất nhập khẩu, sự lan tỏa và nhân rộng. Đồng thời, tổ hợp còn đóng vai trò là hàn thử biểu về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn.

Tổ hợp được xây dựng hạ tầng đồng bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây nhà xưởng, vườn ươm công nghệ, phòng thí nghiệm (theo danh mục đã có trong quyết định 66/2014 QĐ TTG của Thủ tướng), hạ tầng chuỗi dịch vụ về giao nhận hàng hóa phục vụ lưu thông phân phối sản phẩm nông nghiệp và thương mại hóa sản phẩm.

Chủ thể tham gia Tổ hợp NNCNC sẽ rất đa dạng. Trong đó, giữ vai trò chính là các doanh nghiệp NNCNC, sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp với nhiều loại hình và quy mô khác nhau, từ các DN lớn đến DN siêu nhỏ, DN khởi nghiệp.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác