Thứ trưởng Bộ Khoa học: 'Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động lao động phổ thông'

05/06/2017

Theo ông Trần Văn Tùng, người lao động sẽ có cơ hội học tập, nâng cao trình độ để thích nghi với trình độ công nghệ tiên tiến khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngày 10/5, bên lề hội thảo về cách mạng công nghiệp 4.0 ở TP HCM, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nói rằng, Việt Nam không nằm ngoài tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng này. Cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi về phân bố nguồn nhân lực sản xuất, cơ hội việc làm của người lao động, cách thức sản xuất và tiêu dùng của xã hội.

Ông Tùng nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần này tác động lớn đến lực lượng lao động phổ thông. Sự gia tăng tỷ lệ tự động hóa giúp các công ty sản xuất toàn cầu có cơ hội đưa sản xuất về lại nước mình, giành lại công việc từ các nước có giá nhân công thấp.

thu-truong-bo-khoa-hoc-cach-mang-cong-nghiep-40-tac-dong-lao-dong-pho-thong

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông phân tích, ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, nhiều người đã đập phá tàu chạy bằng hơi nước bởi họ nghĩ rằng máy móc sẽ thay con người và họ mất việc. Song, máy móc sau đó vẫn được chấp nhận và ngày càng phát triển.

"Khi người ta chưa kịp thích nghi vì chưa được trang bị kiến thức, họ sẽ bị bỏ rơi, nhưng sẽ không ai thất nghiệp cả vì con người sẽ học hỏi để làm chủ được máy móc, công nghệ đó", ông Tùng nói và khẳng định đó là quy luật phát triển tất yếu.

Ông cho rằng, tương tự như những lần trước đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại thách thức đồng thời cơ hội học tập suốt đời, nâng cao trình độ cho người lao động. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, nguồn lao động ở Việt Nam phải sẵn sàng cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức mới nhất để gia nhập cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước đó, ông Tùng cho biết các đột phá về công nghệ - nhất là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in 3D đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam.

Sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao, sản phẩm quốc gia. Các doanh nghiệp phải là nơi ứng dụng nhiều nhất khoa học công nghệ, cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu cho Chính phủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và những cá nhân tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo "Các mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh" do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì tổ chức nhằm đưa ra góc nhìn toàn cảnh và xu thế ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 với nền công nghiệp Việt Nam, trong lĩnh vực sản xuất thông minh.

Các đại biểu đã thảo luận những bước đi cần thiết để tiếp cận thành công cách mạng công nghiệp 4.0, cách thức để doanh nghiệp triển khai, ứng dụng công nghệ như nhằm khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

Nhiều doanh nghiệp cũng giới thiệu ứng dụng mới Internet vạn vật (IoT) vào sản xuất thông minh và triển khai thành phố thông minh.

Mạnh Tùng


Tin khác