Trong giai đoạn sản xuất tập trung, kinh tế tập thể trước đây, công ty nông lâm nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành NLN cũng như an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, do sự yếu kém về trình độ quản lý, tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường đã khiến các công ty NLN hoạt động kém hiệu quả, có nhiều đơn vị bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ.
Trước sự yếu kém của các công ty NLN, các chính sách gần đây về cải cách doanh nghiệp lâm nghiệp (Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty NLN) đã nêu bật việc phải ưu tiên rà soát, thu hồi, chuyển giao và phân bổ đất rừng đang được sử dụng không có hiệu quả cho chính quyền địa phương, ưu tiên phân bổ đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số đang không có đất hoặc thiếu đất sản xuất trong khu vực. Đây sẽ là nguồn đất quan trọng để phân bổ cho các hộ gia đình nghèo và giúp họ cải thiện sinh kế.
|
Việc sử dụng đất nông lâm trường chưa thực sự hiệu quả. (Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN). |
Tuy nhiên, theo TS.Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, việc giao đất rừng cho chính quyền địa phương còn chậm. Sau khi chuyển đổi, tổng diện tích của công ty NLN giảm 1.868 nghìn hecta nhưng chỉ có 415.000ha đất rừng được chuyển giao cho chính quyền địa phương và chủ yếu trên giấy tờ. Công ty NLN và chính quyền địa phương chủ yếu áp dụng các tiêu chí đánh giá lên đất hoang hóa, đất của lâm trường giải thể hoặc các khu đất mà các công ty NLN không có đủ nguồn lực để quản lý và bảo vệ. Các tiêu chí khác như đất phân tán và có diện tích nhỏ, gần khu dân cư, đất sử dụng không hiệu quả,... lại ít được chú ý tới.
Kết quả là, phần lớn đất chuyển giao từ công ty NLN cho địa phương chưa được giao lại cho các hộ gia đình và cộng đồng. Ở một số vùng, đất rừng được các công ty NLN bàn giao cho chính quyền địa phương không phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân địa phương hoặc khó tiếp cận. Do đất được chuyển giao đơn thuần trên giấy tờ mà không tiến hành đo đạc và cắm mốc phân giới trên thực địa nên các trường hợp vừa thuộc sở hữu của công ty NLN vừa thuộc chủ sở hữu khác diễn ra khá thường xuyên. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn tại các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có tập quán quản lý rừng theo cộng đồng.
Quá trình rà soát và giao đất rừng không có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, đặc biệt là người dân địa phương, là những người đang rất bức xúc về vấn đề quản lý đất rừng tại địa phương. Mặc khác, các bên liên quan trong quá trình rà soát đất rừng của các công ty NLN lại không nắm rõ đầy đủ các chính sách có liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương và cộng đồng. Hai lý do này dẫn đến rất nhiều bất đồng và mâu thuẫn xã hội trong việc thực hiện rà soát, phân định ranh giới đất và giao đất lâm nghiệp cho người dân địa phương.
Ông Trần Ngọc Bình, Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Lâm nghiệp) nêu một thực tế, nhiều công ty NLN khi chuyển đổi mô hình hoạt động còn lúng túng, giá trị doanh nghiệp nhìn chung thấp, thiết bị công nghệ lạc hậu; kết quả sản xuất kinh doanh và lợi nhuận không cao, khó thu hút các nhà đầu tư. Đất đai ở nhiều nơi bị tranh chấp, lấn chiếm, cấp trùng chưa được xử lý giải quyết dứt điểm; công tác đo đạc, cắm mốc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất, khai thác trái phép ở một số nơi vẫn diễn ra phức tạp.
Từ thực tế này, theo ông Phong, cần phải rà soát, quy chuẩn lại khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách và đánh giá hoạt động giao đất lâm nghiệp, đặc biệt là đất của lâm trường, từ kinh nghiệm quốc tế để đưa ra một hệ thống giám sát cải tiến, sáng tạo. Một khuôn khổ chính sách mới với một hệ thống giám sát và đánh giá thường xuyên có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan sẽ giúp Quốc hội và các cơ quan chính phủ quản lý đất lâm nghiệp chủ động hơn và hiệu quả hơn; giúp người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có quyền tiếp cận tới tài nguyên đất một cách minh bạch và công bằng, từ đó cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo và quản lý bền vững đất rừng.
Mục đích của việc giám sát là đánh giá việc thực hiện các chính sách quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc tại các công ty NLN, xác định những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của nó; cung cấp bằng chứng giúp Quốc hội, các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện và chỉnh sửa các quy định để quản lý hiệu quả đất đai có nguồn gốc từ công ty NLN; đồng thời góp ý sửa đổi chính sách hiện hành để tăng cường quyền hưởng dụng và khả năng tiếp cận công bằng đất lâm nghiệp cho các nông hộ nhỏ và dân tộc thiểu số.
Để thực hiện việc giám sát, Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp sẽ gửi phiếu phỏng vấn đến các đối tượng, kết hợp với tiến hành đi khảo sát thực địa để gặp gỡ, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ từ các tổ chức, cá nhân liên quan ở địa phương nơi có nhận đất từ các công ty NLN bàn giao về, sau đó xử lý số liệu, thông tin và xây dựng báo cáo giám sát.
Theo Kinh tế nông thôn